Aa

Xao xuyến nắng Đông

Thứ Sáu, 20/01/2023 - 13:30

Trong không gian phảng phất chút khói sương, nắng Đông cứ rờ rỡ tưởng như có thể cầm nắm được trong tay, làm ta xao xuyến đến lạ kỳ với thấp thoáng tà áo dài cô dâu phơ phất trong làn gió heo may…

Tôi rất thích bài “Mười hai cái nắng” trong ca dao Việt Nam, trong đó có những câu nói về nắng Đông thế này:

Tháng Chín nắng gắt nắng gay

Tháng Mười có nắng nhưng ngày ngắn không

Tháng Một nắng về mùa Đông

Tháng Chạp có nắng nhưng không có gì.

Ở đây cũng cần chua thêm một chút về cách gọi tên các tháng theo âm lịch, rằng tháng Một là tháng thứ 11 và tháng Chạp là tháng thứ 12 trong năm. Cách gọi tên tháng trong âm lịch đếm theo hệ thập phân là từ Một đến Mười; do đó đến tháng Mười vẫn gọi tên theo số bình thường, nhưng tháng thứ 11 thì lại được gọi là tháng Một là số đầu tiên của hệ thập phân. Và vì tháng thứ 11 trong năm gọi là tháng Một rồi nên tháng đầu tiên của năm mới được gọi là tháng Giêng (chứ không phải tháng Một), sau đó mới bắt sang tháng Hai….

Cũng chính vì tháng thứ 11 trong năm gọi là tháng Một nên khi tính theo địa chi thì tháng này thuộc chi Tý (con chuột) là tên mở đầu cho 12 địa chi; và khi đó thì tháng mở đầu năm mới là tháng Giêng không phải là địa chi đầu tiên mà là chi thứ 3, chi Dần (con hổ). Nói lan man một chút như thế để bạn đọc hiểu rõ thêm cách gọi tên tháng trong âm lịch; bởi đối với các vị cao niên, cách gọi tên 12 tháng âm lịch lần lượt là Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Một, Chạp đã trở nên quen thuộc, nhưng đối với các bạn trẻ có thể có bạn chưa nắm được điều này…

Trở lại câu chuyện về cái nắng mùa Đông trong câu ca dao trên, thì đến tháng Mười vẫn còn có nắng, nhưng sang tháng Một thì cái nắng đã trở nên hư ảo, còn đến tháng Chạp thì cái nắng ấy chỉ còn là một khái niệm, “có nắng nhưng không có gì”

Ấy vậy mà năm nay, cái thứ nắng “không có gì” ấy lại hiển hiện gần như suốt cả mùa Đông xứ Bắc. Có những đợt, suốt cả tuần đều trời trong nắng nhẹ… Tuy nền trời có bàng bạc màu xanh nhạt và không gian phảng phất chút khói sương, nhưng cái nắng vẫn cứ rờ rỡ tưởng như có thể cầm nắm được trong tay…

Cái nắng Thu của Hà thành năm nay đã đẹp, mà cái nắng Đông năm nay cũng đẹp không kém… Nếu như mùa Thu năm nay sóng sánh trong cái thứ nắng vàng ong như rót mật, thì cái nắng Đông lại dịu dàng, ấm áp, bồng bềnh như những bông lau trắng và trong cái tiết trời se se lạnh lại làm ta xao xuyến đến lạ kỳ với thấp thoáng tà áo dài cô dâu phơ phất trong làn gió heo may… Hay chỉ cần ngồi một góc phố vắng, hít hà bát phở nóng lúc sáng sớm hay nhâm nhi ly cả phê cũng đủ làm ta cảm thấy cái ấm áp của nắng Đông.

Ngõ Tạm Thương.

Thực ra cho đến tận những năm gần đây, tôi vẫn không thích mùa Đông, bởi mùa Đông trong tôi vẫn là nỗi ám ảnh của những đợt mưa phùn gió bấc, rét cắt da cắt thịt với cái bụng lúc nào cũng trong cơn đói và ngoài cật chỉ là những tấm áo phong phanh của một thời đất nước còn gian khó… Bởi vậy, người nhà quê của những năm sáu mươi thế kỷ trước không thích mùa Đông.

Mùa hè cũng khắc nghiệt, nhưng người dân quê vẫn có cách để thích nghi. Những ngày nắng to thì sáng ra đồng sớm rồi nghỉ sớm để tránh cái nắng gay gắt ban trưa, chiều ra đồng muộn và làm lân sang đêm… Có những ngày, chị em tôi dậy sớm ra đồng cắt được nửa ruộng lúa trời mới hửng sáng; còn ban đêm tranh thủ tát nước, càng về đêm trời càng dịu lại càng được việc… Còn lũ trẻ trâu chúng tôi, nắng quá thì chống nóng bằng cách nhảy ùm xuống ao hồ hay lên con máng nổi trên đồng Cát hoặc chạy ra sông Bất Di, vừa bơi lội vừa nô đùa là quên hết cả nóng nôi…

Nhưng cái rét mùa Đông thì khó có gì để chống trọi. Nhà tranh vách đất gió lùa tứ phía, ở trong nhà cũng chẳng khác bên ngoài là mấy. Mà dạo ấy làm gì có chăn êm nệm ấm như bây giờ. Nhà khá lắm thì có cái chăn chiên, còn không thì ban đêm đi ngủ có bao nhiêu áo cố mặc càng nhiều càng tốt, rồi đắp cái chiếu lên cho bớt giá. Nhưng chiếu cói vừa nặng vừa trơn, chỉ cần giở mình mấy lượt là có khi chiếu tuột khỏi người. Sau này có hàng viện trợ lương thực, phân bón hóa học của Liên Xô, Trung Quốc thì lấy cái bao tải để chống rét. Tôi nhớ tụi trẻ con chúng tôi khá thì mỗi đứa được một bao bố, đêm ngủ chui chân vào bao kéo lên tận cổ, chỉ thò cái mặt ra ngoài, tuy có hơi rặm nhưng được cái cũng khá ấm. Còn bên dưới thì lấy rơm hoặc rạ nếp đánh gianh làm như tấm đệm; đơn giản hơn thì rải lớp rơm ở dưới rồi trải chiếu lên, thế là thành cái ổ để cố chống trọi với giá rét…

Nhưng đó là ở trong nhà, còn khi ra đồng thì chẳng có gì ngoài mấy tấm áo phong phanh… Vì vậy mà người dân quê không thích mùa Đông. Cũng vì vậy mà giữa Đông chợt có nắng hửng lên là cả một ân huệ trời ban. Quần áo chăn chiếu mang hết ra phơi để lấy chút hơi ấm. Có hôm rỗi việc, mẹ lại lôi con gái ra ngoài hè hong nắng và bắt chấy rận. Còn lũ trẻ con chúng tôi tranh thủ lúc ban trưa rủ nhau ra chân đống rơm vừa hong nắng vừa chơi bán đồ hàng, rồi chia nhau nắm khoai khô mà một đứa nào đó bốc trộm thày u trong chum…

Chính bởi vậy, năm nay tôi cứ mê mẩn với cái nắng Đông, không chỉ bởi nắng đẹp có thể say sưa đi chụp hình suốt cả ngày, mà còn bởi cái thứ hơi ấm rất “ổ rơm” trong cái nắng vàng nhạt ấy gợi nhớ những ký ức tuổi thơ của lũ trẻ con một thời chiêm trũng… Mà nắng Đông năm nay đẹp thế chứ. Nắng xôn xao trong gió heo may, nắng lung linh trong sắc lá nhuộm vàng cây bằng lăng, cây lộc vừng, cây bàng góc phố…

Rồi một hôm, bỗng cả Hà thành xốn xang bởi cây hoa mõ ở Bờ Hồ bỗng đổ lá vàng, cái màu vàng tươi rực rỡ như chưa từng bao giờ đẹp thế, để giữa chốn kinh kỳ mà tôi cứ liên tưởng đến “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” của Đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ có điều, cái màu vàng này không gợi sự chia ly mà lại mời gọi biết bao tay máy trong Nam ngoài Bắc canh đủ các góc máy để ghi lại khoảnh khắc hiếm có của một mùa Đông xứ nhiệt đới.

Nhưng cái sự đặc biệt của nắng Đông không chỉ có thế. Mùa Đông còn là sự thể hiện rõ rệt nhất sự thay đổi vị trí của mặt trời với trái đất. Với sự tự quay của trái đất xung quanh trục của mình lệch hai ba độ năm so với mặt phẳng xích đạo, đây là mùa mặt trời lệch về Nam bán cầu nên ở miền Bắc nhìn thấy mặt trời thấp dần về phương Nam. Chính bởi thế mà ngay giữa trưa mặt trời cũng xuống thấp chứ không dứng đỉnh đầu nên không thể có “tròn bóng nắng”. Cũng vì thế mà suốt cả ngày, dù trời quang mây tạnh nhưng ánh nắng thường cũng chỉ nhuộm vàng được mái phố với những chóp nhà thấp thoáng trong sắc Đông… Nhưng cũng chính cái nắng ấy lại có thể rọi đến tận giữa nhà của những ngôi nhà quay hướng Nam…

Nhưng điều tôi thích nhất trong những ngày Đông ấy lại là những con phố cổ. Mà điều làm nên sự diệu kỳ của con phố cổ không phải chỉ là những nếp nhà xưa với màu tường quét vôi vàng và cánh cửa sơn xanh, mà là nhịp điệu của sự sinh sôi… bất cứ ngày nào lên con phố Tây - Tạ Hiện, ta cũng đều có thể bắt gặp những cặp nam thanh nữ tú dập dìu chụp ảnh… cưới. Một chiếc xe đạp Phượng hoàng gợi nhớ thời bao cấp thấp thoáng đôi trai gái với bó hoa lay ơn đỏ thắm và tà áo dài trắng tinh khôi vờn trong gió heo may trong tiết trời hanh nắng bỗng làm ta xốn xang…

Chỉ cần thế thôi đã đủ làm cho đất trời rạo rực. Và mùa Đông bống trở nên ấm áp lạ thường. Như một sự vô thức, tôi chợt lẩm nhẩm đoạn ca từ trong ca khúc Ngày đá đơm bông của Nhật Ngân và Loan Thảo:

Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui

Một ngày vui, bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ

Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông…

Và tôi bỗng thấy mùa Xuân đã thấp thoáng trong xao xuyến nắng Đông…

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top