Aa

Xây dựng Bảng giá đất Hà Nội đáp ứng yêu cầu thực tế

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 06:15

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, đã đến lúc bảng giá đất cần được quy định bằng giá trung bình trên thị trường.

Chiều 7/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về giá các loại đất trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024”.

Đề xuất tăng bình quân 30% cho giá các loại đất

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, đề xuất tăng bình quân 30% cho giá các loại đất như: đất ở đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế của từng địa phương.

Toàn cảnh hội nghị phản biện xã hội

UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của từng loại đất trong khung giá đất. Hiện nay, Nghị định quy định khung giá đất mới chưa ban hành nên việc đề xuất tỷ lệ tăng 30% là phù hợp.

Theo đánh giá của UBND TP, việc xây dựng Bảng giá đất góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai, gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Đặc biệt, việc này sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, giảm tình trạng đầu cơ về đất, tăng thu ngân sách nhà nước.

Các ý kiến tại hội nghị của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các thành viên Hội đồng Tư vấn của MTTQ TP đều đánh giá cao sự cần thiết ban hành giá đất mới theo quy định. Dự thảo nghị quyết đã tuân thủ các quy trình của pháp luật.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thực tế, bảng giá đất chỉ ảnh hưởng đến thuế và phí. Đã đến lúc bảng giá đất phải được quy định bằng giá trung bình trên thị trường.

Theo khảo sát, bảng giá đất hiện nay tại khu vực phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào hơn 800 triệu đồng/m2 nhưng trong dự thảo chỉ đưa ra giá cao nhất là hơn 200 triệu/m2; trong khi dự thảo giá đất Chính phủ đưa ra đối với khu vực đắt nhất là hơn 300 triệu đồng/m2. Nếu áp dụng bảng giá như thế này sẽ làm thất thu thuế Nhà nước.

Hiện nay, dân số Hà Nội lên đến hơn 10 triệu người nhưng với đà phát triển này, 20 triệu dân trong khoảng 5 - 7 năm nữa là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu thuế và phí Hà Nội không nâng thì sẽ vẫn còn những con đường đắt nhất hành tinh, nhà siêu mỏng, siêu méo… 

“Tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn thu từ thuế và phí tại chỗ. Nếu không hoàn chỉnh thuế đất thì việc xây dựng các đô thị Việt Nam sẽ thất bại”, GS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ.

Đảm bảo quyền lợi của người dân

GS. Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TP Phạm Ngọc Thảo cho rằng, Hà Nội cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các TP lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá đất của thành phố giai đoạn 2020 - 2024, nhất là khu vực nông nghiệp có những khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy giá đất cần phải được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.

Nhấn mạnh đất đai là vấn đề phức tạp nhất trong những vấn đề phức tạp của xã hội, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, trong quá trình xây dựng bảng giá đất phải đánh giá tác động xã hội, trong đó đánh giá kỹ ảnh hưởng đến Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“Trong dự thảo Nghị quyết phải có cụm từ nào đó thể hiện sự minh bạch, công khai trong thực hiện giá đất bởi vì thực tế vừa qua việc thực hiện chưa minh bạch, công khai gây bức xúc, khiếu kiện trong Nhân dân. Đối với từng trường hợp cụ thể cần phải có từng giá đất cụ thể chứ không nên áp dụng khung giá chung”, bà An nói.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường là cần thiết để bảng giá tiếp cận gần hơn với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top