Aa

Xây dựng chuỗi thương hiệu, phải đi từ giá trị cốt lõi

Thứ Hai, 22/01/2018 - 06:00

Đi cùng với yếu tố vị trí, thiết kế và tiện ích, không thể phủ nhận vai trò của giá trị thương hiệu bất động sản trong việc chào bán sản phẩm.

Thương hiệu tốt = bán hàng tốt

Buổi lễ ra mắt chính thức Dự án Khu đô thị Dragon Village (quận 9, TP.HCM) vào ngày 6/1/2018 của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long thu hút tới gần 1.000 khách hàng, nhà đầu tư tới tham quan, tìm hiểu. Theo công bố của chủ đầu tư, 100% sản phẩm đợt 1 tại dự án này đã được đặt mua.

Sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư đối với dự án trên cho thấy, cái tên Phú Long đang có sức hút lớn với người mua nhà, nhất là với những gì chủ đầu tư này đã thực hiện tại Khu đô thị Dragon City (quận 7, TP.HCM).

Tương tự Phú Long, Novaland cũng là một cái tên có độ nhận diện rất cao trong mắt người mua nhà và nhà đầu tư. Được xem là chủ đầu tư hàng đầu tại khu vực phía Nam, hầu như sự kiện ra mắt dự án nào của Novaland trong suốt 2 - 3 năm vừa qua đều thu hút rất đông khách hàng tham dự.

Quản lý và phát triển thành công trên 30 dự án lớn nhỏ khác nhau, thương hiệu Novaland cũng đã được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín như thương hiệu nổi tiếng ASEAN 2013, thương hiệu bất động sản xuất sắc năm 2015…

Kể từ cuối năm 2016, mức độ nhận diện với thương hiệu Novaland còn cao hơn khi doanh nghiệp này chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa cao nhất thị trường.

Do đó, không khó hiểu khi trong sự kiện ra mắt dự án mới nhất của Novaland mới đây là khu dân cư phức hợp cao cấp Victoria Village, đã có rất đông nhà đầu tư đến tham quan và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trong khi đó, không chỉ tại TP.HCM, cái tên Vingroup đã trở thành thương hiệu được bảo chứng với giới đầu tư bất động sản trên toàn quốc. Các dự án do chủ đầu tư này thực hiện luôn được săn đón.

Xây dựng bước đầu với thương hiệu Vinpearl cho phân khúc nghỉ dưỡng, năm 2013, Vingroup chính thức ra mắt thương hiệu bất động sản Vinhomes. Sau chưa đầy 2 năm ra mắt, năm 2015, thương hiệu bất động sản Vinhomes đã được Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh định giá trị thương hiệu lên tới 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Năm 2016, giá trị thương hiệu Vinhomes được Brand Finance định giá lên đến 511 triệu USD và đứng thứ 5 trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia vào thời điểm đó, việc thương hiệu Vinhomes của Vingroup được đánh giá cao nhờ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng đến từ việc các dự án của Vinhomes phát triển có tiến độ đảm bảo, hạ tầng hoàn thiện, với rất nhiều tiện ích, được quản lý vận hành và khai thác rất chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thương hiệu mạnh của Vingroup còn được thể hiện sau khi tập đoàn này công bố sẽ cho ra mắt dự án nhà vừa túi tiền mang thương hiệu VinCity cuối năm 2016 đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà giá trung bình và thấp lo sợ.

Chưa hết, việc Vingroup đầu tư vào sản xuất xe hơi tại Việt Nam mang thương hiệu Vinfast trong năm qua cũng ngay lập tức gây được sự chú ý và nhận được khá nhiều kỳ vọng sẽ thành công với lĩnh vực vô cùng mới mẻ với doanh nghiệp này.

 Thương hiệu của các doanh nghiệp bất động sản thường được bảo chứng bởi các dự án mà họ đã thực hiện trước đó

Thương hiệu của các doanh nghiệp bất động sản thường được bảo chứng bởi các dự án mà họ đã thực hiện trước đó

Xây dựng thương hiệu phải đi từ yếu tố cốt lõi

Câu chuyện về việc xây dựng thương hiệu không phải đến bây giờ mới được nhắc đến, nhưng trong khoảng thời gian dài vừa qua, không phải doanh nghiệp nào cũng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và đầy đủ, dẫn đến việc ảnh hưởng khá lớn tới quá trình bán hàng và ra sản phẩm.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, đơn vị nhiều năm tư vấn cho khách hàng trong vấn đề xây dựng và bảo hộ thương hiệu, vị trí, tiện ích, giá cả, phù hợp nhu cầu… là những yếu tố làm nên thành công của một dự án bất động sản. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng mà chủ đầu tư cũng cần quan tâm là xây dựng thương hiệu cho dự án, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc truyền thông, makerting và bán hàng.

“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần làm đúng, đủ là được người mua quan tâm, nhưng trên thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng, do người mua không thực sự tin tưởng vào chủ đầu tư. Ngay kể cả trường hợp chủ đầu tư hoàn thành xong mới bán cũng khó, vì nhiều người không dám đặt niềm tin vào cuộc sống trong mơ với một doanh nghiệp mà họ chưa từng biết đến”, ông Hà cho biết.

Thực tế, những dự án đáng sống, rất ít tranh chấp và có được cộng đồng sống văn minh đều thuộc về những chủ đầu tư có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sun Group, HDMon, Đất Xanh, Novaland, Phú Long, Hưng Thịnh…, do những dự án này được chuẩn mực ngay từ đầu về chất lượng và giá cả phù hợp. Điều này chứng tỏ, thương hiệu không chỉ là tấm áo choàng được thêu dệt hoa mỹ bề ngoài, mà phải là giá trị thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng, từ chất lượng, tiến độ đến các dịch vụ hậu mãi.

Thậm chí, trong một số trường hợp, để tăng độ phủ của mình, nâng giá trị gia tăng cho dự án, các ông lớn bất động sản còn tạo ra các sản phẩm chéo, tạo thêm dịch vụ, tiện ích cho khách hàng của mình.

"Đây là cách đi đúng, bởi dù thị trường bất động sản hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn đang trong giai đoạn sàng lọc rất lớn. Cuộc chơi chỉ dành cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp, biết nắm bắt cơ hội, tạo dựng được uy tín và có sản phẩm tốt, còn các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi", ông Hà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Giám đốc Khối kinh doanh và tiếp thị Công ty cổ phần Dự án đất nền, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn tạo được đột phá cần định hình rõ thế mạnh của mình, giảm thiểu việc sử dụng ngôn ngữ “khoa trương” bằng cách nâng cao giá trị thật của từng dự án.

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tập trung làm chuỗi thương hiệu cho dự án của mình, nhưng chỉ mới ở mức độ sơ khai và không đi đến cùng, nên không những không tạo hiệu quả, mà còn có tác động ngược lại, gây mất thương hiệu và lãng phí. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, theo ông Hậu là do xuất phát từ tư tưởng “lối mòn" giá trị của các ông chủ doanh nghiệp.

Ông Hậu cho biết, trên thực tế, marketing “thực dụng” (marketing ngắn hạn) đã mang lại hiệu quả đáng kể trong bước đầu kinh doanh, nên rất nhiều ông chủ lầm tưởng thương hiệu doanh nghiệp của mình rất hoàn hảo, từ đó phát sinh khái niệm “ảo tưởng thương hiệu”. Điều này vô cùng nguy hiểm và rất dễ xảy ra các khủng hoảng không đáng có sau này.

“Đối với những chủ đầu tư mới xuất hiện trên thị trường, để thành công, họ bắt buộc phải làm đúng quy trình, từ đó tạo được lý do tin tưởng dự án nơi khách hàng. Có thể thực hiện điều này dựa trên uy tín của các đối tác, đơn vị tham gia thực hiện dự án như nhà thầu thi công, đơn vị thiết kế, công ty phân phối hay quản lý đã có danh tiếng trên thị trường”, ông Hà nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top