Aa

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM cần có trọng tâm, trọng điểm

Thứ Hai, 27/02/2023 - 16:30

Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực CP với lãnh đạo TP.HCM về Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP.HCM.

Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM; Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Thành phố hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết trình Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng dự thảo Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 76 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.

Thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chương trình hành động, các đề án, dự án… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức 15 cuộc họp, hội thảo với các bộ, ngành và TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học. Ngày 22/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khải đã chủ trì cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và TP.HCM về dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết với mục đích xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thủ tướng, với các vấn đề mới, khó, có vướng mắc, những nội dung nhạy cảm, phức tạp thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được "đầu ra", cách xử lý, giải quyết phù hợp trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể, trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức.

Các cơ chế, chính sách này gồm 4 nhóm: Các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù dành cho các địa phương khác; các cơ chế, chính sách có trong một số dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các góp ý tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các bộ trưởng trực tiếp phối hợp, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, triển khai các công việc tiếp theo theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng dự thảo Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp; bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan và TP.HCM tiếp tục rà soát lại nội dung dự thảo để xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố theo hướng đặc thù, thông thoáng, vượt trội nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước; xác định rõ thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế, tạo điều kiện tốt nhất có thể để Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tạo đột phá về hợp tác công tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội không chỉ cho phát triển hạ tầng mà còn các lĩnh vực khác; thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho TP.HCM. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tạo đột phá về hợp tác công tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội không chỉ cho phát triển hạ tầng mà còn các lĩnh vực khác; thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho Thành phố đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giáo dục - đào tạo và thu hút nguồn nhân lực...

Theo Thủ tướng, cần có quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tư duy đột phá hơn, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Với các vấn đề mới, khó, có vướng mắc, những nội dung nhạy cảm, phức tạp thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được "đầu ra", cách xử lý, giải quyết phù hợp trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát kịp thời, hiệu quả, chứ không phải thấy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì không làm hoặc dừng lại.

Thủ tướng cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thách thức mà còn phải thúc đẩy, tạo động lực phát triển mới cho Thành phố, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; các cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố cũng là vì cả vùng và cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", "Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top