Những con số ấn tượng
SHTP được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 24-10-2002 theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg, với tổng diện tích 913 ha. Hiện SHTP được đánh giá là đi đầu trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nghiên cứu triển khai, đào tạo nhân lực và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (CNC). Theo đánh giá mới đây nhất, sản phẩm của khu CNC chiếm 92% nhóm ngành sản phẩm CNC của thành phố.
SHTP đã thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ lớn vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC như: Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,... Dự ước giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 12 tỷ USD, nâng giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 2012-2017 đạt gần 38 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2020, giá trị sản xuất của khu sẽ đạt khoảng 18 tỷ USD/năm. Ngoài ra, cũng góp phần tạo việc làm cho hơn 35 nghìn lao động.
Để hình dung rõ hơn về hiệu quả đầu tư của SHTP, chúng ta có thí dụ, cứ một ha đất thu hút bình quân hơn 14 triệu USD vốn đầu tư; trung bình một đồng đầu tư xây dựng khu CNC (đến năm 2017) đã kích thích vốn đầu tư xã hội (trong/ngoài nước) vào đầu tư CNC là 20 đồng và đến năm 2020 ước đạt khoảng hơn 30 đồng.
Cùng với đó, lĩnh vực hợp tác quốc tế về KH-CN, đào tạo, hình thành kết nối Đại học - DN đi vào thực chất. SHTP đã thật sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư về nghiên cứu triển khai công nghệ mới, qua hai phương cách: Nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất sản phẩm CNC, hay sáng tạo sản phẩm từ kết quả R&D của doanh nghiệp.
Gỡ nút thắt về cơ chế
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, song SHTP vẫn gặp những khó khăn nhất định, cản trở quá trình phát triển. Do đó, dù đã đi đầu nhưng SHTP vẫn chưa thật sự trở thành “vùng kinh tế đặc biệt” theo đúng kỳ vọng, hay như tên gọi định hướng ban đầu là “Khu kinh tế kỹ thuật CNC”. Nguyên nhân chính nằm ở những nút thắt ràng buộc bởi thể chế, khuôn khổ và quy định áp dụng chung của hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành.
Chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng điện, viễn thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ CNC. Điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN và cũng gây tác động mạnh đến kế hoạch thu hút, mở rộng đầu tư trong tương lai. Cùng với đó, nguồn quỹ đất của khu đã cạn, trong khi các dự án đầu tư CNC đổ vào thành phố đang tăng nhanh về số lượng và tổng giá trị đầu tư. Cam kết về đầu tư hoạt động KH-CN, triển khai R&D của các DN trong khu chưa được thực hiện đầy đủ; nguồn nhân lực có khả năng tiến hành hoạt động KH-CN vẫn còn ở tỷ lệ thấp để đạt sự đột phá về kết quả hoạt động.
Mặc dù chức năng và nhiệm vụ của ba khu CNC quốc gia là như nhau, nhưng cơ chế chính sách dành cho các khu này là không như nhau. Sự không tương đồng về cơ chế chính sách, đã tạo ra những lực cản lớn cho quá trình SHTP tăng tốc phát triển, vô hình trung làm giảm lợi thế cạnh tranh của SHTP so với khu vực.
Đến tháng 7-2017, Ban Quản lý SHTP đã cấp phép đầu tư cho 130 dự án CNC, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6,5 tỷ USD. Với 66 dự án đã đi vào hoạt động, dự kiến đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất toàn khu năm 2017 sẽ đạt mốc 12 tỷ USD. Về tổng quan, cơ bản đã hoàn thành lấp đầy hầu hết phân khu chức năng: sản xuất công nghiệp CNC, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ CNC. Hiện SHTP đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên KH-CN TP Hồ Chí Minh tại phường Long Phước (quận 9) với diện tích 197 ha.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và chính sách hỗ trợ, góp phần thu hút và giữ nhân lực chất lượng cao làm việc tại BQL, hiện nay thành phố đã có văn bản báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Khu CNC tương tự như chính sách áp dụng cho BQL khu CNC Hòa Lạc.
Sự tăng tốc phát triển của SHTP trong các năm gần đây cho thấy cần thiết nhanh chóng điều chỉnh hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quản lý phát triển khu CNC và phát triển sản phẩm CNC. Các quy định không còn phù hợp hoặc làm trì trệ tốc độ phát triển của khu CNC đã được kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa có phương án điều chỉnh, ban hành văn bản mới.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, BQL kiến nghị cấp trên cần khẩn trương quy hoạch các khu CNC, Công viên KH-CN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; xây dựng các quy định, văn bản pháp quy về các định chế mới: Quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển CNC, môi trường khởi nghiệp, công viên KH-CN,… rà soát bãi bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết về đăng ký nhận đề tài, dự án KH-CN của Nhà nước, đăng ký DN CNC trong khu CNC; cần xây dựng một chương trình thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm R&D từ các đơn vị nghiên cứu triển khai Việt Nam.
Không hài lòng với các thành tựu đã đạt được, SHTP đã tiến hành nghiên cứu thực trạng và kinh nghiệm phát triển các khu CNC trên thế giới và phân tích các bài học kinh nghiệm, xem đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNC ở nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, đặt mục tiêu tiếp tục phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển với các khu CNC trong khu vực với thời gian nhanh nhất.