UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự án “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” sẽ thực hiện trên địa bàn 17 xã và 1 thị trấn của huyện A Lưới. Thời gian thực hiện dự án năm 2022 - 2026, do UBND huyện A Lưới làm chủ đầu tư.
Dự án này cũng vừa được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết nghị thông qua chủ trương đầu tư, được sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA. Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã nhận được ý kiến đóng góp về dự án này từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế.
Xây dựng cộng đồng an toàn, thịnh vượng thông qua tiếp cận “đất sạch”
Dự án “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” có tổng mức đầu tư là 3,617 triệu USD, trong đó KOICA tài trợ 3,229 triệu USD (tương đương gần 75 tỷ đồng), phía Thừa Thiên - Huế đối ứng vốn tương đương gần 9 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án có mục tiêu hướng các cộng đồng địa phương của huyện miền núi A Lưới, được trao quyền để hướng tới cộng đồng nông thôn hài hòa, an toàn, có khả năng thích ứng và thịnh vượng thông qua việc tiếp cận đất đai đã được rà phá bom mìn, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế.
Cụ thể, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng địa phương huyện A Lưới đang sinh sống xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn; tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương huyện A Lưới đối với bom mìn, vật liệu nổ, thiên tai và các rủi ro khác. Dự án bao gồm: Hợp phần 1 là cung cấp dịch vụ y tế toàn diện cho nạn nhân bom mìn sau tai nạn do vật liệu nổ. Hợp phần 2 gồm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân ở các khu vực mục tiêu, trong đó gồm những công việc như hỗ trợ nông dân triển khai, mở rộng và thực hành canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng tiếp cận với tín dụng vi mô, thị trường và sau thu hoạch để tăng thu nhập nhờ được tham gia vào chuỗi giá trị; cùng phát triển và vận hành các trung tâm tư vấn về nông nghiệp - khí hậu địa phương cho nông dân nhằm cung cấp thông tin kịp thời và đáng tin cậy về khí hậu/thời tiết và sản xuất cây trồng; thiết lập và hỗ trợ các cộng đồng/tổ chức dựa vào cộng đồng tại địa phương triển khai danh mục giải pháp đổi mới sáng tạo dựa vào tự nhiên.
Hợp phần 3 gồm tăng cường khả năng thích ứng cho người dân ở các khu vực mục tiêu bằng cách xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội thích ứng tốt thông qua dự án xây nhà ở và trạm y tế xã chống bão lũ. Trong đó thiết kế và xây dựng nhà chống bão lũ ở các khu vực mục tiêu; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa trạm y tế xã chống bão, lũ và thích ứng biến đổi khí hậu ở các khu vực mục tiêu; hỗ trợ thiết lập và vận hành hệ thống tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tuyến y tế cơ sở; trang bị một số trang thiết bị, vật dụng cho việc đảm bảo duy trì cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi xảy ra lũ lụt, thiên tai trên địa bàn...
Cải thiện sinh kế, nâng cấp hạ tầng
Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong các tỉnh bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, trong đó huyện A Lưới là nơi có số nạn nhân của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh lớn nhất của Thừa Thiên - Huế. Khi triển khai dự án sẽ phát huy kết quả việc rà phá bom mìn nhằm chứng minh vai trò quan trọng của hành động bom mìn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và xây dựng các cộng đồng nông thôn hài hòa, an toàn, thịnh vượng và có khả năng ứng phó với khí hậu tại địa phương.
Việc triển khai dự án “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” với sự hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật của các chuyên gia UNDP, Hàn Quốc sẽ góp phần hỗ trợ tích cực và tạo nhiều cơ hội phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như các xã trong vùng dự án được bền vững và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Mục tiêu dự án tập trung vào hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang sinh sống và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn và các rủi ro khác. Mục tiêu dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ thiên nhiên nhằm thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể về hiệu quả kinh tế - xã hội dự án góp phần tăng sản lượng và thu nhập từ cây trồng do hoạt động của nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng lao động phi nông nghiệp và tăng doanh thu thuần trong các đơn vị cung ứng dịch vụ nông thôn, chế biến, đóng gói; cải thiện đời sống nông thôn nói chung thông qua các kỹ thuật đổi mới và các hạ tầng nông thôn (trung tâm y tế, nhà ở chống bão lũ) được nâng cấp và xây dựng mới.
Về tác động môi trường, trong trong quá trình triển khai dự án, chủ dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý và đảm bảo theo quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đối với hoạt động xây dựng; đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp người dân thực sự hiểu biết và chủ động trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, góp phần làm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, hỗ trợ xây dựng tổ nhóm nông dân, là nền tảng để phát triển cộng đồng nông thôn có liên kết chặt chẽ.
Dự án cũng sẽ góp phần cho sự phát triển ổn định lâu dài về sinh kế của người nông dân miền núi huyện A Lưới thông qua các hoạt động trồng trọt ứng dụng kỹ thuật cao tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả. Ngoài ra, các trạm y tế xã được xây mới và trang cấp trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại phục vụ người dân miền núi huyện A Lưới, và xây dựng mới, nâng cấp các nhà ở của nông dân để phòng tránh lũ, bão./.