Aa

Xây dựng thành phố thông minh: Bắt nhịp xu thế của thế giới

Thứ Năm, 08/11/2018 - 04:00

Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Dân số đông, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, sự tương tác của người dân với chính quyền thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao... Để khắc phục những vấn đề này, ngoài những nỗ lực của địa phương, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng tới việc huy động các nguồn vốn đầu tư từ xã hội, tăng cường mở rộng hợp tác.

Các

Các "công dân điện tử" tại tổ 6, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân được đào tạo sử dụng thành thạo máy vi tính để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngay tại khu dân cư.Ảnh: ĐĂNG ANH

Tăng cường sự tương tác với chính quyền

Theo ý kiến của các chuyên gia, một thành phố chỉ thật sự thông minh khi hội tụ ba yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện; dựa trên sáu tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh.

Với những nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành và người dân, Hà Nội đã và đang từng bước đáp ứng các tiêu chí nêu trên. Thành phố đã ngừng sử dụng 170 chương trình phần mềm và máy chủ riêng lẻ của các quận, huyện, các phần mềm sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung từ thành phố đến 584 phường, xã, 30 quận, huyện, thị xã. Nhờ đó, cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được triển khai trên một nền tảng thống nhất đồng bộ. Tuy nhiên, dù thành phố đã có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính) thì con số này vẫn khiêm tốn. Đó là chưa kể việc kết nối đến cổng dịch vụ công quốc gia kết nối liên thông, ứng dụng các hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai còn gặp không ít khó khăn.

Để có một thành phố thông minh thì cũng cần các cư dân thông minh. Song, trên thực tế, sự tương tác của người dân với các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Đơn cử, nhiều thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, khai tử, tình trạng độc thân đều có thể làm trực tuyến, song người dân vẫn có thói quen đến trụ sở cơ quan hành chính làm trực tiếp. Do vậy, thời gian bị kéo dài do các cán bộ tiếp nhận phải đăng nhập dữ liệu vào hệ thống rồi mới tiến hành giải quyết.

Có lẽ, cũng như nhiều đô thị khác trong quá trình phát triển thành phố thông minh, thách thức của Hà Nội hiện nay là điều kiện hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, toàn diện, cho nên có độ "vênh" khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao. Tiếp đến là cần nâng cao nhận thức của người dân để nhận thấy sự khác biệt giữa đô thị cũ và đô thị thông minh, tăng cường sự tương tác với chính quyền thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Tại phiên đối thoại về kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh giúp Hà Nội giảm chi phí trong quản lý bộ máy chính quyền, giảm chi phí của doanh nghiệp; là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính.

Để xây dựng thành công thành phố thông minh, ngoài sự nỗ lực của Hà Nội, rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng. Trong quá trình triển khai, thành phố luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. Hà Nội mong muốn được hợp tác Xin-ga-po trong các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý đô thị; phát triển cây xanh; xây dựng thành phố thông minh; đào tạo nguồn nhân lực.

Hà Nội cũng đã trao đổi, thống nhất ký biên bản ghi nhớ với Công ty Microsoft Việt Nam hợp tác về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Công ty này sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ các ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, y tế thông minh; phối hợp xây dựng thành phố an toàn và phát triển bền vững; mời gọi các đối tác của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ tham gia tư vấn về xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung, về xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng, đất đai trên nền bản đồ số...

Ở trong nước, thành phố đã đề nghị bốn doanh nghiệp: Viettel, VNPT, FPT và Công ty TNHH TM & DVKT Nhật Cường hợp tác cùng UBND thành phố trong một số nội dung về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn.

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu thế toàn cầu, nhất là ở các thành phố lớn. Với Thủ đô Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố trong quá trình triển khai thực hiện. Ở một khía cạnh khác, thành phố thông minh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu. Hòa cùng với xu thế chung của thế giới, với một lộ trình rõ ràng, cùng những bước đi thận trọng, TP Hà Nội phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thành phố thông minh, đóng góp tích cực và hiệu quả cho “Con đường phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top