Hẹp cửa tiếp cận vốn
Kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm đã được Chính phủ họp và đánh giá mới đây, tăng trưởng GDP là cực thứ nhất trong bình diện vĩ mô với mức tăng trưởng còn khá khiêm tốn. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận sẽ rất khó khăn để đạt được trong năm 2023 này.
Trước bối cảnh chung của thế giới và trong nước đều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng suy giảm 0,4%; tổng đầu tư xã hội, chủ yếu là đầu tư của Nhà nước tăng trưởng, còn lại đầu tư của FDI và giải ngân thực tế đều suy giảm ở mức tương đối; Riêng tổng mức bán lẻ của nền kinh tế là đạt tăng trưởng trên 10%, trừ đi lạm phát còn khoảng gần 7%. Điều đó cho thấy, trong khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đã là rất tốt. Không giống như quốc gia bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, trong tháng 7 kinh tế rơi vào suy thoái và lạm phát âm.
Với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, xuất khẩu giảm 10%, nhưng nhập khẩu giảm nhanh hơn là 16%, vì vậy cán cân thương mại vẫn thặng dư khoảng gần 20 tỷ USD. Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Thống kê, điểm sáng nhất chính là các doanh nghiệp Việt đóng góp vào xuất siêu cao hơn so với khu vực FDI, chủ yếu là xuất khẩu các mặt hàng về nông nghiệp như gạo, nông sản...
Qua khảo sát của tôi tại các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, nhất là doanh nghiệp may, rất nhiều người lao động đã bị mất việc, nhất là khu vực FDI tại Bắc Ninh, hay các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp FDI, chính vì vậy nó cũng sẽ tạo ra áp lực khó khăn đối với câu chuyện tăng cầu của nền kinh tế.
Các vấn đề tổng quát như Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đánh giá, trong năm nay có khoảng 10 chỉ tiêu mà Việt Nam sẽ rất khó khăn để thực hiện. Đây cũng là điều cần phải được nhìn nhận thấu đáo, trong đó quan trọng là các kênh tiếp cận vốn của nền kinh tế còn hạn chế.
Hiện nay, chúng ta có ba kênh chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn gồm: Thứ nhất là kênh tín dụng vốn ngân hàng. Tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đến hết tháng 6/2023 là 14,7 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,7%. Theo nguyên lý tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 phải bằng lạm phát cộng tăng trưởng kinh tế, tương đương mức 7,4%. Như vậy rõ ràng nền kinh tế của chúng ta đáng thiếu một lượng tiền lớn cần được bơm ra.
Đối với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại huy động được là 12,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 4,2% trong 6 tháng. Tôi cho rằng đến hết tháng 8 thì con số này cũng chỉ tăng khoảng 4,7%, trong khi đó tín dụng đến ngày 29/8 đã tăng trưởng 5,33% - là một trong những kỷ lục thấp của nhiều năm qua.
Thứ hai, là thị trường vốn. Vốn hóa của thị trường đến ngày 31/8 theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là 8,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 18,2% do thị trường chứng khoán tăng khiến mức độ vốn hóa sẽ lên cao.
Vốn hóa tăng giúp các doanh nghiệp niêm yết, hoặc trên UPCoM có thêm nguồn vốn, tuy nhiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nằm trong thị trường vốn này vẫn còn khá khiêm tốn. Tháng 8 vừa qua toàn thị trường mới phát hành được lượng trái phiếu không đáng kể và chủ yếu phát hành được ở hai dạng: Một là từ các ngân hàng thương mại; Hai là những doanh nghiệp đã lên sàn, ví dụ như Masan, Vingroup. Những doanh nghiệp chưa có tên tuổi thì rất khó lấy được niềm tin của nhà đầu tư nên không huy động được.
Thứ ba, là kênh vay vốn nước ngoài nhưng rất hiếm vì các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt chuẩn để phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu quốc tế. Chủ yếu là một số ngân hàng thương mại vay của ngân hàng thương mại nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu xanh, như VPBank hay một số ngân hàng khác có các khoản kêu gọi vốn.
Nhìn tổng thể sẽ thấy các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn trong câu chuyện tiếp cận vốn, vì tín dụng tăng trưởng thấp mà doanh nghiệp có hai điểm không đạt được là điểm tín dụng tốt và tài sản thế chấp, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang giảm giá dẫn đến định giá lại tài sản đảm bảo bị tụt dốc lớn.
Có một câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao ngân hàng thương mại đang “thừa tiền” mà doanh nghiệp không tiếp cận được vốn? Chúng ta cần phân tích điều này ở các góc độ như sau: Đầu tiên là từ phía các ngân hàng, tổng nguồn vốn đến ngày 30/6 của họ chỉ tăng 4,2% và đến tháng 8 là xấp xỉ 5%, nguồn vốn chủ yếu tăng ở khu vực dân cư, còn lại khu vực doanh nghiệp, tổ chức thì hầu hết suy giảm; trong khi tín dụng tăng 5,33% cho thấy tín dụng đang tăng trưởng cao hơn so với nguồn vốn.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn có một nguồn nữa đó là bán trái phiếu và đi vay các tổ chức quốc tế về chuyển thành VND để cho vay, hoặc nếu Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại, thì họ có thể cho vay nhưng thực tế điều này không xảy ra.
Vấn đề thừa “thừa tiền” của hệ thống ngân hàng cũng không hoàn toàn chính xác, mà đó là tiền dôi dư; nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ có một tài khoản ở Ngân hàng Nhà nước phải dự trữ bắt buộc theo tỷ lệ quy định. Phần vượt lên trên mức dự trữ bình quân gọi là phần dôi dư vốn khả dụng, nhưng nó chỉ có thể nằm ở một số ngân hàng thương mại lớn; còn các ngân hàng thương mại nhỏ thì vẫn đang thiếu vốn vì mặt bằng lãi suất còn chênh lệch nhau. Theo ghi nhận của tôi, có những ngân hàng nhỏ vẫn huy động lãi suất cao khoảng 8%/năm để bù đắp lại thanh khoản của mình.
Với các ngân hàng, nếu tiền không cho vay ra được thì họ sẽ mua trái phiếu Chính phủ, mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước và nếu lãi suất thấp một chút thì cũng giảm mức lỗ so với lãi suất huy động. Nếu có nhiều tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp hơn thì họ vẫn có lãi. Tất cả cho thấy có một vòng luẩn quẩn và không làm tăng trưởng tín dụng.
Xây dựng thể chế mới
Theo kinh nghiệm của tôi ở các nước khác, có hai cách tiếp cận được đặt ra đó là cho vay theo dòng tiền, dự án có hiệu quả, thì vẫn cho vay và quản lý chặt chẽ dòng tiền đó.
Mặt khác, các nước tung ra một khoản tiền rất lớn từ ngân sách cho quỹ bảo lãnh tín dụng và bình đẳng với các đối tượng. Hàng năm, các nguồn ngân sách đều đưa qua quỹ để duy trì mức bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - khu vực chiếm vai trò lớn trong nền kinh tế về đóng góp cho ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm. Ngoài ra còn được hỗ trợ đi kèm với bảo hiểm tín dụng, để bù đắp lại rủi ro của các quỹ bảo lãnh giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Tại Việt Nam, chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có các quỹ tài chính ngoài ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, hay quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao,... Mỗi quỹ đó nắm giữ khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng nhưng đều ủy thác qua ngân hàng thương mại và không cho vay được, thì lại gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất do quy chế là phải bảo toàn vốn.
Như vậy, vướng mắc trong câu chuyện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt Nam chính là hạ tầng tài chính không đạt được như mong muốn. Hạ tầng tài chính gồm: Một là tất cả các thể chế mang lại sự thông thoáng cho dòng tiền không bị “đông cứng”. Hai là những sản phẩm tài chính và những khu vực thị trường đó đang gặp khó, quỹ hỗ trợ không phát huy được và cuối cùng là các doanh nghiệp vẫn phải nhìn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Khi cả ba trục trên thị trường đều có vấn đề thì việc tiếp cận vốn chưa thể dễ dàng.
Về giải pháp, tôi cho rằng điểm quan trọng nhất chính là vướng mắc trong câu chuyện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt Nam chính là hạ tầng tài chính không đạt được như mong muốn. Hạ tầng tài chính gồm: Một là tất cả các thể chế mang lại sự thông thoáng cho dòng tiền không bị “đông cứng”. Trong đó, quyền tài sản là hoàn toàn có thể thế chấp cho ngân hàng để vay vốn, nhưng vì hướng dẫn không cụ thể, không minh bạch nên đến nay vẫn chưa làm được.
Điểm nữa là câu chuyện cam kết chuyển dịch năng lượng hơn 15 tỷ đô la mỹ của EU, ngoài câu chuyện về quy hoạch điện 8 hay chính sách của Bộ Công Thương, còn có câu chuyện chúng tôi đã đề xuất nhiều lần là phải giao cho một cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam, để khi các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam có thể thông qua đó kết nối với các doanh nghiệp tiếp cận.
Đặc biệt, trong tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Bide trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua cũng đã nhắc đến câu chuyện về năng lượng, nên Mỹ cũng sẽ ủng hộ Việt Nam chuyển dịch năng lượng. Đó là nguồn vốn xanh, phát triển bền vững rất cần cho nền kinh tế Việt Nam mà chúng ta đang có nhiều lợi thế./.
Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN)