“Xẻ thịt” biển Đà Nẵng: Sống ở biển nhưng không dễ xuống biển
Ngày 20/3/2018, hàng chục người dân tập trung bên ngoài dự án Lancaster Nam Ô để phản đối việc Tập đoàn Trung Thủy dựng hàng rào chắn. Người dân cho hay việc chủ đầu tư lập hàng rào đã chặn đường ra biển của người dân.
Theo người dân, việc quy hoạch và cấp phép dự án là việc của chính quyền. Tuy nhiên, chủ đầu tư không có quyền bịt lối ra biển của người dân và cũng không được quyền sở hữu mặt biển. “Tôi yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư phải giải quyết điều này để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, một người dân Nam Ô bức xúc.
Theo tìm hiểu, dự án Lancaster Nam O Resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Sau đó được sang nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy và tiếp theo đó là Công ty Cổ phần Trung Thủy-Đà Nẵng với mức giá cuối cùng trả cho TP Đà Nẵng là 63 tỷ đồng cho 10ha dự án sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Trước những bức xúc của người dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã xuống hiện trường thị sát vụ việc.
Người đứng đầu thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo: “Quận Liên Chiểu phải xem lại dự án bao lâu rồi chưa triển khai, chủ trương của thành phố và Luật biển là bãi biển của dân, không thể có cái hàng rào này. Phải có con đường đi xuống cho dân, bãi cát phải trả lại cho cộng đồng”, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vụ việc nêu trên, Công ty Cổ phần Trung Thủy-Đà Nẵng cho biết công ty chính thức nhận quyết định đầu tư từ năm 2010 nhưng đến tháng 5/2017 mới được chính quyền TP.Đà Nẵng được tạm giao đất sạch và được chính quyền địa phương yêu cầu bảo vệ khu đất được giao.
Xem chi tiết tại đây.
Thị trường vật liệu xây dựng vào cuộc đua nước rút
Bắt đầu từ khoảng tháng 2 đến đầu tháng 6, thị trường xây dựng tại khu vực phía Nam lại vào mùa. Bởi khoảng thời gian này, thời tiết tại miền Nam ít mưa nên việc thi công sẽ thuận lợi, nhiều người chọn khoảng thời gian này để xây nhà.
Ghi nhận từ thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số tuyến đường trên địa bàn quận 9 (TP.HCM) như: Lò Lu, Trường Lưu, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Xiển, Tăng Nhơn Phú…, không khó để nhận thấy không khí xây dựng tấp nập trong những dự án khu dân cư.
Cụ thể, vào đầu tháng 9/2017, trong Dự án Khu dân cư Trường Lưu vẫn còn ngổn ngang cát, đá, dây điện và máy móc để làm cơ sở hạ tầng. Đến khoảng tháng 2/2018 mới có lác đác một vài ngôi nhà mọc lên, nhưng chỉ sau 3 tháng, những ngôi nhà đã dần phủ kín dự án.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng Tấn Tài cho biết, ngoài dịp cuối năm, thì khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao.
“Cứ vào mùa khô, mùa cao điểm của nghề xây dựng thì khối lượng công việc của anh em thường tăng khoảng 10 - 15% so với những tháng trước đó”, ông Tấn nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thuận, Phó giám đốc CTCP Xây dựng địa ốc Đức Linh (Đức Linh Home) cho biết, cuối tháng 5 là khoảng thời gian gấp rút nhất, bởi tháng 6 là bắt đầu vào mùa mưa, việc thi công sẽ gặp nhiều bất lợi.
Xem chi tiết tại đây.
Bất động sản Long Biên trên đà tăng trưởng nóng
Nằm tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố Hà Nội, Long Biên là một trong những quận dẫn đầu Thủ đô không chỉ về tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế mà còn là một trong những địa phương dẫn đầu thành phố về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quy hoạch về 14 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống cũng đưa thị trường này bước lên một tầm cao mới.
Đặc biệt có thể kể đến: Triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (2018 – 2020), xây dựng Cầu Tứ Liên (dự kiến hoàn thành 2021) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành; Cầu Giang Biên và đường dẫn 2 đầu cầu nối Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh; Xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh...
Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt những tuyến đường huyết mạch được nâng cấp và mở rộng như cầu Đông Trù, Quốc lộ 5 kéo dài, đường Ngô Gia Tự... càng làm cho giao thông thông thoáng, thuận tiện.
Thực tế cho thấy, hạ tầng xã hội cũng có “điểm tựa” để “cất cánh” nhờ hệ thống dịch vụ và tiện ích được bổ sung ngày càng phong phú, cao cấp. Người dân khu Đông chỉ cần di chuyển trong bán kính vài cây số là được tận hưởng mọi dịch vụ tiện ích hiện đại và đẳng cấp như trung tâm mua sắm Vincom Centre, BigC – Savico Mega Mall, Aeon Mall...
Cùng với đó là sự đa dạng trong hệ thống giáo dục với các trường học quốc tế có cơ sở vật chất tốt: trường quốc tế Anh BIS, quốc tế Pháp Alexander Yersin và Wellspring, hệ thống trường công lập như Thạch Bàn, Việt Hưng, Đức Giang, Nguyễn Gia Thiều.
Xem chi tiết tại đây.
GS. Đặng Hùng Võ: Muốn cắt sốt đất, cán bộ địa phương đừng đi mua bán đất nữa
Đó là khẳng định của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khi trao đổi với TheLEADER xung quanh câu chuyện sốt đất tại các đặc khu kinh tế tương lai Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo ông Võ, người dân đổ xô đầu tư đất nền đặc khu, tấp nập chuyển nhượng, mua đi bán lại, đẩy giá đất lên cao để kiếm lời chẳng qua vì họ thấy cán bộ địa phương cũng đang đầu tư đất.
"Người dân mạnh tay mua đi bán lại đất đai vì họ thấy cán bộ đang làm thì dại gì mà không làm. Cứ như vậy, cơn sốt đất bị đẩy lên cao không có điểm dừng. Trong khi đó, nếu cán bộ địa phương gương mẫu ngay từ đầu, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của việc sốt đất thì chắc chắn sẽ không có cò đất, hay người dân nào "dám đầu cơ", ông Võ nói.
Xem chi tiết tại đây.
Lo sợ bong bóng bất động sản, Đồng Nai "lệnh" siết chặt phân lô, bán nền
Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đồng Nai và một số chuyên gia về diễn biến thị trường nhà đất tại địa phương này từ đầu năm 2018 đến nay. Đất đai tại Đồng Nai thời gian qua "sốt" không phải vì nhu cầu ở tăng đột biến mà là đầu cơ kiếm lời. Nắm bắt được nhu cầu này, các "cò đất" lợi dụng các thông tin về quy hoạch sẽ làm đường hoặc các công trình lớn để đẩy giá đất lên cao.
Cụ thể, TP. Biên Hòa mới đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch đường trung tâm nối từ khu ngã Năm Vườn Mít đến cầu An Hảo, nhưng một số công ty bất động sản, "cò đất" đẩy thông tin là sắp làm đường trung tâm ngàn tỷ đồng khiến nhiều người tưởng thật, rủ nhau đầu tư đất xã Hiệp Hòa, phường Thống Nhất; giá đất bị đẩy cao gấp 2 lần so với đầu năm trước. Đất nông nghiệp được rao bán với giá 40-50 tỷ đồng/ha, đất thổ cư 10-14 triệu đồng/m2.
Tại các khu vực xã Hóa An, phường Bửu Hòa, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đất cũng tăng cao do có thông tin sẽ làm đường nối cầu Bửu Hòa với quốc lộ 1K. Tại huyện Cẩm Mỹ, giá đất nông nghiệp cũng bị đẩy tăng 30-60% do có thông tin sẽ làm khu công nghiệp.
Khu vực gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành), các công ty bất động sản, "cò đất" tìm được bản quy hoạch vùng xung quanh sân bay do đơn vị tư vấn thiết kế nhưng không được tỉnh phê duyệt, lợi dụng thổi lên như là sắp được thực hiện đến nơi để thu hút các nhà đầu tư nhẹ dạ.
Trong khi đó, tại các huyện khác như: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch tình trạng phân lô, bán nền và chuyển nhượng qua lại bằng giấy tay đang diễn ra tràn lan với diện tích lớn trong thời gian vừa qua.
Theo một người dân, để có thể tạo nền, các chủ đầu tư sử dụng nhiều xe chuyên dụng để san lấp mặt bằng, ủi đường đi, trồng trụ bê tông, cắm cọc phân lô, chưa kể đến việc rao bán đất nền công khai.
Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này thực hiện vừa qua cho thấy 5 địa phương đang "nóng" về tình trạng tự phân lô, bán nền là: TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Xem chi tiết tại đây.
TP.HCM: Hàng trăm dự án treo bị “trảm”
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, Thành phố thường xuyên rà soát các quy hoạch, các dự án đã giao đất cho chủ đầu tư để xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai.
Theo đó, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn Thành phố là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930 ha.
Đến nay, UBND TP.HCM đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915 ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án, giảm 33,8 ha. Thành phố đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Mặt khác, từ năm 2014, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000. Từ kết quả này, đã xác định một số khu vực quy hoạch thiếu khả thi, kéo dài thời gian thực hiện, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, hoặc không phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh. UBND Thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông với tổng diện tích 766,6 ha…
“Như vậy, TP.HCM đã cơ bản xử lý chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai. Nhờ đó, các chủ đầu tư có ý thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tình trạng chậm triển khai giảm, quyền lợi của người dân được đảm bảo, tình trạng khiếu nại, bức xúc liên quan đến dự án giảm đáng kể”, ông Nhã nhận xét.
Xem chi tiết tại đây.
Giá đất Côn Đảo tăng chóng mặt
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, thời gian qua, giao thông bằng đường biển nối đất liền thông suốt nên lượng khách du lịch nghỉ dưỡng đến Côn Đảo tăng cao. Bình quân mỗi ngày có khoảng gần 2.000 khách.
Nhìn thấy được tiềm năng, nhà đầu tư đổ xô đến mua đất xây nhà hàng, khách sạn, homestay, nhà trọ... trong khi quỹ đất ít dẫn đến mất cân bằng và khiến Côn Đảo rơi vào cơn sốt. "Chúng tôi ghi nhận trên hồ sơ giao dịch mua bán đất giá cao nhất 40 triệu đồng một mét vuông nhưng thực tế giá mua bán cao hơn rất nhiều", ông Nhựt nói.
Hiện UBND huyện Côn Đảo tạm thời không cấp phép xây dựng mới nhà hàng, khách sạn. "Huyện sẽ họp quán triệt nhằm quản lý chặt quy hoạch, quy định về đất đai để tránh tình trạng chuyển nhượng, xây dựng trái pháp luật chứ không thể cấm người dân bán đất, cũng không thể cấm nhà đầu tư xây dựng hợp pháp được", ông Nhựt cho hay.
Xem chi tiết tại đây.