Aa

Xoay vốn cho SMEs: Chính sách chưa như kỳ vọng

Chủ Nhật, 24/04/2022 - 07:29

TS Lê Đạt Chí - Đại học Kinh tế TP.HCM khẳng định: Việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng địa ốc chưa đồng nghĩa tăng cơ hội vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh và với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đánh giá của World Bank, mặc dù có hệ thống ngân hàng khá lớn và thanh khoản dồi dào, nhưng mức độ tài chính bao trùm còn thấp. Khó khăn trong sử dụng tài sản bảo đảm để thế chấp vẫn là một rào cản chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN - SMEs) trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Việt Nam không nên vội vàng tăng lãi suất

 PV: Năm 2022 được xem là năm thách thức với điều hành tiền tệ của Việt Nam khi lạm phát đang có nguy cơ tăng, dư địa điều hành không còn nhiều. Nhận định của ông như thế nào? 

TS Lê Đạt Chí: Với chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam khi áp lực lạm phát đang diễn ra rất cao và kỳ vọng còn gia tăng trước 2 tác nhân lớn nhất: Xung đột tại Ukraine và ách tắc chuỗi cung ứng. Trong đó, ách tắc trong chuỗi cung ứng không những đã diễn ra từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung cho đến tiếp nối là đại dịch và tiếp theo là xung đột Nga – Ukraine. Đó là 2 áp lực mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và giới nghiên cứu đã đề cập.

Với 2 áp lực này thì áp lực của chính sách tiền tệ mở rộng trong một thời gian, không chỉ ở các nước trên thế giới mà còn có cả Việt Nam, cũng là một tác nhân gây ra lạm phát. Vậy trước tình hình lạm phát gia tăng mỗi tháng cũng như kỳ vọng lạm phát tiếp tục gia tăng trong tương lai, đưa đến hành động của chính sách tiền tệ không phải là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, nhưng ít nhiều nó cũng làm cho các nhà đầu tư, các nhà phân tích trên thị trường tài chính quốc tế có những kỳ vọng.

Do đó, bước đầu tiên, FED đã điều chỉnh tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 3. Tuy nhiên chính sách này cũng không hẳn là biện pháp có hiệu quả trong vấn đề kiểm soát lạm phát toàn cầu. Đó là một yếu tố để nói rằng lạm phát không phải vấn đề diễn ra cục bộ ở một nền kinh tế như riêng Việt Nam. Nếu như Chính phủ Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát lúc này, chưa hẳn đã có tác dụng vì nó chỉ tác động lên Việt Nam đồng, trong khi lạm phát là yếu tố của toàn cầu, Việt Nam cũng như các nước đang gặp phải vấn đề nhập khẩu lạm phát.

Ảnh minh họa. 

Trên thế giới, ngay các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt các nước G7, là các quốc gia có tiền tệ có tính chất toàn cầu, họ đã thực hiện mở rộng chính sách tiền tệ và vô hình chung chính sách đó tác động đến các nước như Việt Nam. Các nền kinh tế G7 họ cũng đang rất cân nhắc trong vấn đề gia tăng lãi suất. Hiện lãi suất thực của các nền kinh tế này ở trạng thái âm liên tục, nghĩa là tình hình lạm phát vẫn cao hơn so lãi suất điều hành.

Nói cách khác, các quốc gia cũng hiểu rõ gia tăng lãi suất để kiểm soát e rằng không phải chữa được bệnh lạm phát hiện nay của thế giới bởi 2 áp lực của lạm phát là xung đột Ukraine và chuỗi cung ứng vẫn đang là thách thức lớn nhất của kinh tế toàn cầu. Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ chỉ là chính sách để đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Thị trường mong đợi chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt, FED đã thực hiện thắt chặt, bởi NHTW là tổ chức tạo ra niềm tin cho thị trường.

Quay trở lại Việt Nam, nếu chúng ta thực hiện thắt chặt tiền tệ, ắt hẳn sẽ tác hại lớn với nền kinh tế Việt Nam khi chúng ta đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi sau một thời gian gián đoạn trong 2021 và nhiều yếu tố khác về địa chịnh trị, phát triển kinh tế trong giai đoạn tới… Nếu như chúng ta vội vàng tăng lãi suất thì chưa hẳn. Cho nên chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo tôi, cũng nên thực hiện một phần nào yếu tố đáp ứng một kỳ vọng thị trường, chứ không phải hoàn toàn theo lý thuyết sách vở mà bỏ qua lạm phát toàn cầu và tác động tới Việt Nam.

PV: Theo ông, cơ quan quản lý có dư địa nào để điều hành chính sách theo hướng hỗ trợ mà không làm giảm chất lượng tín dụng, tăng nguy cơ nợ xấu hiện nay và tương lai?

TS Lê Đạt Chí: Có thể nói hoạt động thị trường trái phiếu vừa qua lớn mạnh nhưng tập trung cho một số tập đoàn bất động sản và các ngân hàng, công ty chứng khoán. Đối với các công ty chứng khoán là một trung gian, các ngân hàng phát hành trái phiếu để đảm bảo hệ số an toàn về vốn trong phát triển của các ngân hàng, đáp ứng chuẩn Basel, đó là điều tốt. Tuy nhiên, các công ty bất động sản và đặc biệt đâu đó có 5 tập đoàn lớn phát hành các lô lớn trái phiếu ra thị trường, và người mua thì 60% là ngân hàng; cho nên đưa đến các ngân hàng và công ty bất động sản bắt tay nhau giải ngân vốn.

Sự thoải mái trong vấn đề đầu tư này cũng có nguyên nhân do nỗ lực phục hồi kinh tế và NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy hoạt động mở rộng tiền tệ và các ngân hàng qua đó đã gia tăng tăng trưởng tín dụng nhanh chóng. Việc tăng trưởng tín dụng này tập trung qua công cụ trái phiếu doanh nghiệp.

Có thể nói rằng các ngân hàng đang dư vốn nhưng đẩy vốn vào bất động sản thông qua công cụ trái phiếu nhằm hấp thụ hết room có thể nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng và gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng của mình, họ không tập trung đến mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đang mong muốn là giảm lãi suất cho các thành phần trong nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, là động lực tăng trưởng kinh tế, nơi tạo ra nguồn lực đang mang lại ngoại tệ cho Việt Nam…

Chính vì vậy việc điều chỉnh thị trường trái phiếu chính là tín hiệu uốn nắn lại dòng vốn vào nền kinh tế không dễ dãi. Bởi nếu tiếp tục dễ dãi như thời gian vừa qua thì mục tiêu giảm lãi suất đến mức mong muốn, hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới e rằng sẽ không hiệu quả. Việc chỉnh đốn thị trường này vì vậy thiết nghĩ là cơ hội tốt cho nền kinh tế để tránh đi sự méo mó vì hoạt động bất động sản càng đổ vốn vào lúc này sẽ càng làm bong bóng lớn hơn, càng làm cho quyền tiếp cận nhà ở của người dân suy giảm.

Nếu như chúng ta phát triển mảng thị trường lúc này cũng làm tăng gánh nặng nhập siêu vì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa sắt thép. Nếu các dự án bất động sản được phát triển bởi dòng vốn “nóng” khởi công, sẽ làm tăng chi phí phân phối hàng hóa. Cũng do đó, việc chỉnh đốn dòng tiền này sẽ có lợi cho nền kinh tế, trước mắt là sự tập trung cho các khu vực sản xuất thay vì vào bất động sản. Như vậy sẽ tốt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi thời gian tới sẽ được các ngân hàng chú trọng hơn.

Song các ngân hàng luôn có các tiêu chuẩn cho vay nhất định, không thể phá vỡ tiêu chuẩn cho vay. Do đó thời gian qua, tuân thủ theo quy trình tín dụng, ngay cả các công ty bất động sản cũng khó tiếp cận được tín dụng trực tiếp, mới có hiện tượng lách hoạt động tín dụng qua công cụ trái phiếu. Nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau đợt chỉnh đốn này có tiếp cận được tín dụng hay không? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ có đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay, hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Một DNVVN tài sản không đủ đáp ứng thì chắc chắn sẽ không được ngân hàng cho vay. Những tiêu chuẩn về nợ xấu của các DNVVN, vê các dự án, thời gian qua có hiệu quả kinh doanh ra sao… đều là rào cản với DNVVN. Do đó, về tổng thể, điều chỉnh thị trường để tập trung tín dụng cho sản xuất là tín hiệu tốt cho DNVVN, nhưng không phải DNVVN nào cũng tiếp cận được kênh huy động vốn này, doanh nghiệp nên ý thức là hoạt động cho vay của ngân hàng phải theo quy định chung đến quy chuẩn cho vay của từng ngân hàng, nếu không đáp ứng được thì việc vay vốn ngân hàng sẽ không hề dễ dàng.

Ảnh minh họa.

Nắn dòng trái phiếu - mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ

 

PV: Vậy phía NHNN có thể hỗ trợ cho các TCTD những gì để qua đó thúc đẩy hiệu quả gói 350.000 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp? 

TS Lê Đạt Chí: Thời gian qua Chính phủ đã đưa ra gói kích thích kinh tế xấp xỉ 350 nghìn tỷ đồng, bao gồm đầu tư công và hỗ trợ giảm thuế. Về mặt cơ bản, để thực hiện gói này, Chính phủ sẽ phải gia tăng bội chi ngân sách và đương nhiên phải vay nợ, NHNN thực hiện mở rộng chính sách tiền tệ cho các tổ chức tài chính, ngân hàng, thông qua các ngân hàng sẽ là người tham gia đầu tư vào công cụ trái phiếu của Chính phủ.

Chúng ta thấy thời gian qua hoạt động này không diễn ra ngoài 4 ngân hàng lớn thường xuyên tham gia mua trái phiếu Chính phủ, còn hầu hết các TCTD tư nhân thực hiện đầu tư ra nền kinh tế bằng cách giảm tín dụng cho vay và tăng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Việc bơm tiền này một mặt thúc đẩy chi phí vốn giá rẻ, thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và đi tìm các khách hàng mới nhưng nỗ lực đó của các ngân hàng không nhiều thay cho mở ra liên kết và đưa vốn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt bất động sản.

Việc chỉnh đốn thị trường trái phiếu nói chung cũng vì vậy có ý nghĩa đưa các ngân hàng trở lại nắm giữ trái phiếu Chính phủ, tạo điều kiện để trên tổng thể có thể mở rộng chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ với biên độ lớn. Vấn đề còn lại là làm sao để giải ngân gói kích thích kinh tế này càng sớm càng tốt, tiền mới lưu thông, tạo ra chi tiêu, tạo ra công ăn việc làm cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Đó là giải pháp lớn và chỉ cần thúc đẩy giải ngân để có tác động đến nền kinh tế, dòng tiền đi vào nền kinh tế và quay vòng, dẫn đến đặc tính sau đó sẽ là giảm lãi suất.

Vấn đề là bù đắp cho hoạt động chi tiêu công của Chính phủ, Chính phủ sẽ chỉnh đốn thị trường, phát hành trái phiếu vay nợ, để các ngân hàng đầu tư lãi suất vào công cụ nợ Chính phủ với lãi suất thấp. Nếu sản phẩm này mà có lãi suất cao thì đó vấn đề. Hiện tại, trên thị trường trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng đã gia tăng lãi suất khá cao. 5 tháng trở lại đây lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã gia tăng và vượt qua mức lãi suất 3,5% - khá cao so với mức lãi suất trung bình trước 2021 đâu đó chỉ khoảng 1,7 - 1,8%.

Như vậy nếu chúng ta kiểm soát tốt hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu của các ngân hàng, cũng có ý nghĩa giúp cho gói kích thích kinh tế của Chính phủ có chi phí đầu tư thấp. Qua đó, dẫn dắt lãi suất cho nền kinh tế.

Trong 2 tháng vừa qua, chúng ta cũng thấy là lãi suất của các ngân hàng đã tăng khá mạnh, cho thấy các ngân hàng rất khát vốn. Thống kê cho thấy các ngân hàng nắm giữ tới 60% trái phiếu doanh nghiệp, đó cũng là vấn đề và sự điều chỉnh như đề cập, lúc này hoàn toàn cần thiết.

Hỗ trợ lãi suất thấp hay cấp bù lãi suất? 

PV: Những yếu tố sẽ chi phối lãi suất tới đây và các ngân hàng cần làm gì để giữ được mặt bằng lãi suất ngoài “hy sinh lợi nhuận”?

TS Lê Đạt Chí: Thiết nghĩ rằng là các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm mục đích hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, trong số hỗ trợ đó cũng có yếu tố từ lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm. Và như vừa trao đổi, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng những tháng gần đây, đó là điều bất lợi, là chỉ báo sức khỏe của các TCTD. Vậy trong thời gian tới, với áp lực lạm phát rất cao và nhu cầu phục hồi kinh tế lớn, NHNN có thể tăng lãi suất nhưng không nên để các TCTD tăng trưởng tín dụng một cách “bừa bãi” như thời gian vừa qua. Việc tăng trưởng đó đi liền với các công cụ trái phiếu doanh nghiệp và nguy cơ của trái phiếu này có nhiều loại không có tài sản đảm bảo (20%), và có tài sản đảm bảo là cổ phần (30%) mà về mặt bản chất đây không phải là tài sản đảm bảo có chất lượng; thứ ba là 30% trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng các tài sản bất động sản.

Trên bức tranh đó, nếu vẫn tiếp tục để các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng thông qua các hoạt động vừa cho vay vừa đầu tư, thì sẽ không có lợi cho nền kinh tế và mặt bằng lãi suất sẽ không giảm. Do đó tôi cho rằng, NHNN sẽ cân nhắc lại các chỉ tiêu này thời gian tới để đảm bảo làm sao mà hoạt động bơm tiền không đưa dòng tiền đổ vào các tài sản có tính đầu cơ không phát triển dài hạn cho nền kinh tế. Việc tăng trưởng lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng dự báo sẽ không như năm 2021, dòng tiền sẽ phải hỗ trợ cho công cụ trái phiếu Chính phủ, qua đó Chính phủ sẽ giải ngân tiền này thông qua gói đầu tư công.

PV: Có một số quan điểm cho rằng gói hỗ trợ cấp bù lãi suất nên nới rộng tiếp cận ưu tiên đồng thời tăng quy mô để tăng dư nợ được tiếp cận ưu tiên? Cùng với đó, nên có quỹ bảo lãnh quốc gia 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp? Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Lê Đạt Chí: Trong quá khứ Việt Nam cũng đã phát triển rất nhiều công cụ trong đó có công cụ bù đắp lãi suất. Tuy nhiên những công cụ này cũng không hoàn tất, thứ nhất là đối tượng, thứ hai hoạt động bù lãi suất sẽ đưa đến những vấn đề “méo mó” thị trường cũng như việc quyết toán rất khó khăn giữa Bộ Tài chính và các NHTM. Nói cách khác một giải pháp bù lãi suất có thể áp dụng khi thị trường tài chính còn sơ khai, còn khi thị trường tài chính đã dần phát triển mà sử dụng bù lãi suất thì đó không phải là công cụ tốt.

Các công cụ tiếp theo cũng có thể là chọn lựa các ngành ưu tiên, có tính đột phá, ngành đó sẽ được vay với lãi suất ưu tiên. Ở các nước, ngay như Trung Quốc, cũng có rất nhiều công cụ như vậy để thông qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta muốn giải quyết bài toán về lao động, thì sẽ chọn ngành nào thâm dụng lao động, thông qua đó hỗ trợ lãi suất trong từng ngành. NHNN sẽ thông qua tái cấp vốn cho các NHTM để thông qua đó cho vay một số ngành trọng điểm, các ngành nền kinh tế kỳ vọng phục hồi.

Trong trường hợp bù đắp lãi suất, cũng sẽ có lựa chọn ngành. Và nếu như thời điểm hiện nay chọn rót vốn bù lãi suất cho các ngành đang khó khăn như khách sạn, du lịch, thì thực tế cũng phải xác định các ngành này chưa thể lập tức tạo ra của cải, thu nhập cho nền kinh tế. Việc làm rõ đối tượng để xác định các gói hỗ trợ, bù lãi suất theo ngành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước rất quan trọng.

So sánh giữa 2 công cụ, tôi cho rằng gói hỗ trợ lãi suất thấp sẽ có tác dụng tốt hơn là gói trợ cấp bù đắp lãi suất.

Hay một công cụ khác, ví dụ Trung Quốc cũng phát hành trái phiếu Chính phủ, dùng vốn đó cho các ngân hàng vay giải ngân vào một số ngành, đối tượng Chính phủ đặt mục tiêu hỗ trợ. Như vậy Chính phủ không phải cho vay trực tiếp mà là ở dạng Chính phủ đầu tư. Qua đó, giúp một số đối tượng, ngành phục hồi, đầu tư và phát triển kinh tế…

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top