Aa

Hà Nội: “Xóm Lều“ – Nơi cùng cực của người dân sống trong KĐT mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Thứ Ba, 11/05/2021 - 10:21

Gần 2 thập kỷ, Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa. Người dân vô cùng bức xúc khi quyền lợi chính đáng bị chủ đầu tư tước bỏ, cuộc sống chông chênh và góp phần đẩy họ vào đường cùng.

Lời tòa soạn: 

Hàng trăm dự án ở Hà Nội chậm tiến độ, “ôm” đất cả chục năm, nhưng không bị thu hồi mà được gia hạn để tiếp tục triển khai. Thậm chí, có những dự án xin điều chỉnh quy hoạch, có doanh nghiệp lại vướng về giải phóng mặt bằng hay có doanh nghiệp nhiều năm gom đất để chờ đối tác…

Mặc dù được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt Thủ đô bằng hàng loạt các dự án “khủng”, thế nhưng nhiều dự án vẫn để "đất vàng" hoang hóa, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích... Đến thời điểm này, nhiều dự án trong số đó vẫn tiếp tục “nằm trên giấy”.

Những dự án này nằm rải rác khắp các địa bàn quận, huyện không chỉ khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, mà người dân sống trong vùng quy hoạch dự án cũng gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất… Đến nay, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Hà Nội: Xóm Lều – Nơi cùng cực của người dân sống trong KĐT mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm!

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

“Sống mòn” bên cạnh dự án treo gần 2 thập kỷ

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án “ôm đất” cả chục năm trời không triển khai, để cỏ mọc, mất mỹ quan, lãng phí. Nhiều dự án thậm chí còn liên tiếp được điều chỉnh quy hoạch, gia hạn tiến độ thực hiện dự án nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thoát cảnh bị thu hồi dự án.

Theo quyết định phê duyệt của thành phố, khu vực phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ hình thành một Khu đô thị mới Thịnh Liệt ổn định, đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững và thực hiện Chương trình Phát triển nhà ở của Thành uỷ và UBND TP. Hà Nội. Đồng thời, khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị, tăng thêm quỹ nhà phục vụ nhu cầu đồng bộ về nhà ở cho người dân Thủ đô, quỹ nhà di dân giải phóng mặt bằng, quỹ nhà cho cán bộ viên chức, đồng thời tạo môi trường sống thích hợp cho dân cư hiện có trong khu vực.

​  Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, khiến người dân phải sống trong điều kiện vô cùng cực và nhiều người lâm vào tình cảnh bi đát.  ​
Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, khiến người dân phải sống trong điều kiện vô cùng cực và nhiều người lâm vào tình cảnh bi đát.

Người dân chia sẻ, chủ trương đầu tư phát triển đô thị theo hướng đồng bộ là hoàn toàn đúng đắn và được nhân dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt là ở vùng đất rốn lũ như Hoàng Mai.

Thế nhưng, trái với sự kỳ vọng ấy, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư gần 20 năm qua vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nhếch nhác, là nơi chăn thả trâu bò… Không những thế, dự án này còn làm “đảo lộn” cuộc sống, mất kế sinh nhai của nhiều người dân tại phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai).

Ghi nhận của PV tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, phía ngoài dự án được chủ đầu tư quây tôn xung quanh, các lối mở tự phát vào dự án được lập chốt bảo vệ. Cạnh đó, một phần diện tích đất của dự án đang bị sử dụng sai mục đích. Nếu quan sát từ con phố Tân Mai có thể thấy rõ, khi dưới tấm biển treo bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thịnh Liệt là những sân bóng đá, bãi xe, nhà xưởng… đang nằm trong quy hoạch dự án và đã được cho thuê để thu lời, khiến khu vực này nhếch nhác, mất mỹ quan.

Bên trong dự án, đường sá xuống cấp nghiêm trọng, dọc các tuyến đường là rác thải, phế thải đổ bừa bãi, cây cối mọc um tùm, trạm bê tông, bãi tập kết xe hoen gỉ…

Theo người dân, suốt hàng chục năm qua, dự án vẫn chưa hoàn thiện xong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), do vướng mắc trong việc tính giá trị đền bù đất. Việc triển khai dự án ì ạch, khiến người dân phải sống trong điều kiện vô cùng cực khổ và nhiều người lâm vào tình cảnh bi đát như: Không được tái định cư, nhập hộ khẩu, không được làm đường, sửa chữa nhà ở và lắp công tơ điện, nước, môi trường ô nhiễm… khiến người dân vô cùng bất an và bức xúc.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi – Thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi – Thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng -Tổng công ty Licogi làm chủ đầu tư hiện chỉ là bãi đất trống, hoang hóa.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi - thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) làm chủ đầu tư hiện chỉ là bãi đất trống, hoang hóa.

Anh Nguyễn Văn Nam (tên nhân vật đã được thay đổi, ở phường Thịnh Liệt) bức xúc cho biết, mặc dù các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, thực tế họ chưa hề nhận được bất cứ phương án tái định cư cụ thể nào. Ngay cả khu nhà tái định cư CT5 của dự án, chỉ có vài cọc bê tông dựng lên để đối phó với cơ quan chức năng. Hiện còn hàng chục hộ dân vẫn chưa được GPMB, đền bù thỏa đáng.

Cũng theo anh Nam, trước người dân sống bằng nghề làm nông, giờ người dân không biết làm gì. Một số gia đình, lấy được ít tiền đền bù, chưa kịp chuyển đổi công ăn, việc làm nên cuộc sống bấp bênh. Trong khi đó, con cái không được học hàng đàng hoàng, chơi bời, lêu lổng, sa vào nghiện ngập…

“Năm ngoái, họ tái định cư cho gia đình tôi ở bên huyện Gia Lâm, nhưng xa quá nên tôi xin tại định cư tại chỗ, thế nhưng tòa CT5 vẫn chưa hề xây dựng. Đa số người dân mất đất ở dự án này đều đi thuê nhà ở. Hiện gia đình phải đi thuê nhà bằng tiền tạm cư, trong khi đó 4 người ở mấy chục m2, điện, nước giá lại cao. Chúng tôi không khác gì “sống mòn” bên cạnh dự án treo.

Chủ đầu tư “lừa” người dân ký giấy kiểm đếm, xong vào cưỡng chế, dân không đồng ý họ gửi tiền vào ngân hàng. Cũng vì liên quan đến dự án, một số người dân vướng phải vòng lao lý, thậm chí đi tù. Sau khi ra tù, người dân muốn lấy lại tiền, thì họ lại không trả tiền tái định cư. Công ty Licogi thu hồi đất của người dân xong, có khi lại cho các doanh nghiệp khác”, anh Nam ngán ngẩm nói.

Nhiều người dân thổ lộ, họ sẵn sàng ra đi để cho Nhà nước thu hồi đất, GPMB ngay, nhưng phải thỏa thuận hợp lý với người dân. Song chủ đầu tư thu hồi đất trung tâm đô thị, nhưng lại áp giá đền bù huyện ngoại thành. Người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền, chủ đầu tư vẫn thờ ơ, không giải quyết quyền lợi chính đáng suốt nhiều năm qua.

Dù trước đó, các hộ dân dù đã chấp hành bàn giao mặt bằng cho dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, nhưng lại không nhận được phương án tái định cư, phải sống tạm bợ hàng chục năm trời. Hàng chục hộ dân nằm trong quy hoạch GPMB nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu thu hồi, người dân loay hoay “bỏ thì thương, vương thì tội”, luôn sống trong thấp thỏm.

Ông Hải (tên nhân vật đã được thay đổi, ở xóm Đồng Mơ, Phường Thịnh Liệt) cho biết: Khu vực này nằm trong quy hoạch dự án, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa GPMB nên người dân vẫn chưa nhận được tiền. Người dân phải sống tạm bợ, chờ khi nào chủ đầu tư GPMB, đền bù tiền tái định cư thì người dân sẽ chuyển đi.

Nhà ông Hải có 5 người, phải ở tạm trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, chật chội. Vào mùa hè thiếu nước, phải đi mua từng can. Vào mùa mưa, nước, rác thải đổ về ngập lênh láng, xú uế,…

“Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư sớm GPMB cho người dân đỡ khổ. Thấy họ hứa hẹn nhiều lần, nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được cho dân. Chúng tôi sinh sống hơn 20 năm rồi, dường như chính quyền, chủ đầu tư “bỏ quên” người dân. Vì coi dân “xóm lều” nên chúng tôi không được hưởng các chế độ gì. Ở đây, đường, điện, nước… người dân tự làm, tự lo hết nên giá cao gấp nhiêu lần”, ông Hải chua chát kể.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, khiến người dân vô cùng bất an và bức xúc khi mất kế sinh nhai, môi trường bị ô nhiễm.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, khiến người dân vô cùng bất an và bức xúc khi mất kế sinh nhai, môi trường bị ô nhiễm.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, khiến người dân vô cùng bất an và bức xúc khi mất kế sinh nhai, môi trường bị ô nhiễm.

Được biết, vào tháng 6/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo chủ đầu tư có trách nhiệm làm nhà tái định cư và mua nhà thương mại để tái định cư theo quy định. Theo đó, chủ đầu tư đã bố trí các căn hộ thương mại thuộc dự án Valencia Garden tại Lô đất CT-19B, Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Tuy nhiên, do nhiều lý do nên người dân vẫn chưa đồng ý với phương án tại định cự của chủ đầu tư cũng như Hà Nội.

Cần thu hồi dự án bỏ hoang hóa gần 20 năm?

Câu chuyện của người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt cũng giống như rất nhiều hộ dân khác ở  các địa phương trên địa bàn Hà Nội, khi họ chịu cảnh sống mòn cùng dự án “treo”, quy hoạch “treo” hàng chục năm.

Thực tế có rất nhiều chủ đầu tư dự án để đất hoang hóa, không triển khai xây dựng gây lãng phí. Khi thấy cơ quan chức năng thanh kiểm tra, giám sát, thì các đơn vị này vội vàng huy động máy móc "vờ" như thi công một số hạng mục nhằm đối phó để “qua mặt”, sau đó dự án lại nằm bất động.

Mới đây, Thường trực HĐND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước đó, từ năm 2018, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã giám sát việc này. Tại thời điểm giám sát, có 383 dự án chậm triển khai, chưa GPMB, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích…Các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhận được nhiều kiến nghị của cử tri.

Thời điểm đó, báo chí từng đưa tin, Hà Nội yêu cầu khẩn trương thu hồi 47 dự án chậm tiến độ. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP. Hà Nội trong tháng 9/2018 ban hành các quyết định thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 8 dự án, Sở kiến nghị thu hồi và 47 dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, biến khu vực này trở thành bãi đỗ xe, các xưởng sản xuất tự phát mọc lên, nhếch nhác, bát nháo, mất cảnh quan đô thị.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, biến khu vực này trở thành bãi đỗ xe, các xưởng sản xuất tự phát mọc lên, nhếch nhác, bát nháo, mất cảnh quan đô thị.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bỏ hoang gần 20 năm, biến khu vực này trở thành bãi đỗ xe, các xưởng sản xuất tự phát mọc lên, nhếch nhác, bát nháo, mất cảnh quan đô thị.

Theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được chia thành 2 giai đoạn từ năm 2004 - 2011. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư CT5 phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2011.

Thế nhưng, đã gần 20 năm trôi qua kể từ khi dự án được phê duyệt, Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn chỉ là bãi đất trống, hoang hóa bất chấp thông tin Tổng công ty Licogi được cho là đã ký kết hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt với doanh nghiệp khác.

Quá trình tìm hiểu và phản ánh về những bức xúc của người dân, PV chỉ nhận được sự "né tránh" từ phía chủ đầu tư và dường như là sự vô cảm của chính quyền sở tại.

Đã đến lúc chính quyền Hà Nội cần mạnh tay thu hồi dự án nếu đủ cơ sở pháp lý. Cùng với đó, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần xem xét trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân để ra vi phạm, thiếu trách nhiệm (nếu có) trong việc thực hiện công tác GPMB, đền bù hỗ trợ cho người dân, cũng như việc giám sát thực hiện dự án theo đúng tiến độ phê duyệt.

Theo thông tin báo chí đăng tải, ngày 23/4/2019, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu (nay là Bí thư quận Hoàng Mai) cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng bằng dự án này rất cầm chừng vì nhiều nguyên nhân, Giai đoạn 1 của dự án vẫn còn tồn đọng khoảng 3.253m2 (với khoảng 30 hộ gia đình).

“Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bị chậm tiến độ và có một số tồn tại như đã nêu, chúng tôi đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quận phối hợp chặt chẽ hơn với chủ đầu tư để tăng tốc GPMB dự án, đồng thời sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân”, ông Nguyễn Quang Hiếu nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, tân Bí thư quận Hoàng Mai
Ông Nguyễn Quang Hiếu, tân Bí thư quận Hoàng Mai
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top