Aa

Khu nhà ở Văn La bị HĐND TP. Hà Nội đưa vào diện giám sát dự án chậm tiến độ

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Thứ Ba, 13/04/2021 - 06:00

Nhiều năm “ôm đất” không triển khai xây dựng, dự án Khu nhà ở Văn La (quận Hà Đông) mới đây được HĐND TP. Hà Nội đưa vào diện giám sát dự án chậm tiến độ.

“Ôm đất vàng” rồi bỏ hoang

Hiện Hà Nội có nhiều dự án chậm tiến độ cả thập kỷ, thậm chí nằm trong danh sách yêu cầu thu hồi của HĐND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình “chây ỳ”, tìm cách lách luật để kéo dài dự án, “ôm đất” chờ thời.

Điển hình dự án Khu nhà ở Văn La thuộc phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội), do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, đang tồn tại nhiều bất cập.

Dự án Khu nhà ở Văn La hơn chục năm qua chỉ là bãi đất trống hoang hóa
Dự án Khu nhà ở Văn La hơn chục năm qua chỉ là bãi đất trống hoang hóa.

Được biết, dự án Khu nhà ở Văn La được UBND tỉnh Hà Tây giao cho Sudico làm chủ đầu tư tại văn bản số 776/UBND-XD ngày 3/3/2006 và được giao đất chính thức tại quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 14/7/2008. Đến tháng 11/2015, dự án lại được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Dự án Khu nhà ở Văn La nằm ở vị trí đắc địa, ngay trung tâm của quận Hà Đông trong quy hoạch chung đô thị đến năm 2020. Khu đất có vị trí thuận lợi về giao thông, nằm trên trục đường chính Quang Trung, đường sắt Cát Linh – Hà Đông của quận Hà Đông – Quốc lộ 6 – tuyến đường huyết mạch nối liền Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc Thủ đô.

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2009 với có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng trên diện tích hơn 12ha. Dự án được cho là mang phong cách kiến trúc Châu Âu, được quy hoạch đồng bộ, hiện đại bao gồm công viên cây xanh, các cơ quan, công sở, trường học, khu vui chơi, giải trí, sân ten nít và các dịch vụ tiện ích... Dự án được quy hoạch như khu dân cư, khu chung cư cao tầng, khu biệt thự cao cấp.

Thế nhưng, sau hơn thập kỷ, “dự án vàng” của quận Hà Đông vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, nơi người dân trồng rau, trở thành bãi tập kết xe trái phép…

Theo quan sát của PV, hiện dự án Khu nhà ở Văn La đang là bãi đất trống được quay tôn xung quanh. Bên trong, dự án để hoang hóa, cỏ cây mọc um tùm, một số hạng mục công trình xây dựng dang dở, sắt hoen gỉ. Một số khu vực, người dân sống cạnh dự án đã tận dụng để trồng rau, cây màu…

Hơn nữa, để làm được dự án này, Sudico phải thực hiện hạ ngầm tuyến đường dây điện 110KV chạy qua Khu đô thị Văn La. Tuy nhiên, đã gần 13 năm trôi qua, điều kiện cần nhất trên vẫn chưa được Sudico thực hiện.

Hiện dự án Khu nhà ở Văn La chỉ là bãi đất trống, có cây mọc um tùm, một số khu vực người dân trồng rau, cây màu...
Hiện dự án Khu nhà ở Văn La chỉ là bãi đất trống, có cây mọc um tùm, một số khu vực người dân trồng rau, cây màu...

Hiện dự án Khu nhà ở Văn La chỉ là bãi đất trống, có cây mọc um tùm, một số khu vực người dân trồng rau, cây màu...

Bà Thu, phường Phú La (quận Hà Đông) cho biết: "Dự án này chủ đầu tư để hoang hóa hơn chục năm rồi không triển khai xây dựng. Dự án lấy đất hết của dân mà không sử dụng rất là phí. Trong khi đó, dân ở đây không có đất sản xuất, phải chuyển sang nghề buôn bán, làm công nhân, đi xây dựng, hay cho con đi xuất khẩu lao động.

Dự án bỏ hoang khiến khu vực này hoang vu, nhếch nhác, môi trường ô nhiễm… Đặc biệt, mấy năm về trước, nơi này trở thành điểm tập trung các đối tượng nghiện ngập, gây lo lắng cho người dân sống quanh đây”.

Trước tình trạng bỏ đất hoang hóa nhiều năm, người dân đặt nhiều nghi vấn, liệu doanh nghiệp này có đủ tiềm lực tài chính để tái triển khai dự án ở thời điểm này hay lại chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác? Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có đang “làm ngơ”, chậm vào cuộc xử lý dự án kéo dài hơn thập kỉ để tạo điều kiện cho Sudico có thời gian tìm cách “lách luật” thêm lần nữa?

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.

"Không thể vì dự án đã hình thành tài sản trên đất hay dự án đã sang tên đổi chủ mà trì hoãn việc xử lý các dự án, quỹ đất vi phạm; cũng không nên vì lo ngại thị trường bất động sản chịu tín hiệu xấu khi một số doanh nghiệp lớn có dấu hiệu vi phạm mà trì hoãn. Căn cứ theo pháp luật đều có phương án xử lý thích hợp. Có như vậy, thị trường mới trở nên minh bạch, môi trường đầu tư mới công bằng", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. 

Để ngăn chặn tình trạng này, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư “chây ỳ”. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo đó, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.

Dự án nằm trong diện giám sát của HĐND TP. Hà Nội

Trước đó, HĐND TP. Hà Nội ban hành Quyết định giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều hiển nhiên, dự án Khu nhà ở Văn La của Sudico nằm trong danh sách báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi gây bức xúc cho người dân.

Khu nhà ở Văn La nằm trong danh sách báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi gây bức xúc cho người dân.
Khu nhà ở Văn La nằm trong danh sách báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi gây bức xúc cho người dân.

Khu nhà ở Văn La nằm trong danh sách báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi gây bức xúc cho người dân.

Theo nội dung của kết quả báo cáo giám sát của HĐND thành phố về dự án Khu nhà ở Văn La chỉ rõ: Hiện trạng để đất trống, sử dụng sai mục đích làm bãi trông xe. Dự án chậm triển khai, đã được HĐND thành phố kiến nghị tại Báo cáo số 53/BC-HĐND ngày 20/9/2012. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định.

Dù HĐND Thành phố đã “điểm mặt, chỉ tên”, nhưng chủ đầu tư Sudico vẫn cố tình “làm ngơ” triển khai thực hiện dự án, trong khi chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc xử lý các sai phạm tồn tại của dự án Khu nhà ở Văn La.

Trước đây, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐQT Sudico cũng đã từng lên tiếng tại Đại Hội cổ đông Sudico tháng 4/2016 rằng sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án này. Đồng thời, sẽ đầu tư xây móng và phần thân khu biệt thự, liền kề TT2, TT4, TT5 và BT1-BT4; đầu tư xây dựng cọc móng và triển khai xây dựng phần thân cụm chung cư CT3B. 

Cũng theo vị lãnh đạo trên, hiện mọi điều kiện về pháp lý đã hoàn thành và Sudico khởi công 2 tòa nhà chung cư trong quý III/2016 và tiến hành việc huy động vốn chung cư CT3B. Đồng thời, chuyển đổi hợp đồng mua bán với khách hàng TT2, BT1-BT4 khi đủ điều kiện. 

Tuy nhiên, việc cam kết của Phó Chủ tịch HĐQT Sudico là "lời hứa suông”. Đến tháng 4/2017, tại dự án Khu nhà ở Văn La này, ngoài phần đất rộng lớn bị bỏ hoang, một phần diện tích được chủ đầu tư sử dụng sai mục đích như đã nêu ở trên.

Tiếp đó, tại Đại Hội đồng cổ đông Sudico tháng 5/2017, trong nội dung báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2016, ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, về kế hoạch phát triển, Sudico sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ cam kết tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh; dự án Văn La, chuẩn bị công tác đầu tư dự án Hòa Hải - Đà Nẵng… và tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới.

Đến cuối năm 2017, Sudico có kế hoạch tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Văn La, sử dụng nguồn vốn tự có và vốn huy động hợp pháp của chủ đầu tư.

Biên bản Đại Hội cổ đông Sudico tháng 4/2018, Chủ tịch HĐQT Trần Văn Tuấn ký có nêu: “Dự án Văn La – Văn Khê hiện đang được triển khai đầu tư, dự kiến trong quý II/2018 sẽ khởi công xây dựng một số công trình chung cư tại dự án”.

Dự án này, Sudico chưa hạ ngầm tuyến đường dây điện 110 KV và đang là bãi tập kết xe trái phép.
Dự án này, Sudico chưa hạ ngầm tuyến đường dây điện 110 KV và đang là bãi tập kết xe trái phép.

Dự án này, Sudico chưa hạ ngầm tuyến đường dây điện 110 KV và đang là bãi tập kết xe trái phép.

Bên cạnh đó, một dự án tai tiếng khác của Sudico là Khu đô thị Tiến Xuân Sudico cũng bị HĐND thành phố yêu cầu thu hồi.

Dự án xây dựng Khu đô thị Tiến Xuân tại xã Tiến Xuân và Đông Xuân (huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai) của Công ty TNHH MTV SUDICO Tiến Xuân.

Khu đô thị Tiến Xuân có diện tích đất hơn 1.200ha, quy mô vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, là một trong những dự án khu đô thị có diện tích lớn nhất ở khu vực phía Bắc. Dự án khởi công từ năm 2007, đến nay đã gần 14 năm trôi qua nhưng KĐT có quy mô “khủng” này vẫn chỉ là một dự án “nằm trên giấy”.

Tuy nhiên, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành thành phố rà soát, đối chiếu và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai từ năm 2018 đến nay, dự án khu đô thị Tiến Xuân Sudico đã bị kiến nghị thu hồi vì chậm tiến độ.

Thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là vai trò của Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội, dư luận đang chờ đợi sự chuyển động tích cực từ các dự án chậm triển khai, để sớm giải quyết tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top