Xu hướng báo động cho người chưa có nhà thành phố
Theo DKRA Vietnam, nguồn cung và sức tiêu thụ của phân khúc căn hộ giảm mạnh trong quý 1/2019. Đây là mức thấp nhất các quý từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, nguồn cung mới chỉ đạt 25% so với quý 4/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý 4/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Căn hộ hạng B dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường. Trong khi đó, không có dự án mới căn hộ hạng C mở bán, căn hộ hạng A và hạng sang tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Giá bán căn hộ trong quý duy trì xu hướng đi ngang từ giữa năm 2018.
Ở phân khúc đất nền, DKRA Vietnam ghi nhận thị trường giảm nhiệt, nguồn cung mới giảm. Trong quý 1/2019, có khoảng 2 dự án đất nền mới đáng chú ý được mở bán (bao gồm 1 dự án mới và 1 giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung ứng ra thị trường khoảng 259 nền, bằng 24% so với nguồn cung của quý 4/2018.
“Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86% nguồn cung mới, số lượng tiêu thụ bằng 25% so với quý trước. Nguồn cung đất nền mới tập trung chủ yếu ở Quận 9 của khu Đông và huyện Củ Chi của khu Bắc. Nhìn chung, thị trường giảm nhiệt cả cung và cầu. Giá bán đất nền không có nhiều biến động lớn kể từ giữa cuối năm 2018”, DKRA Vietnam cho biết.
Condotel, officetel: Mòn mỏi chờ “khai sinh”
Đã có thời gian phát triển bùng nổ với tiềm năng sinh lời cao nhưng đến nay, condotel, officetel vẫn là những "đứa con lai” chưa được thừa nhận.
Giới phân tích cho rằng, sự chậm trễ trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn để “khai sinh” cho condotel, officetel đang là nút thắt lớn “hãm” dòng vốn đầu tư vào loại hình bất động sản phức hợp này. Những “rối rắm” về pháp lý sẽ khiến lượng giao dịch condotel, officetel khó có thể tăng trong thời gian tới.
Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, muốn condotel, officetel phát triển một cách bền vững và hiệu quả thì bắt buộc và chắc chắn phải có sự đảm bảo về mặt pháp lý: “Nhà đầu tư họ phải lo lắng chứ vì đầu tư condotel, officetel đòi hỏi một nguồn vốn lớn, nhưng không có gì để đảm bảo trong tay thì sao họ có thể yên tâm. Nếu như nhà đầu tư thận trọng, có kinh nghiệm không dại gì người ta đầu tư vào một sản phẩm như thế. Bởi vì dù có cái lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài thì lại quá rủi ro”.
Trung Hòa - Nhân Chính: “Bản hòa tấu” của một khu đô thị nhếch nhác, chật chội
Sau 14 năm đi vào sử dụng, khu đô thị (KĐT)Trung Hòa – Nhân Chính đã xảy ra tình trạng xuống cấp, nhếch nhác hòa lẫn với sự chật chật chội khiến đời sống người dân không đảm bảo.
Theo phản ánh của nhiều người dân, KĐT này không chỉ xuống cấp mà còn không hề có hệ thống phòng cháy chữa cháy mặc dù đã đi vào sự dụng hơn 14 năm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, cư dân của khu đô thị Trung Hòa - Nhân chính cho biết: “Khu này đã có dấu hiệu hư hỏng từ những năm gần đây, có những căn đã xuống cấp trầm trọng. Như gia đình tôi, hiện tượng hỏng ống nước, ngấm nước thường xuyên diễn ra. Nhiều hạng mục công trình không đảm bảo khiến nhiều hộ dân chúng tôi rất khổ sở”.
Không chỉ xuống cấp trầm trọng về mặt hạ tầng, hầu hết các con đường tại đây đều bị chiếm dụng làm bãi đậu xe ô tô, bán hàng hay thậm chí là nơi tập kết rác thải. Các tuyến đường bị chiếm dụng làm bãi đậu xe gây ảnh hưởng và cản trở giao thông đối với các phương tiện khác. Có những tuyến đường rác thải thường xuyên chất thành đống gây mất mỹ quan đô thị.
Xử sao với đất công xen kẹt trong dự án?
Quỹ đất công trong dự án thương mại nằm rải rác và xen hỗn hợp đã và đang là bài toán đối với chủ đầu tư khi việc cấp sổ đỏ sẽ trở nên khó khăn.
Công ty Khải Thịnh là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, quận 7 (TP HCM), có diện tích 77.354,8 m2 theo Quyết định số 1846 ngày 07/05/2018 của UBND TP HCM.
Trong tổng diện tích dự án, có 1.758,5 m2 đất công, chiếm tỷ lệ 2,2% diện tích, nằm rải rác trong 05 thửa đất của dự án. Vì có 1.758,5 m2 đất công trong ranh giới dự án mà đến nay Công ty chưa được cấp sổ đỏ.
Đây là một trong những trường hợp mà Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu ra, với kiến nghị cần khẩn trương có cơ chế giải quyết vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
HoREA cũng cho biết rất nhiều dự án có tỷ lệ đất công chỉ chiếm dưới 5%. Tất cả các dự án này hiện nay đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất. Bởi phần đất công này thường có hình dạng bất định hình, hoặc nằm rải rác, không thể hình thành dự án độc lập trong lòng các dự án này được.
Giá đất có thể “đóng băng”… nhưng cuối cùng sẽ tăng
Kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản đã chứng kiến "cơn sốt” cục bộ tại một số địa phương. Theo phản ánh của báo chí, ở Vân Đồn (Quảng Ninh), môi giới kiếm chênh hàng tỷ đồng hay tại Đà Nẵng, người dân còn vác bao tiền đi mua đất. Trong khi đó, thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) còn không có đất để bán vì giá tăng quá mạnh, lực cầu lớn. Những “điểm nóng” trên thị trường đã trở thành “hố đen” hút các nhà đầu tư và dòng tiền đổ vào.
Trong ma trận sốt đất đó, không ít những câu hỏi được đặt ra rằng, có nên xuống tiền khi giá đất biến động mạnh và đâu là giá thật, đâu là giá ảo. Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia bất động sản, để làm rõ hơn những vấn đề này.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Thực tế, trong vòng hơn 10 năm nay trở lại đây, những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nhận thấy rằng, đất mua có thể “đóng băng” một thời gian nhưng cuối cùng cũng vẫn tăng. Họ có niềm tin trên cơ sở, giá trị của đất sẽ tăng lên và rất đột biến. Đất không tăng từ từ mà đôi khi tăng theo chu kỳ. Chu kỳ đó cũng giống như sự phát triển kinh tế, hạ tầng của các khu vực.