Tết Nguyên Đán là thời điểm sức mua của người tiêu dùng tăng vọt. Theo khảo sát của PV trên địa bàn Hà Nội, xu hướng mua sắm, tiêu dùng được đa số người dân lựa chọn nhất trong dịp cận Tết là những sản phẩm truyền thống như quần áo, bánh kẹo, bia rượu, đồ gia dụng,...
Chợ Tết thời đại 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng, tác động rất lớn đến thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Nếu như Tết xưa, chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp và các bà, các mẹ phải lo dọn dẹp ban thờ và mua sắm vật dụng, thực phẩm từ rất sớm thì chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn vì xã hội ngày càng hiện đại, chợ Tết không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định nữa mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách, đa dạng các loại hình dịch vụ như các siêu thị, các trung tâm thương mại.
Việc chuẩn bị Tết vì thế cũng trở nên dễ dàng và không còn vất vả như xưa. Gần như mọi sản phẩm tiêu dùng đều đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử cũng như các kênh bán hàng online trên mạng xã hội nên đối với những người bận rộn, họ chỉ cần ngồi ở nhà, "đi chợ online", lựa chọn những món đồ cần thiết cho gia đình, là sẽ có dịch vụ giao đến tận nơi mà không mất nhiều công sức, thời gian đi lại.
Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao nên việc mua sắm online sẽ là một trong giải pháp được ưu tiên lựa chọn của các chị em phụ nữ. Chị Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Tết thời 4.0 là chỉ cần một chiếc điện thoại lên các trang thương mại điện tử, từ các loại đồ gia dụng đến những thực phẩm cần thiết, không thiếu một thứ gì, không phải chịu cảnh tắc đường, chen chúc, không phải xếp hàng nên mình lại có thời gian cho gia đình nhiều hơn".
Xu hướng mua sắm trực tiếp
Bên cạnh số lượng lớn người lựa chọn phương án mua sắm online thì cũng còn không ít những người muốn tận tay, trực tiếp lựa chọn những món đồ ưng ý cho gia đình trong dịp Tết.
Ghi nhận của PV tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, VinMart, T-Mart, Lotte Mart,... thì Tết Nguyên Đán là thời điểm sức mua của người tiêu dùng tăng vọt. Thị trường mua sắm bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 12 âm lịch. Số lượng người đổ về các siêu thị ngày càng lớn khiến các điểm bán hàng này luôn trong tình trạng "quá tải" ở mọi thời điểm trong ngày.
Tại các cửa hàng, siêu thị điện máy, khách hàng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm truyền thống, thiết yếu như bánh, mứt, kẹo và một số mặt hàng gia dụng khác. Được biết, vẫn như mọi năm, thời điểm này, tại các hệ thống siêu thị, bánh, kẹo, mứt Tết chiếm hơn 90% là hàng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Đại diện các siêu thị đều có chung nhận xét, vài năm trở lại đây, thị trường bánh kẹo phục vụ Tết ghi nhận sự bứt phá của doanh nghiệp trong nước. Các mặt hàng không chỉ đa dạng về chủng loại, bao bì mà chất lượng được cải thiện và giá cả cũng rất cạnh tranh.
Theo khảo sát chung, các sản phẩm truyền thống vẫn là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn nhất trong dịp cận Tết. Kết quả nghiên cứu của Epinion cho thấy người dân tiêu tiền chủ yếu vào mua sắm quần áo (85%), rượu bia (77%), giày dép (70%), thực phẩm ngày Tết (64%), nước ngọt có ga (62%) và các món quà cho gia đình (59%).
Cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ hàng hóa tăng đột biến, mỗi gia đình đều có kế hoạch cho riêng mình, dù là mua sắm online hay mua sắm trực tiếp thì nhu cầu về mua sắm dịp Tết với hy vọng một năm mới đủ đầy, an khang thịnh vượng, gia đình hòa thuận vẫn là mong muốn chung của các gia đình Việt...