Aa

Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Sáu, 24/12/2021 - 14:01

Đây là chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) phối hợp với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 24/12.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. KTS. Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng: “Mục tiêu của hội thảo nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động của Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, đô thị xanh, công trình xanh. Đồng thời, tìm kiếm những giải pháp khoa học, những đề xuất mới, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam”.

hội thảo công trình xanh 2021
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam".

Định hướng phát triển công trình xanh

Theo TS. KTS. Tạ Quốc Thắng (Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng) cho rằng, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Xem xét các điều kiện tương đồng, có thể thấy Đài Loan và Singapore là 2 nước có thể học hỏi được kinh nghiệm cho việc phát triển công trình xanh.

ông thắng
TS. KTS. Tạ Quốc Thắng (Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng) chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế để phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ 06 nhóm giải pháp sau để tiến tới xây dựng một thị trường công trình xanh bền vững:

Xây dựng các chiến lược, mục tiêu dài hạn

Xác định các mục tiêu phát triển công trình xanh toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển công trình xanh trung bình trên thế giới vào năm 2030. Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; chương trình dán nhãn tiêu thụ năng lượng cho vật liệu xây dựng.

Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển công trình xanh, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản đối với phát triển công trình xanh, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng công trình xanh. Xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể cho các địa phương xây dựng công trình xanh, tiến tới xây dựng các đô thị xanh, hình thành lối sống xanh.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển công trình xanh.

Cần phải làm rõ trong hệ thống pháp luật các vấn đề: Giải thích rõ ràng thuật ngữ công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Các chính sách ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc (mật độ, chiều cao, diện tích sàn...). Kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng thông qua các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, thưởng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc; ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật đối với công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, làm cơ sở thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh

Cần sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD mới chỉ quy định về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Do vậy, cần sớm nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho công trình xanh.

Xây dựng, tạo lập và phát triển thị trường công trình xanh

Tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục các tầng lớp trong xã hội hiểu về lợi ích của công trình xanh nhằm mục đích kích thích nhu cầu xã hội đối với công trình xanh. Chuyển hướng quan tâm của thị trường bất động sản từ giá thành sang giá trị của công trình (chi phí vận hành công trình ít hơn, chi phí bảo trì công trình xanh thấp hơn, môi trường đạt chất lượng cao hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu hơn, điều kiện sống tốt hơn, sức khỏe tốt hơn). Phát huy thực hiện các “Mua sắm xanh”, đẩy mạnh công cụ “Tín dụng xanh”, “Trái phiếu xanh” để tạo vốn xây dựng công trình xanh. Biểu dương và tôn vinh các nhà đầu tư có trách nhiệm để bảo vệ và gìn giữ môi trường chung.

Phát triển vật liệu xanh, thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, tái sinh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng công trình xanh.

Phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng. Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người. Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình. Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng). Ưu tiên sử dụng vật liệu và các chế phẩm từ vật liệu tự nhiên có thể tái sinh nhanh, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu không nung.

Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức

Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về công trình xanh và những lợi ích mang lại của công trình xanh. Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực và năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh. Đào tạo, hướng dẫn việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình xanh. Tuyên truyền, trang bị cho người sử dụng những kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình xanh, vận hành tất cả các hệ thống thiết bị trong công trình xanh phải được giám sát và quản lý thông minh.

Hiện thực hóa giải pháp phát triển công trình xanh

Theo PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên (Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh) cho rằng, để có thể hiện thực các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam cần phải có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế.

Hiện thực công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế. Phát triển công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương. Có thể thấy phát triển công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu.

Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của thiết kế sinh thái là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc - C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…

Cần thống nhất khái niệm xanh từ kiến trúc sư, cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý… Khái niệm xanh được hiểu một cách khái quát là những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường. Trong đó những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, sử dụng nước, sử dụng đất, ảnh hưởng đối với hệ sinh thái khu vực, chất lượng không khí và chất lượng môi trường bên trong công trình…, đồng thời còn phải nghiên cứu tổ chức không gian, công năng của công trình kiến trúc tương ứng, ý nghĩa và yêu cầu của thẩm mỹ đô thị và kiến trúc. Nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh - một xu thế đã được thế giới lựa chọn.

Cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh… để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

ông nguyên
PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên (Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh) chia sẻ nội dung hiện thực hóa các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Phát triển công trình xanh tại Việt Nam bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất cần quan tâm đến các khía cạnh nhân văn, khai thác tối đa các lợi thế của địa phương. Trong mọi hoàn cảnh luôn cần lấy con người là trung tâm, tránh việc sùng bái công nghệ mà bỏ qua những tiềm năng của địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Cần hướng đến những công nghệ phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế, xã hội của từng địa phương thay vì chạy theo các công nghệ của các nước phát triển. Tôn trọng nguyên tắc khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật xây dựng phù hợp. Có thể cải tiến những kỹ thuật xây dựng dân gian cho phù hợp với thực tiễn, thân thiện với môi trường và xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng.

Theo PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, để công trình xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được 4 công việc không thể thiếu như sau:

Xây dựng chính sách: Cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, cần có một hệ thống luật rõ ràng như: Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; đầu tư phát triển công trình xanh trong nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…

Sản phẩm xanh: Cần phải tạo một nguồn cung các sản phẩm xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao với giá thành hợp lý thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh; nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường…

Khách hàng cho sản phẩm xanh: Cần xây dựng một thị trường cho sản phẩm xanh với các khách hàng sinh thái thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực…

Quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá các sản phẩm xanh để phát huy công trình xanh một cách thực chất. Tổ chức các đơn vị độc lập ba bên thanh tra kiểm tra tuân thủ các quy chuẩn, tem chất lượng xanh của vật liệu và thiết bị trên thị trường…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top