Tuy công nghiệp hoá và đô thị hoá đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, xã hội, và cuộc sống của mỗi người Việt Nam nhưng chúng cũng có những mặt trái của riêng mình, mà trong đó nổi cộm lên là vấn đề chất thải. Sau hai quá trình này, khối lượng chất thải mà người dân tạo ra tăng lên đột biến và vượt quá khả năng xử lý của những biện pháp truyền thống như chôn lấp hay đốt. Hậu quả của việc này là rất khôn lường, từ việc ô nhiễm môi trường đến nảy sinh các loại bệnh tật.
Để trả lời cho một số câu hỏi của bạn đọc về vấn đề xử lý chất thải và ngành công nghiệp xử lý chất thải, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Gilles Cooper, Đồng Giám đốc của công ty luật Duane Morris Vietnam. Ông Cooper sở hữu vốn kinh nghiệm hơn hai mươi năm hoạt động trong lĩnh vực luật kinh doanh và luật thương mại; đồng thời đã cộng tác với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế mong muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông đã từng là người đứng giữa giúp đưa tới ký kết thành công dự án nhà máy xử lý chất thải do tư nhân sở hữu đầu tiên tại Việt Nam giữa chính quyền TP.HCM và công ty California Waste Solutions của Mỹ.
Trong hơn hai thập kỷ qua, ông Cooper đã tích luỹ cho mình một góc nhìn chi tiết và đặc biệt về việc xử lý chất thải và làm cách nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn tận dụng ngành công nghiệp xử lý chất thải để xử lý vấn đề ô nhiễm tại Việt Nam.
Phải đối mặt với nhiều vấn đề
Những hậu quả nghiêm trọng do lượng rác thải tăng lên quá nhanh không có gì lạ tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy vậy, các nhà quan sát không khỏi tỏ ra quan ngại trước tình trạng chính phủ, doanh nghiệp, và người dân Việt Nam chưa đặt việc tìm ra giải pháp cho vấn đề nói trên trở thành một mục tiêu cấp bách. Ông Cooper lý giải cho điều này:
“Tôi nghĩ rằng có môi trường sạch sẽ là một điều các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài rất thích, nhưng nó không phải một yêu cầu nhất định khi họ nghiên cứu việc đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định này.”
“Tuy vậy, hiện nay ngày càng có nhiều công ty đưa ra các cam kết về việc bảo vệ môi trường, thậm chí biến nó trở thành một trong những tôn chỉ hoạt động của mình. Hiện nay Việt Nam vẫn đang thu hút vốn đầu tư bằng nhiều cách khác nhau, thế nên vấn đề rác thải không phải là nỗi lo quá lớn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư… Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được cải thiện ngay, nhưng trong thời điểm hiện tại không có quá nhiều người đặt nó vào nhóm cấp bách.”
Cũng theo ông Cooper, trên phương diện cơ hội kinh doanh, khu vực tư nhân không có quá nhiều động lực để đưa ra những giải pháp mới cho vấn đề xử lý chất thải tại Việt Nam. Tình trạng này tuy vậy có thể thay đổi trong tương lai gần vì vấn đề rác thải sẽ còn trở nên nghiêm trọng và hiển hiện hơn. Theo dự báo, khối lượng rác trung bình một người Việt Nam thải ra là 41kg/ngày, và con số này sẽ còn tăng gấp đôi trong vòng mười năm tới. Khu vực đô thị lẫn nông thôn đều sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải, và nhu cầu tăng lên sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường xử lý chất thải tại Việt Nam.
Ông Cooper chia sẻ: “Hầu hết khối lượng rác thải được tạo ra tại khu vực đô thị, vậy nên ngành công nghiệp xử lý chất thải cũng sẽ tập trung phát triển tại các thành phố. Tuy vậy, khu vực thực hiện việc lưu trữ, phân loại và xử lý chất thải sẽ nằm tại khu vực ngoại thành, vì vậy cần xây dựng được cả một hệ thống đường xá, điểm tập kết, nhà máy,… Để làm được điều đó, cần một kế hoạch tổng thể, chứ không thể cứ vừa làm vừa quy hoạch được.”
Tuy nhiên, chi phí để xây dựng, vận hành, và bảo dưỡng các nhà máy xử lý chất thải lẫn hệ thống cơ sở hạ tầng để bổ trợ những nhà máy này là quá lớn. Rất nhiều doanh nghiệp vì phải chịu chi phí quá cao mà phải từ bỏ kế hoạch tham gia vào thị trường xử lý chất thải. Trong trường hợp này, mô hình hợp tác công - tư (PPP) là một giải pháp tạo vốn rất tốt cho các dự án nhà máy xử lý chất thải và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia – chính quyền, các doanh nghiệp và người dân.
“Tôi nghĩ rằng mô hình PPP sẽ thúc đẩy rất mạnh ngành công nghiệp xử lý chất thải tại Việt Nam. Tất cả các bên tham gia vào dự án đều có cơ hội được đem những ý kiến, ý tưởng và nguồn lực của mình để đóng góp vào công việc chung”.
“Khu vực tư nhân hiện tại không thể một mình gánh vác ngành công nghiệp xử lý chất thải được. Trong trung và dài hạn thì điều này có thể xảy ra như ở một số quốc gia Bắc Âu như Na Uy và Phần Lan, nhưng vào lúc này đây, trước khi các doanh nghiệp có thể thuyết phục người dân bỏ tiền ra cho các dịch vụ của họ, mô hình PPP sẽ giúp họ dựng lên hệ thống xử lý chất thải cần thiết”.
Vấn đề thứ hai mà các dự án nhà máy xử lý chất thải phải đối mặt là đầu cơ đất. Chuyện giá đất tăng vọt mỗi khi có tin đồn về một dự án bất động sản lớn sắp tiến hành khởi công hiện nay đã trở thành điều phổ biến trên thị trường bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu cơ tin rằng kể cả khi khu vực đó không trở thành “điểm nóng” về giá đất, thì số tiền bồi thường thu hồi đất mà họ thu được từ chủ đầu tư vẫn đủ để họ có lãi. Chính sự đánh giá giá trị đất quá cao đó đã ảnh hưởng tới những dự án giúp tăng giá trị thật sự của đất, ví dụ như nhà máy xử lý chất thải.
Bàn về câu chuyện này, ông Cooper cho rằng: "Việt Nam có một số quy định về vấn đề này. Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… hiệu lực tổng thể của tất cả những bộ luật này đang kiểm soát hiện tượng đầu cơ đất. Thế nhưng bao giờ thực tế cũng khác xa so với lý thuyết. Việc đầu cơ đất diễn ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Các bạn hiện đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát hiện tượng đầu cơ do các cá nhân và tổ chức thực hiện. Nhờ vào các pháp chế như xin hồ sơ xây dựng hay rút giấy phép dự án mà các doanh nghiệp nước ngoài rất khó để đầu cơ đất tại Việt Nam. Tuy vậy, những pháp chế này vẫn còn những kẽ hở với nhiều đối tượng trong nước, khiến việc đầu cơ đất diễn biến phức tạp".
Còn nhiều cơ hội trước mắt
Trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy sự phát triển vượt bậc của du lịch tại các đô thị ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh... đồng thời cũng thấy được sức ép về rác thải mà sự phát triển này đem lại. Vấn đề này ảnh hưởng tới không chỉ người dân đô thị mà còn cả đại dương và các ngành nông nghiệp, công nghiệp dựa vào biển tại địa phương như đánh bắt thuỷ hải sản hay nuôi trai lấy ngọc. Mỗi đối tượng bị ảnh hưởng lại gặp nhiều vấn đề khác nhau mà hiện chưa có giải pháp giải quyết.
Tại các quốc gia khác, đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp xử lý chất thải mở rộng hoạt động tới các thị trường ngách và đáp ứng nhu cầu đặc biệt của khách hàng. Ví dụ như tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, các phương pháp xử lý nước thải thông thường được cho là để lại quá nhiều nước trong sản phẩm phụ là bùn thải, trong khi tại một quốc gia sa mạc thì tiết kiệm nước là một vấn đề sống còn. Một công nghệ mới đã được phát triển để giải quyết riêng cho việc này bằng cách tận dụng ánh nắng mặt trời để tách carbon và nước ra khỏi bùn thải. Công nghệ này hoàn toàn phù hợp với một đất nước quanh năm nắng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và hiện đang trong giai đoạn được triển khai trên toàn quốc gia.
“Mục tiêu của việc chuyên môn hoá luôn là tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất cho các vấn đề của một nhóm thị trường chuyên biệt, có những vấn đề và mục tiêu của riêng mình. Sự chuyên môn hoá trong ngành công nghiệp xử lý rác thải là điều tất yếu… Chủ đề này vẫn cần thời gian để phát triển và sẽ cần một khoảng thời gian nữa thì chúng ta mới có thể thấy tác động của nó. Điều này phụ thuộc nhiều vào sự cam kết và khả năng của các doanh nghiệp, nhưng tôi tin rằng Việt Nam rồi một ngày sẽ chứng kiến sự phát triển của các thị trường ngách”.
Khi được hỏi “Ông có tin rằng xử lý rác thải sẽ trở thành một ngành công nghiệp có lời tại Việt Nam?”, ông Cooper tự tin trả lời: “Đúng vậy. Không có dấu hiệu gì cho thấy điều ngược lại sẽ xảy ra. Bạn chỉ cần nhìn quanh thế giới để thấy rằng rác thải sẽ còn là một vấn đề lớn của nhân loại, và các công ty sẽ tiếp tục chạy đua để đưa ra những giải pháp mới… Rác thải bây giờ đã có giá trị, và theo quy luật của thị trường, thì bất cứ thứ gì định giá được thì cũng có thể kinh doanh được”.