Mới đây, việc Hà Nội tiếp tục yêu cầu thu hồi 52.936m2 đất (tương đương gần 5,3ha) thuộc dự án của Bitexco, với mốc thời gian rõ ràng trước 15/9/2023, một lần nữa cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc xử lý dứt điểm dự án BT sai phạm.
Hà Nội ra “tối hậu thư” thu hồi gần 5,3ha đất dự án The Manor Central Park
Theo đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, và UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì thu hồi 52.936m2 đất tại dự án khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại là The Manor Central Park), do Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư, trước ngày 15/9/2023. Nếu chủ đầu tư dự án vẫn không phối hợp, đề nghị hai Sở đề xuất áp dụng các biện pháp hành chính để thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng giao UBND quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp chấm dứt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trái phép của các tổ chức, cá nhân trên diện tích đất do Bitexco đang quản lý, phải bàn giao cho thành phố và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu hồi các diện tích đất này.
Trước đó, tại Quyết định số 6889 ngày 28/11/2019, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu thu hồi gần 5,3ha đất nói trên tại dự án The Manor Center Park vì cho rằng giá trị quỹ đất giao cho Bitexco vượt xa giá trị công trình BT - đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An mà Bitexco thực hiện. Trong đó, 2,3ha là quỹ đất công cộng phải bàn giao cho thành phố và gần 3ha là quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.
Phản hồi yêu cầu bàn giao gần 5,3ha đất thuộc dự án The Manor Central Park của UBND TP. Hà Nội, ngày 22/8, đại diện Bitexco cho hay, khu đất gần 5,3ha gồm các ô đất 8-NT, 16-NT, 1-CC, 12-CC, ô đất số 13 và ô đất số 18 thuộc dự án. Hiện trạng các lô đất đã giải phóng mặt bằng, ươm cây xanh, riêng ô đất 18 là quỹ đất 20% của dự án, có 1 trạm trộn bê tông được cấp phép phục vụ cho dự án.
Theo đại diện Bitexco, ngày 22/12/2022, đơn vị đã họp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội về việc thống nhất kế hoạch thu hồi diện tích đất trên. Song doanh nghiệp cũng cho biết nguyện vọng là được triển khai tiếp các phần đất này. Chủ đầu tư đã nhiều lần gửi kiến nghị, đề xuất Hà Nội phê duyệt hồ sơ đầu tư giai đoạn 2 của dự án, cũng như chấp thuận cho công ty được xây dựng tại các ô đất thuộc phần quỹ đất 5,3ha.
Sau kiến nghị của Bitexco, ngày 14/8/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản 6577 báo cáo Thủ tướng về kiến nghị của tập đoàn này. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc giao đất cho Bitexco.
Tuy nhiên, đến ngày 17/8/2023, TP. Hà Nội đã tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận huyện liên quan thực hiện thu hồi gần 5,3ha đất đã giao thừa cho Bitexco tại dự án The Manor Center Park như trên.
Việc Hà Nội ra “tối hậu thư”, kiên quyết thu hồi đất tại dự án trước 15/9, cho thấy quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý dứt điểm những dự án BT sai phạm kéo dài.
Trao đổi với Reatimes về quyết định của UBND TP. Hà Nội, PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đồng tình và cho rằng, giao đất bất hợp lý thì phải thu hồi.
Việc giao đất không thông qua đấu giá công khai theo đúng quy định về đấu thầu, đã dẫn đến mất đi môi trường cạnh tranh công bằng. Tham nhũng lớn nhất trong quản lý đất đai vẫn là do cơ chế giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định mà không thông qua đấu giá, đấu thầu cho công bằng và tìm kiếm được nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính, chuyên môn.
“Các địa phương không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Nhiều dự án hạ tầng chưa thấy đâu nhưng đã giao đất đối ứng cho nhà đầu tư để triển khai xây dựng, bán hàng rầm rộ.
Để xử lý, cần xem xét có đổi đất đúng giá thị trường và Nhà nước có thất thoát hay không; trình tự, thủ tục giao đất có đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hay không? Nếu bất hợp lý thì phải thu hồi.
Quan trọng là định giá đất như thế nào. Nếu giá thị trường 30 - 50 triệu đồng/m2 mà nhà đầu tư tính theo giá khung nhà nước thấp hơn nhiều thì không đúng. Bây giờ, cần mang diện tích đất đó ra đấu giá để Nhà nước thu tiền về, rồi dùng tiền đó trả lại cho doanh nghiệp phần giá trị của công trình BT, thay vì trả bằng lô đất đó”, PGS.TS. Ngô Trí Long nói.
Dư luận cũng mong muốn, kết quả của giá trị trao đổi ngang giá phải được công bố công khai. Vì vậy, số phận của các dự án BT hậu khai tử như dự án của Bitexco cần được giải quyết thấu đáo, khách quan và triệt để.
Hậu "khai tử" BT: Xử lý từng dự án một, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó
Từ khi xuất hiện vào năm 1998, sau thời gian dài triển khai với nhiều bất cập lộ rõ liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích, chênh lệch địa tô, có thể gây thất thoát lớn cho Nhà nước, hình thức đầu tư BT đã bị "khai tử" tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV (tháng 6/2020).
Cụ thể, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP và loại bỏ dự án BT ra khỏi loại hình này. Theo đó, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1/1/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Thậm chí, Điều 101 của Luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.
Theo đó, lùm xùm liên quan đến dự án BT của Bitexco không phải là duy nhất. Bởi dù hình thức đầu tư BT đã bị xóa bỏ được gần 3 năm, nhưng đến nay, chúng ta vẫn đang phải xử lý những hệ quả do các dự án này để lại và nhiều dự án “hậu BT” vẫn đang chờ tháo gỡ.
PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng đối với những dự án này, cần phân loại vướng mắc, vướng mắc ở đâu xử lý ở đó cho dứt điểm. Nếu liên quan đến giá, thì cơ quan định giá phải tham gia định giá lại giá trị các lô đất, phù hợp với giá thị trường để tránh thất thoát cho Nhà nước. Và việc giao đất nói chung đều phải thực hiện đấu thầu công khai, tìm nhà đầu tư có năng lực triển khai, tránh chỉ định đầu tư sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen.
Nếu phát sinh từ quy định pháp luật về thanh toán cho nhà đầu tư, thì phải sớm hoàn thiện các quy định để giải quyết. Còn trước mắt, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, những dự án phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp hợp đồng, vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ thì cần báo cáo Quốc hội xem xét xử lý.
Nếu vướng mắc do thiếu quy định để thực hiện ở cấp nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất, thì tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan, gồm Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Nếu vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; quy trình giải phóng mặt bằng phức tạp… thuộc thẩm quyền của cơ quan ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, thì cơ quan đó phải chủ động xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, hợp đồng dự án.
“Dự án vướng mắc về mặt pháp lý thì tháo gỡ pháp lý, chỗ nào liên quan đến giá thì xử lý về giá. Không có phương án chung chung mà phải đi vào từng dự án một, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”, PGS.TS. Ngô Trí Long nói.
Trước đó, nhiều sai phạm tại dự án này đã được chỉ ra: Kể từ thời điểm được phê duyệt vào năm 2011 và khởi công xây dựng vào năm 2014, theo kế hoạch ban đầu dự án đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An sẽ kết thúc sau 36 tháng, tuy nhiên UBND Thành phố Hà Nội đã phải 2 lần gia hạn cho Bitexco lên thành 67 tháng. Ngược lại, Dự ánThe Manor Central Park đã được Bitexco xây dựng thần tốc và triển khai bán hàng từ năm 2017.
Theo Bitexco quảng bá, dự án này có 1.066 căn nhà thấp tầng, 18 tòa nhà cao tầng hỗn hợp, khu mua sắm, 1 công viên giải trí và các dịch vụ tiện ích, mật độ dân cư 17.000 người... Các chuyên gia bất động sản tính toán, với mức giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi căn biệt thự thì chỉ cần bán một phần nhỏ của dự án The Manor Central Park thì Tập đoàn Bitexco đã thừa sức xây dựng dự án đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An để bàn giao cho TP. Hà Nội.
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Bitexco làm chủ đầu tư đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ sau đó cũng kết luận dự án này chậm tiến độ; việc thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác, đã làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng.