Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực tuy nhiên thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Để khắc phục tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương.
Chú trọng xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định, thông tư theo phân cấp; đồng thời rà soát bãi bỏ, sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thắn thừa nhận dù đã giải quyết được nhiều vướng mắc hạn chế của Luật Đất đai 2003, tuy nhiên sau gần 4 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thi hành.
Nhìn lại hệ thống luật pháp đất đai hiện hành, theo ông Võ rất nhiều quy định của pháp luật không theo kịp những đổi mới của hàng loạt Luật có liên quan mới được thông qua như Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư công 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Lâm nghiệp 2017... Từ đây, có thể thấy nhiều khoảng trống và khoảng chồng chéo có xung đột đang tồn tại trong hệ thống pháp luật đất đai.
GS. Đặng Hùng Võ phân tích, Luật Đất đai 2013 được xây dựng trên cơ sở tập hợp dự thảo của nhiều bộ phận nộp lên nên có tồn tại độ vênh, thậm chí là xung đột ngay trong nội bộ Luật. Đáng lưu ý, yếu tố quan trọng hơn là tài chính đất đai và kinh tế đất đai lại hoàn toàn vắng bóng trong Luật đất đai 2013. Do không có quy định về tài chính đất đai nên nguồn thu từ đất ở nước ta vẫn không hiệu quả và không bền vững.
Từ những vấn đề trên, ông Võ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là một nhu cầu thực tiễn, nhất là khi tốc độ và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đang ở mức khá cao.
Là chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP và chuyên nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết, trong các dự án mà UNDP đã nghiên cứu cho thấy có hiện tượng tham nhũng hoặc nguy cơ tham nhũng trong các dự án mua sắm, đấu thầu hay “chung chi” trong các dự án xây dựng.
Theo bà Huyền, vấn đề gây bức xúc nhất cho dân là sự không thỏa đáng trong bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Một ví dụ, 1.000m2 đất thu hồi chỉ được đền bù tái định cư tại chỗ 100m2 cho gia đình 4 người, khiến người dân có cảm giác chính quyền thông đồng với nhà đầu tư để thu hồi mảnh đất.
Chưa kể, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không rõ ràng, minh bạch, việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội dễ bị lợi dụng, lập lờ giữa mục đích thương mại và mục đích công cộng, dẫn đến “lợi ích nhóm”, dẫn đến hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân, những bất ổn, phản ứng tiêu cực của người dân cũng từ đây phát sinh.
Hơn nữa, nhiều trường hợp thu hồi đất vì mục đích này người dân hầu như không được tiếp cận thông tin, không được bàn bạc, tham khảo ý kiến để quyết định về giá cả đền bù cũng như những định hướng đảm bảo sinh kế. Do vậy, cái nhìn thấy rõ nhất là người dân bị thiệt thòi về quyền lợi, kể cả trước mắt lẫn lâu dài.
“Hiện nay tất cả các cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về đất đai nói chung chúng ta đều có cả vấn đề ở đây là từ phía những người có trách nhiệm phải làm sao tạo được một cơ chế công khai minh bạch trong tất cả các quá trình thanh tra, xử lý sai phạm về đất đai. Đặc biệt, xử lý không có vùng cấm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai” – GS Đặng Hùng Võ khẳng định.