Aa

Xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản như thế nào trong Luật Các tổ chức tín dụng?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 23/11/2023 - 15:39

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản cũng như Nghị quyết số 42 khi hết hiệu lực, hiện Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất phương án báo cáo lại.

Chiều 23/11, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về áp dụng kiểm soát đặc biệt Tổ chức tín dụng (TCTD) - Điều 162: Ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị cần phải dứt khoát hơn, phân định rõ sự khác nhau về mặt tính chất, nội dung của các phương án đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt. NHNN phải đánh giá kỹ thực trạng của các ngân hàng đang lâm vào tình trạng khó khăn, cũng như mức độ kiểm soát trên thực tế để thiết kế các phương án phù hợp. Có ý kiến cho rằng, thẩm quyền quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt nên giao cho Thủ tướng Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung tiếp những nội dung về xử lý ngân hàng yếu kém để xử lý nhanh và dứt điểm, không để kéo dài, gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế và cho xã hội.

UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng rà soát lại các trường hợp đưa vào kiểm soát đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện có 02 phương án thiết kế chính sách như sau:

Phương án 1: Điều chỉnh theo hướng: (1) Đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt khi: TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm; (NHNN xét thấy TCTD được can thiệp sớm không có khả năng phục hồi theo phương án khắc phục; TCTD bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản (như dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 5);

(2) Xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt đối với: Trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 145 của Luật hiện hành, gồm: mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục; Rút tiền hàng loạt. Đồng thời, bỏ khoản 3 Điều 162 do chưa xác định rõ biện pháp đặc biệt trong trường hợp này là gì, điều kiện nào để Chính phủ phải quyết định và báo cáo Quốc hội.

Theo phương án này sẽ bảo đảm tính răn đe đồng thời bao quát được các trường hợp từ can thiệp sớm đến kiểm soát đặc biệt gắn với mức độ kỷ luật thị trường tăng dần (từ TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ sẽ đặt vào can thiệp sớm; từ lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ sẽ xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt và từ lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ phải đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt).

Phương án 2: Giữ quy định NHNN xem xét, quyết định các trường hợp đặt vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt và có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; giữ khoản 3 về các biện pháp đặc biệt khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định hoặc phải áp dụng biện pháp cần thiết khác mà chưa dự liệu được ở thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội (như dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 5). Chính phủ nhất trí với phương án này và cho rằng việc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt nên được xem xét, cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau. Việc quy định “cứng” ngay lập tức đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc thận trọng.

Đa số ý kiến UBTVQH thống nhất với phương án 1. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng của dự thảo Luật có quan hệ mật thiết với các quy định về can thiệp sớm, là căn cứ để xử lý các TCTD có vấn đề, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá đủ rõ và đầy đủ tác động của các chính sách trong dự thảo Luật hiện nay, nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tối ưu. UBTVQH xin báo cáo để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể các trường hợp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, thuyết minh các trường hợp và đánh giá tác động cụ thể hơn.

Về áp dụng can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 156): Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng; quy định can thiệp sớm như dự thảo luật vẫn là chậm. 

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục). Đối với phương án thiết kế nội dung về can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, có 2 phương án như sau:

Phương án 1: Giữ quy định TCTD được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời; bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến TCTD mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Phương án 2: Kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP vì có một số trường hợp TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng TCTD này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Đa số ý kiến UBTVQH thống nhất với phương án 1; xin báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để tiếp thu, hoàn thiện.

Về các biện pháp hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm (Điều 159): Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bổ sung khá nhiều nội dung mới so với Luật Các TCTD hiện hành về các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, biện pháp can thiệp sớm rất khó phân biệt với trường hợp TCTD bị đặt vào kiểm soát đặc biệt. Trong khi đó, các biện pháp này khác nhau về cấp độ và cần phải phân định rõ thì mới xác định được biện pháp can thiệp sớm phù hợp. 

Cơ quan trình đề nghị giữ các biện pháp hỗ trợ này, trong đó có các biện pháp hỗ trợ từ TCTD hỗ trợ, các biện pháp tạo cơ chế như trích lập dự phòng rủi ro; phân bổ lãi dự thu phải thoái. Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ một số biện pháp hỗ trợ như: bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm; mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do TCTD hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đó cho TCTD hỗ trợ…   

UBTVQH thấy rằng giai đoạn can thiệp sớm theo thông lệ quốc tế cũng như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới chủ yếu là biện pháp tự thân của TCTD, không sử dụng nguồn lực của Nhà nước; không có sự tham gia hỗ trợ từ các TCTD khác để tránh tác động lan truyền, lây lan, sẽ ảnh hưởng đến TCTD lành mạnh. Vì vậy, xin tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng bỏ các biện pháp hỗ trợ tại Điều này và chỉ quy định về các biện pháp tự thân của TCTD (như tăng vốn điều lệ, cắt giảm chi phí hoạt động, không chia cổ tức, tăng cường quản trị rủi ro… quy định tại Điều 157 của dự thảo Luật); không quy định các biện pháp gián tiếp từ nguồn lực Nhà nước, biện pháp không bảo đảm nguyên tắc kế toán,phản ánh không đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các TCTD (như biện pháp phân bổ lãi phải thu phải thoái mà Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 612/BC-CP). 

Về một số nhóm nội dung khác, ông Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định thành 01 chương về thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng; cần phải đặt lại mô hình của cơ quan giám sát và kiểm tra tài chính độc lập để thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch. Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý hoạt động ngân hàng, các quy định của pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu, nặng nề đến các tổ chức, cá nhân đang là khách hàng của các ngân hàng, ảnh hưởng đến ngành kinh tế, qua đó sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác và Luật Các TCTD để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các TCTD.

Có ý kiến đề nghị xem xét đưa nội dung “Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản” vào dự thảo Luật này để xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ: UBTVQH thấy rằng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng nhằm phát hiện từ sớm các rủi ro, các sai phạm để có thể can thiệp từ sớm giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với an toàn của thị trường ngân hàng, tài chính. Hiện nay, khoản 1 Điều 200 của dự thảo Luật mới chỉ quy định “Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Trong khi Luật Thanh tra quy định cụ thể về hoạt động thanh tra, bao gồm cả thanh tra chuyên ngành và trên thực tế triển khai hoạt động của thanh tra ngân hàng sẽ thực hiện cả quy định của Luật Thanh tra và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá về chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, nhất là rà soát nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống, giảm thiểu những trường hợp phải xử lý TCTD yếu kém như thời gian qua. 

Đối với xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản cũng như Nghị quyết số 42 khi hết hiệu lực, hiện Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất phương án báo cáo lại. Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các cơ quan, UBTVQH sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhìn chung, dự thảo Luật cơ bản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, các nội dung tại dự thảo Luật liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống như đã nêu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Về cơ sở thực tiễn cũng chưa làm rõ được các bất cập trong quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt theo quy định của Luật hiện hành, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của các bất cập nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tổng thể, tối ưu đối với các nội dung này.

UBTVQH thấy rằng đây là dự án Luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các TCTD, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Với vai trò rất quan trọng của Luật Các TCTD (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật. 

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Đề nghị Chính phủ:

Đề xuất cụ thể đối với các nội dung quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, như: nội dung về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt TCTD; tiếp tục đánh giá, hoàn thiện các nội dung khác, trong đó có quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát TCTD; xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

Bổ sung đánh giá tác động đối với nội dung thay đổi về chính sách được yêu cầu, nhất là các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt (việc thực hiện quy định của dự thảo Luật sẽ dẫn đến bao nhiêu TCTD đặt vào can thiệp sớm, bao nhiêu TCTD đặt vào kiểm soát đặc biệt, tác động như thế nào), bảo đảm khi luật thông qua có tính khả thi. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top