Nhận định thị trường quý III/2017, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội có nhấn mạnh đến thị trường văn phòng cho thuê với điểm mới, đó là khi rà soát tại tất cả các tòa nhà văn phòng trong khu vực trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, đặc biệt là văn phòng hạng A gần như không có tòa nhà nào còn nguyên sàn để cho các khách thuê có nhu cầu thuê diện tích lớn. Cũng vì lý do đó, xét thấy nguồn cung trong tương lai sẽ không nhiều.
Theo báo cáo của Savills, trong quý III, tổng nguồn cung văn phòng đạt khoảng 1.590.000m2, giảm -1,7% theo quý và -2,8% theo năm sau khi ba dự án ngừng cho thuê và một dự án đóng cửa để cải tạo. Giá thuê trung bình giảm -0,1% theo quý nhưng tăng 1,3% theo năm, trong khi đó công suất thuê tăng 0,7 điểm % theo quý và 6.5 điểm % theo năm. Hạng B là phân khúc duy nhất ghi nhận hoạt động cải thiện.
“Trong vòng 2 – 3 năm sắp tới, Savills nhận thấy chỉ có vài tòa nhà đi vào hoạt động. Với nguồn cung hạn chế như vậy, giá thuê văn phòng tại Hà Nội trong tương lai, nhất là phân khúc hạng A có thể tăng, trong năm 2018 có thể tăng 5 – 7%. Trong năm 2019, thị trường có sự điều chỉnh”, bà Hằng nhận định.
Nói về kỳ vọng của phân khúc này, bà Hằng cho biết: “Từ trước đến nay, nhiều chủ đầu tư quan ngại khi phát triển thị trường văn phòng bởi giá thuê không được thuận lợi. Song có mặt tích cực khác là các doanh nghiệp đi thuê văn phòng được hưởng lợi bởi giá thuê hết sức hợp lý tại thời điểm hiện nay. Hai dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý IV và 10 dự án sẽ ra mắt trong năm 2018, cung cấp tổng cộng khoảng 228.000m2.
Trong bối cảnh công suất văn phòng hạng C đạt 97% ở khu vực phía Tây, áp lực nguồn cung dự kiến sẽ ngày càng gia tăng tại khu vực này và nội thành. Sắp tới khi hoàn thành việc di dời 8 sở ngành về khu liên cơ, khu vực Tây Hồ có sự kỳ vọng về nguồn cung văn phòng, đồng thời hỗ trợ cho việc tạo ra các dòng sản phẩm khác phù hợp với thị trường”.
Tuy vậy, đánh giá tổng quan về tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý III/2017, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, trong tất cả các phân khúc, mảng bán lẻ là tích cực nhất, công suất đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay với 95%, giá thuê cũng tăng, bình quân 3% so với quý trước.
Báo cáo của Savills cho thấy, tổng nguồn cung bán lẻ trong quý III đạt gần 1.280.000m2, tăng 0,4% theo quý và 7,4% theo năm do một dự án tái hoạt động với quy mô khoảng 32.000m2.
Bà Hằng nhận định: “Trên tất cả các loại hình, trung tâm bách hóa gần như kín 100% công suất, trung tâm thương mại khối đế bán lẻ đạt ngưỡng tốt với 94%, khối đế bán lẻ đạt 98%. Riêng trong khu vực Hà Nội, gần như khối đế bán lẻ các tòa nhà kín 100%, hoạt động cho thuê khu vực nội thành tốt cả về giá thuê lẫn công suất thuê”.
Dự báo về triển vọng sắp tới, bà Hằng cho biết, thị trường bán lẻ trong cả năm 2017 có xu hướng tích cực. “Dựa theo báo cáo gần đây nhất của Focus Economics, chúng tôi biết được chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam cao kỷ lục, đứng thứ 5 toàn cầu. Tiêu dùng cá nhân cũng đã ở ngưỡng tăng trường cao so với các nước trong khu vực trong 5 năm sắp tới”, bà Hằng lý giải.
Tuy vậy, theo bà Hằng, thị trường đang chuyển biến theo hướng tích hợp công nghệ nhiều hơn. Người tiêu dùng sử dụng internet đạt tỷ lệ khá lớn trong năm 2025, tiêu dùng lên tới 99 tỷ đô.