Doanh nghiệp địa ốc: Muốn tồn tại phải thay đổi
Trong thời gian vừa qua, không hiếm dự án dù mới chỉ được công bố ra thị trường, thậm chí chưa được làm móng, nhưng nghe cái tên của chủ đầu tư dự án, khách hàng đã đua nhau xuống tiền giữ chỗ. Lý do đơn giản là vì doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu, uy tín trong lòng khách hàng. Khi mua sản phẩm, khách hàng tin tưởng rằng, dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư chắc chắn sẽ được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Chẳng hạn, Vingroup, hiện doanh nghiệp này đang phủ sóng toàn thị trường với hàng chục dự án lớn nhỏ khác nhau từ Bắc vào Nam, với đủ các phân khúc khác nhau, từ bất động sản cao cấp, hạng sang đến trung cấp và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, với hàng chục ngàn căn hộ được tiêu thụ trong 4 - 5 năm qua.
Trong cuộc trò chuyện gần đây, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup chia sẻ, thương hiệu và uy tín của Vingroup không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà xuất phát từ những gì Vingroup đã làm. Là một nhà đầu tư hàng đầu thị trường, Vingroup xác định chiến lược đầu tư phát triển bền vững, với chuỗi sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp, mục tiêu nâng tầm chất lượng cuộc sống thể hiện qua từng sản phẩm và kế hoạch bán hàng cụ thể.
Đây cũng là công thức chung của những doanh nghiệp đã thành danh trên thị trường như Đất Xanh, Hải Phát, Him Lam, Phát Đạt, Bitexco, Geleximco, hay những cái tên mới nổi lên kể từ sau khủng hoảng như Novaland, MIK Group, Sunshine, Hưng Thịnh, Sungroup, TNR Holdings. Sự khác biệt mà các doanh nghiệp này tạo ra chính là đặt khách hàng trở lại đúng vị thế “thượng đế”, có nghĩa là quyền năng trên thị trường thuộc về người mua.
Xem chi tiết tại đây.
Lấy ý kiến cư dân về cấp phép quy hoạch chưa sát thực, mất nhiều thời gian
HoREA vừa có văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM, các sở ngành liên quan về góp ý trình tự, cách thức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trong công tác cấp giấy phép quy hoạch.
Theo đó, ngày 16/08/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản lấy ý kiến Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện về trình tự, cách thức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trong công tác cấp Giấy phép quy hoạch.
Trong thời gian qua, để chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư được cơ quan chức năng thực hiện khi chủ đầu tư xin cấp giấy phép quy hoạch. Sau khi đã được cấp giấy phép quy hoạch, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch thì phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư. Đối với dự án đang được xây dựng dở dang, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch, thiết kế hạng mục thì cũng phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư.
Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về cấp giấy phép quy hoạch là công tác cần thiết nhằm bảo đảm cho đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến đóng góp về dự kiến quy hoạch, dự kiến triển khai dự án có tác động đến quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, mẫu “Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan” có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch (như cơ cấu sử dụng đất; các chỉ tiêu sử dụng đất; mật độ xây dựng; hệ số sử dụng; khoảng lùi công trình so với ranh lộ giới các tuyến đường tiếp giáp khu đất; các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu về hạ tầng xã hộị…) mà chỉ có những chuyên gia về quy hoạch xây dựng mới am hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến hình thức, mất rất nhiều thời gian và công sức.
Xem chi tiết tại đây.
Mặt bằng bán trà sữa 70 triệu đồng một tháng vẫn khó thuê
Trên phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ông Đào Thiên Sáng, một doanh nhân gốc Trung Quốc đang chỉ đạo thợ thi công sửa sang lại căn nhà mới thuê được để mở cửa hàng trà sữa. Chia sẻ với báo chí, ông Sáng cho biết đã mất rất nhiều thời gian để tìm được căn nhà ưng ý.
Ông bảo đã phải nhờ các văn phòng tư vấn thuê đất, nhờ bạn bè và các mối quan hệ. Cuối cùng, thông qua một đầu mối trung gian, ông thuê được cửa hàng hiện tại với diện tích khoảng 40m2 sàn, nhà cao 4 tầng, giá 37 triệu đồng/tháng.
Trên phố Nguyễn Trãi (địa phận quận Hà Đông), ông Trần Nghĩa cũng vừa khai trương cửa hàng trà sữa được 3 ngày. Ông Nghĩa tâm sự để tìm được một cửa hàng trà sữa tại các trục đường lớn là điều rất khó khăn. Cả gia đình ông phải tỏa đi khắp các ngả, khắp các quận tại Hà Nội mới thuê được vị trí này.
Theo ông Nghĩa, tiêu chí để lựa chọn một căn nhà “lọt vào mắt xanh” là phải hội tụ nhiều yếu tố. Cửa hàng phải nằm ở trục đường giao thông lớn, thuận tiện đi lại để có lượng khách đông. Nếu gần các trường đại học lớn là một lợi thế.
Ngoài ra, cửa hàng phải có chỗ để xe cho khách, chủ nhà phải cho thuê toàn bộ các tầng để có không gian đủ rộng. Cửa hàng trà sữa thường có quầy ở tầng 1, các khu vực ngồi cho khách ở tầng trên, chưa kể phải bố trí kho, nơi dành cho nhân viên.
Xem chi tiết tại đây.
Doanh nghiệp họ Vinachem bỏ quên kế hoạch thoái vốn Nhà nước
Số lượng công ty thành viên Vinachem đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán khá đông đảo, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bột giặt, hóa chất, săm lốp và phân bón. Giao dịch không quá sôi động, nhưng hầu hết các cổ phiếu trong “họ” Vinachem được giới đầu tư ưa thích, do có lịch sử trả cổ tức hàng năm cao, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định.
Có những doanh nghiệp nắm giữ vị thế đầu ngành như CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) trong nhóm săm lốp; CTCP Bột giặt Lix (LIX), CTCP Bột giặt Net (NET), CTCP Bột giặt và hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS), CTCP Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Pin ắc quy miền Nam (PAC) trong nhóm bột giặt và hóa chất…
Theo Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, sau cổ phần hóa, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ giảm sở hữu Nhà nước xuống 51-65% vốn điều lệ. Dự kiến tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng trong nửa đầu năm 2019 và tiến hành niêm yết ngay trong năm 2019. Đồng thời, Vinachem cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số công ty con, liên kết, qua đó giúp Tập đoàn có thêm nguồn thu hoạt động kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính.
Xem chi tiết tại đây.
Ngân hàng - "điểm trung chuyển" mới của thị trường bất động sản
Theo thông báo mới đây từ Công ty quản lý nợ và khai thác ngân hàng Agribank (Agribank AMC), tổ chức này sẽ bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 129 A – 131 – 131 A – 133 – 135 A – 153/33 Đường Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên đấu giá dự kiến sẽ tổ chức vào 9h30 sáng ngày 27/10/2017 tại Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá thành phố Hồ Chí Minh. Mức giá khởi điểm đối với lô đất trên là hơn 299 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 3 Agribank AMC đã được rao bán lượng bất động sản này. Trước đó hồi tháng 5 công ty đã chào bán với giá khởi điểm 373,5 tỷ đồng nhưng không thành công, đến tháng 9 giảm 54 tỷ xuống 319,5 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục không có người đăng ký mua.
Vẫn tại Agribank, chi nhánh Gia Định của ngân hàng này cho biết sẽ bán đấu thửa đất số 581 - 582 - 583 – 4366 có diện tích sử dụng 8.757m2 tại số B2/28 Quốc lộ 1, xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, TP. HCM và tài sản gắn liền là nhà kho, vách gạch, móng bê tông cốt thép (BTCT), mái tôn, diện tích sử dụng: 2.960,07 m2.
Được biết, lô đất trên thuộc chủ sở hữu của Công ty Cổ phần TMDVSX và XD Nam Hải và thế chấp để công ty vay vốn hoạt động.
Lô đất trên sẽ được bán đấu giá đến ngày 23/10/2017 với mức giá khởi điểm vượt 100 tỷ đồng (cụ thể là 105 tỷ đồng).
Xem chi tiết tại đây.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuấn trải lòng gian truân trong nghề làm địa ốc
Chia sẻ về con đường làm dự án bất động sản của mình, ông chủ Sơn Kim Land Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết "nếu biết làm dự án bất động sản mà nhiêu khê và trầy trật thế này thì ngay từ đầu chúng tôi đã không lao vào thị trường."
Tiếp nhận mảng kinh doanh bất động sản của gia đình từ năm 1998, ông Tuấn đã có được những thành công ban đầu trong việc phát triển khu nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng và hiện ông đang hoạch định phát triển mảng bất động sản của Sơn Kim Land theo mô hình phát triển dự án, mua bán sáp nhập, khai thác và quản lý bất động sản.
Sau nhiều năm vật lộn trên thị trường địa ốc định hướng phát triển các dự án bất động sản hạng sang tại những vị trí đắc địa ở Tp.HCM, Sơn Kim Land đã được nhiều quỹ đầu tư ngoại rót vốn.
Năm 2013, quỹ đầu tư EXS Capital quyết định đầu tư vào Sơn Kim Land. Đây được coi là một trong 10 thương vụ M&A bất động sản lớn nhất thời điểm đấy với giá trị 37 triệu USD. Đến 2014, quỹ đầu tư này tiếp tục rót thêm vốn vào công ty này, và cũng được bình chọn là một trong 34 thương vụ M&A tiêu biểu của năm. Cuối năm 2014, Hongkong Land cũng đã rót vốn đầu tư vào dự án The Nassim của Sơn Kim Land.
Hồi tháng 5/2017, thông qua Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund, EXS Capital tiếp tục rót thêm 100 triệu USD vào Sơn Kim Land. Cùng hợp tác với SonKim Land và EXS Capital lần này có công ty quản lý quỹ hàng đầu của Nhật Bản - ACA Investments.
Xem chi tiết tại đây.