Tháp cao nhất Việt Nam thắng 2 giải Kiến trúc tuyệt vời nhất thế giới
Tháp Landmark 81 cao 460m ở TP.HCM vừa đạt giải “Kiến trúc tuyệt vời nhất thế giới" tại International Property Awards 2017 được tổ chức ở London, Anh.
Công trình này cũng được vinh danh là “Kiến trúc chung cư cao tầng quốc tế tuyệt vời nhất” và “Kiến trúc chung cư cao tầng tuyệt nhất Châu Á – Thái Bình Dương”.
Ian Milne, Giám đốc thiết kế của Atkins, đơn vị thiết kế Landmark 81 cho biết: “Bởi vì Châu Á đang diễn ra sự đô thị hóa nhanh và dân số đô thị ngày một tăng lên, Landmark là một ví dụ tuyệt vời để chứng minh sự thích hợp của cuộc sống trên cao. Tạo ra không gian sống theo chiều dọc chất lượng cao và thoải mái hơn có thể là giải pháp bền vững và tạo ra sức hút cho khu vực”.
Landmark 81 nằm trong khu đô thị Công viên Trung tâm Vinhomes sẽ trở thành công trình cao nhất Việt Nam khi được hoàn thành vào năm 2019.
Năm 2017, bất động sản thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký
Tính riêng trong năm 2017, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016. Trong năm, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là hút nhiều vốn nhất với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn. Đứng thứ 2 là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản "về" thứ 3 trong bảng xếp hạng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, tương đương 8,5%.
Xuất hiện kiến nghị gói kích cầu bất động sản 2018
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ đối với nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội cho năm tới.
HoREA vừa qua đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước kiến nghị thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp, tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước đây.
Mục đích của đề xuất này là để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỉ đồng/căn với điều kiện có cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng nơi đúng chỗ.
Bên cạnh đó, HoREA đã nêu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỉ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỉ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho các tổ chức tín dụng để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Đơn vị này cũng kiến nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Điều chỉnh quy hoạch hơn 29ha đất KCN Thạch Thất - Quốc Oai
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 8792/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, tại các ô đất Kho tàng (KT2), Cây xanh (CX5), Cây xanh (CX6), Công nghiệp (CN11) và một phần diện tích lô đất kí hiệu Công nghiệp (CN7) (phần Quy hoạch sử dụng đất), tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất và các xã Sài Sơn, Tiên Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Theo quyết định, tổng diện tích các ô đất theo quy hoạch khoảng 29,17ha (theo Quy hoạch chi tiết Khu Công nghiệp được phê duyệt năm 2007).
Cụ thể, lô đất CN7 với tổng diện tích khoảng 167.948m2 sẽ được điều chỉnh như sau: chức năng đất công nghiệp khoảng 4.588m2 chuyển thành đất cây xanh tập trung; diện tích đất công nghiệp khoảng 4.838m2 khác chuyển thành đất đường quy hoạch nằm ngoài phạm vi Khu công nghiệp do cập nhật Chỉ giới quy hoạch mở đường trục chính Bắc - Nam khu đô thị Quốc Oai; diện tích đất công nghiệp khác khoảng 525m2 điều chỉnh ra ngoài phạm vi khu công nghiệp do chồng lấn giữa các dự án và bị chia cắt bởi tuyến đường trục chính Bắc - Nam); ngoài ra, đổi kí hiệu lô đất CN7 thành lô đất ký hiệu CN4. Sau khi điều chỉnh, tổng diện tích lô đất vào khoảng 157.997m2.
Những chuyển biến đáng chú ý của thị trường địa ốc khu Nam TP.HCM 2017
Theo báo cáo mới nhất của CBRE, trong năm 2017, thị trường địa ốc khu Nam đón nhận nguồn cung mới từ 52 dự án với quy mô 27.320 căn hộ, nhà phố và biệt thự, chiếm 54% tổng lượng cung của toàn thị trường. Với kết quả này, kể từ năm 2014 thì đây là năm đầu tiên khu Nam chính thức bứt phá và vượt xa khu Đông về nguồn cung.
Theo thống kê, 72% các dự án đồng loạt bung ra thị trường trong 6 tháng cuối cùng của năm 2017. Chiếm phần lớn lượng hàng được các chủ đầu tư đưa ra cuối năm là các dự án khủng như: Hưng Phát Green Star (Hưng Lộc Phát, 5,2ha với 111 biệt thự nhà phố và hơn 1.000 căn hộ), Kentone Node (hơn 10.000 căn hộ với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD), Jamona Golden Silk (100 nhà phố, hơn 400 căn hộ), Sài Gòn Peninsuna (6 tỷ USD với 8.000 căn hộ và biệt thự), Evergreen (tổng mức đầu tư 8.000 tỷ), Lavida (1.212 căn hộ), Mizuki Park (26 ha, 9.000 tỷ)…
Không chỉ bùng nổ về nguồn cung, năm 2017, giá bất động sản khu Nam còn tăng giá chóng mặt. Tính đến tháng 12/2017, mức tăng giá của phân khúc đất nền - nhà phố và căn hộ tại khu Nam lần lượt đạt 312% và 162% so với thời điểm tháng 12/2014.