Aa

Xưng hô - một cảnh báo văn hóa

Thứ Ba, 05/06/2018 - 06:01

Những thay đổi như cây cầu, con đường, tiện nghi sinh hoạt... là sự thay đổi tất nhiên và cần thiết cho đời sống con người ở thôn quê. Vậy thì cái gì sẽ còn lại như hạt nhân của nền văn hoá Việt truyền thống không chỉ ở thôn quê mà cả các đô thị văn minh và hiện đại. Theo tôi, đó chính là đặc trưng của đại từ nhân xưng trong các gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam.

Vừa rồi về quê, tôi đã dứng lại rất lâu trên đê sông Đáy để ngắm nhìn chiếc cầu mới bắc qua. Một chiếc cầu thời hiện đại. Đẹp và vô cùng thuận tiện cho người dân. Lúc đó tôi nghĩ đến hình ảnh cây đa, bến nước, con đò. Có những vẻ đẹp xưa đã được những vẻ đẹp nay thay thế và phù hợp với sự phát triển của đời sống. Tôi nhớ cây đa, con đò nhưng tôi yêu cây cầu mới. Thế nhưng có những thay đổi ở làng quê làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Những thay đổi đó mang cho tôi cảm giác sẽ mất đi một điều tốt đẹp trong văn hóa của người Việt. Đó là cách xưng hô của không ít người thôn quê hiện nay.

Những thay đổi như cây cầu, con đường, tiện nghi sinh hoạt... là sự thay đổi tất nhiên và cần thiết cho đời sống con người ở thôn quê. Vậy thì cái gì sẽ còn lại như hạt nhân của nền văn hoá Việt truyền thống không chỉ ở thôn quê mà cả các đô thị văn minh và hiện đại. Theo tôi, đó chính là đặc trưng của đại từ nhân xưng trong các gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam. Đại từ nhân xưng là yếu tố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố quan trọng nhất để tồn giữ tinh thần văn hoá của làng Việt Nam. Yếu tố này không chấp nhận bất cứ sự lý giải nào cho những thay đổi với nó. Bởi nó không lệ thuộc vào những đặc tính của đô thị hoá, hiện đại hoá hay toàn cầu hoá.

Sự biến dạng này rất chậm. Chậm đến mức không gây nên cảm giác nào về mối nguy hiểm đối với nền tảng văn hoá mà người Việt Nam đã tạo dựng lên từ mấy ngàn năm nay. Nhưng cái chết của một nền văn hoá thường đi theo con đường như thế...

Bây giờ, càng ngày tôi càng nghe nhiều hơn những cặp câu trong xưng hô quan hệ “bố/mẹ - con, anh/chị - em, bác/chú - cháu...” được thay bằng những cặp câu trong xưng hô quan hệ mà chủ yếu các đối tượng thuộc ngôi thứ 2 như ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị đều biến thành “ông bà”. Thay đổi cách xưng hô như vậy sẽ thay đổi thái độ tình cảm và lễ nghĩa của con cái với bố mẹ, của em đối với anh chị, của cháu đối với chú bác, cô dì. Cho dù ai đó không công nhận thì sự thay đổi cách xưng hô này là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây lên tội ác của những người có quan hệ cùng huyết thống với nhau mà báo chí đã và đang nói đến.

Thôn quê đã và đang hiện đại hóa nhiều thứ và sẽ còn hiện đại hơn nữa. Nhưng nếu cách xưng hô đặc trưng văn hóa Việt bị thay đổi thì bản sắc Việt sẽ bị phá vỡ. Bản sắc không phải là một đồ dùng mà chúng ta rời bỏ nó khi chúng ta thấy có một đồ dùng khác có thể thay thế những đồ dùng đã cũ mà không ảnh hưởng đến chúng ta bất cứ điều gì. Nhưng thực tế, bản sắc như không gian, dù chúng ta di chuyển từ nơi này hay nơi khác thì chúng ta vẫn nằm trong không gian đó. Có điều chúng ta không nhận biết được điều đó và chúng ta dần dần tìm đến một trạng thái văn hóa khác. Đó chính là sự đánh mất bản sắc của chúng ta.

Thay đổi cách xưng hô sẽ thay đổi thái độ tình cảm và lễ nghĩa của con cái với bố mẹ (Ảnh minh hoạ)

Thay đổi cách xưng hô sẽ thay đổi thái độ tình cảm và lễ nghĩa của con cái với bố mẹ (Ảnh minh hoạ)

Hiện thực cho chúng ta thấy: đại từ nhân xưng đang bị biến dạng trong đời sống xã hội. Chỉ lấy ví dụ về những người trẻ xưng hô ở xã hội nông thôn Việt Nam đương đại không đúng với bản chất đại từ nhân xưng tiếng Việt với những người ở thứ bậc trên trong gia đình, dòng họ, những người lớn tuổi và hơn tuổi trong xã hội đã cho thấy những dấu hiệu của sự bất ổn trong đạo đức xã hội và những giá trị thuần phong mỹ tục. Sự biến dạng này rất chậm. Chậm đến mức không gây nên cảm giác nào về mối nguy hiểm đối với nền tảng văn hoá mà người Việt Nam đã tạo dựng lên từ mấy ngàn năm nay. Nhưng cái chết của một nền văn hoá thường đi theo con đường như thế cũng như sự sinh ra con đường đi đến một nền văn hoá. Nó đòi hỏi chúng ta phải giữ nghịp sống của những giá trị này giống như giữ nghịp đập của trái tim mà không được phép dừng lại bất cứ lúc nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top