Aa

Ý kiến của các chuyên gia và phản hồi của lãnh đạo Công ty Việt Thảo

Thứ Tư, 22/09/2021 - 10:15

Một số chuyên gia, cựu Đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại của Bộ TNMT đối với nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Việt Thảo.

Hợp thức hóa cho vi phạm trong việc cấp phép?

Liên quan tới việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại cho Công ty Việt Thảo năm 2013, hồ sơ phóng viên có được cho thấy, Quyết định của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều điều gây khó hiểu.

Cụ thể, năm 2011, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (hiện đã nghỉ hưu) là người ký văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty Việt Thảo được hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tại Nhà máy sản xuất dầu mỡ bôi trơn (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), sau khi Tổng Cục môi trường có văn bản xin ý kiến tỉnh Thanh Hóa về nội dung trên.

Điều đáng nói là, đặt địa điểm xử lý chất thải nguy hại tại phường Bắc Sơn không phù hợp với quy hoạch mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và không đúng với mục tiêu dự án đã được Ban này cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 (đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dầu mỡ bôi trơn chứ không có nội dung hoạt động về xử lý chất thải nguy hại).

Về việc này, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Đức Quyền cho hay, sự việc trên diễn ra quá lâu nên không nhớ rõ: “Cái này lâu lắm rồi. Tôi cũng không biết họ là ai cả. Tôi nhớ trước khi về hưu nhà máy xử lý chất thải của doanh nghiệp này đã đưa vào quy hoạch mới của tỉnh. Các anh xem lại trong quy hoạch mới xem doanh nghiệp đã hoàn chỉnh thủ tục chưa. Tôi về hưu rồi”, ông Quyền chia sẻ, nhưng không trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại cho Công ty Việt Thảo không đúng quy hoạch.

Việt Thảo
Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Việt Thảo.

Sau khi được cấp phép xử lý chất thải nguy hại năm 2013, đến năm 2015, Công ty Việt Thảo có văn bản xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp năm 2008, trong đó có việc bổ sung Dự án xử lý chất thải nguy hại (cấp phép xử lý chất thải nguy hại trước, sau đó mới xin điều chỉnh chủ trương – PV).

Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn (nay là Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp) từ chối với lý do địa điểm đầu tư không đúng quy hoạch: “Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải thuộc quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Địa điểm đầu tư Dự án nhà máy sản xuất dầu mỡ bôi trơn của Công ty Việt Thảo hiện nay không thuộc quy hoạch khu xử lý chất thải nguy hại do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy chưa có cơ sở xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư”.

Điều đáng nói là, các dấu hiệu vi phạm liên quan tới lĩnh vực kế hoạch - đầu tư dự án đã rõ, thế nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, nhà máy xử lý chất thải nguy hại của doanh nghiệp Việt Thảo vẫn chưa bị xem xét, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan?

Mặt khác, đã có thời điểm một số cơ quan, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa đề nghị chấm dứt hiệu lực giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã cấp cho đơn vị này vì việc cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho Công ty Việt Thảo tại phường Bắc Sơn là không phù hợp với quy hoạch. Thế nhưng, khi yếu tố khoa học, tính pháp lý của dự án xử lý chất thải nguy hại đang còn nhiều ý kiến trái chiều, thì năm 2018, ông Lưu Trọng Quang – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn ký văn bản đề nghị UBND tỉnh cho cập nhật hiện trạng cơ sở xử lý chất thải nguy hại của Công ty Việt Thảo vào kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh.

Cần thanh tra, kiểm tra tính pháp lý trong việc cấp phép

Bình luận về sự việc trên, PGS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (nguyên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội) cho rằng, cần thanh tra, kiểm tra làm rõ việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại đối với doanh nghiệp theo thông tin phản ánh của báo chí:

"Cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ việc: Tại sao nhà máy xử lý chất thải nguy hại không nằm trong quy hoạch, nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp phép xử lý chất thải nguy hại? Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cần thanh tra, kiểm tra lại việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại đối với doanh nghiệp để làm rõ ai làm sai, sai ở đâu? Nếu biết sai mà vẫn làm thì phải xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm”.

Cũng theo PGS Bùi Thị An: “Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nói về việc không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Như vậy có thể hiểu rằng, một mặt vẫn phải phát triển nhanh kinh tế - xã hội, song phải đảm bảo phát triển bền vững, gìn giữ môi trường sống trong sạch.

Chuyện cấp phép xử lý chất thải nguy hại hay bất kỳ câu chuyện nào liên quan tới vấn đề môi trường cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. Chúng ta không nể nang chuyện này được. Chỉ có làm đúng quy định pháp luật mới thực hiện đúng trách nhiệm với dân. Việc tuân thủ pháp luật là trách nhiệm chung của tất cả mọi người chứ không phải là chuyện cá nhân của một số người”, bà An nêu quan điểm.

PGS. Bùi Thị An (trái), ĐBQH Bùi Văn Xuyền (phải)

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (khóa XIII, XVI) – nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc quy hoạch không thể “chạy” theo doanh nghiệp.

Vị này phân tích: “Nếu việc cấp phép xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp không đảm bảo quy hoạch theo quy định thì phải xem xét một cách nghiêm túc bằng việc thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ việc cấp phép, hoạt động của doanh nghiệp. Cấp phép xử lý chất thải nguy hại không thể làm lỏng lẻo, dễ dàng như vậy được. Nếu việc cấp phép không đúng phải điều chỉnh cho đúng quy định chứ không phải “chạy” theo doanh nghiệp để điều chỉnh cho cái sai. Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp sai giấy phép phải xử lý việc cấp phép sai và thu hồi giấy phép đã cấp.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: “Đây là vấn đề nổi cộm, tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo làm rõ, giải quyết dứt điểm trong thẩm quyền của mình”.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Reatimes liên quan đến những nội dung phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch HĐQT Công ty Môi trường Việt Thảo cho biết: “Từ năm 2013 đến nay pháp luật về môi trường có nhiều sự thay đổi. Công ty CP Môi trường Việt Thảo được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại từ năm 2013 và cấp lại, điều chỉnh vào các năm 2015, 2018. Cơ quan cấp phép đã dựa trên hồ sơ đề nghị cấp phép của công ty và các quy định pháp luật tại các văn bản như Thông tư 12/2011/TT-BTNMT, Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo từng thời điểm cấp phép. Hồ sơ cấp phép của công ty đã được các cơ quan trung ương và địa phương thẩm định kỹ lưỡng và nhận được sự chấp thuận sau khi đánh giá hồ sơ thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại từng thời điểm cấp phép.

Trong suốt quá trình hoạt động Công ty luôn cố gắng tuân thủ các quy định pháp luật và chính sách của địa phương. Do vậy ngay sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí Bất động sản Việt Nam, chúng tôi đã luôn lắng nghe ý kiến của dư luận và chấp hành sự chỉ đạo, quản lý từ phía chính quyền địa phương.". 

Ngoài ra ông Khoa còn cho biết thêm, hiện tại phía lãnh đạo công ty chúng tôi cũng đang chủ động liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể về trường hợp của công ty.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top