Aa

Yêu cầu Bộ Công an sớm hoàn thành điều tra vụ 12 dự án yếu kém

Thứ Tư, 19/07/2017 - 11:45

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Kiểm toán nhà nước, Bộ Công An, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành việc kiểm toán, điều tra, thanh tra tại 12 dự án, doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để xử lý theo quy định.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng ghi nhận, việc Bộ Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện khẩn trương, quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trưởng Ban Chỉ đạo đã bước đầu đạt được kết quả nhất định.

Cụ thể, 4 nhà máy sản xuất phân bón hoạt động đạt 70-80% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy gang thép Việt - Trung (VTM) 6 tháng đầu năm 2017 đã có lãi 67 tỷ đồng... Ban Chỉ đạo biểu dương Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, tình hình tại 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và Công ty TNHH MTV Công nghiệp đóng tàu Dung Quất (DQS) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển biến rất chậm.

Ban Chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo PVN nghiêm túc rút kinh nghiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thành lập Tổ công tác do Tổng giám đốc PVN đứng đầu, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể và đặt ra lộ trình, thời hạn rõ ràng, những giải pháp cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án này.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương và ý kiến của các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trước ngày 25/7/2017.

Đạm Hà Bắc - một trong những dự án thuộc diện thua lỗ của ngành Công Thương.

Đạm Hà Bắc - một trong những dự án thuộc diện thua lỗ của ngành công thương.

Đồng thời, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, gửi các Bộ, ngành có ý kiến tham gia để tổng hợp, trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định.

Trong đó, lưu ý quán triệt các mục tiêu, quan điểm, thời hạn đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Thông báo 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương, phân công, làm rõ trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện Kế hoạch; chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch.

Phó Thủ tướng giao Kiểm toán nhà nước, Bộ Công An, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành việc kiểm toán, điều tra, thanh tra tại 12 dự án, doanh nghiệp theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để xử lý theo quy định.

Các Tập đoàn: Hóa chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty thép Việt Nam củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo của các đơn vị mình; phân công, xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị, người đứng đầu trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thuộc đơn vị mình.

Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý kịp thời vướng mắc, kiến nghị của các dự án, doanh nghiệp, báo cáo Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Bộ Công Thương) để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Trước đó, vào giữa tháng 6 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Sau khi xem xét Tờ trình của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương trong thời gian qua. Đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương cần quán triệt các mục tiêu và quan điểm sau:

Về mục tiêu: Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.

Về quan điểm: Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán và báo cáo rà soát pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất đồng phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục; thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung.

Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp Nhà nước như thời gian qua.

Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc đề ra, đạt hiệu quả cao nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top