Tôi tếu táo trấn an: "Quê là quê thế nào! Cách trung tâm thương mại AEON sầm uất nức tiếng có vài bước chân mà dám bảo quê". Vợ tôi không nói gì nữa. Và đến bây giờ, cả hai vợ chồng tôi đều rất hài lòng về sự lựa chọn nơi dừng chân "an cư" của mình. Đúng là con ngõ ấy, những người hàng xóm thân thương ấy vẫn còn nhiều nét quê thật. Nhưng chính nhờ nét quê đó, đã giúp chúng tôi được tưới lên mình bằng nguồn nước mát, được thanh tẩy cả thể xác lẫn tâm hồn sau một ngày bon chen nơi bụi bặm, đông đúc, chật chội phố phường.
Sau khi đi xem nhà vài lần, cuối cùng vợ chồng tôi cũng thống nhất được giá cả với chủ nhà. Sau đó, mất hơn tháng thuê thợ sửa sang, hoàn thiện nữa, chúng tôi dọn về nhà mới. Cảm nhận được nét sinh hoạt kiểu tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau của cả ngõ, nên ngay ngày đầu "nhập trạch", vợ chồng tôi chủ động mua quà đến ra mắt, chào hỏi từng nhà lân cận. Thấy tôi nhẩm tính số quà lên tới con số hàng chục, ban đầu, vợ cũng khá xót của. Nhưng rồi, cả hai động viên nhau: "Thôi thì, mình là người nơi khác đến, lại xác định đây là nơi cư trú chính thức, có tốn kém chút nhưng để lấy được thiện cảm ngay từ đầu vẫn hơn".
Và, quả thực, những tính toán, xuýt xoa về vật chất kia đã lập tức biến mất khi chúng tôi đến chào hỏi nhà bác đầu tiên. Vừa vào đến sân, hai bác chủ nhà chưa kịp đợi chúng tôi chào đã đon đả cất tiếng trước. Lạ thay, hai bác còn biết cả tên của vợ chồng tôi, và còn nắm được cơ bản "lý lịch" trích ngang trích chéo của cả hai vợ chồng, từ quê quán, công việc, tuổi tác...Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, bác trai cười sằng sặc: "Cháu lạ à? Ở đây cũng như quê Hưng Yên nhà cháu thôi! Cậu chủ nhà cũ trước khi đi, cũng đến chào từng nhà và kể hết về chủ nhân mới với mọi người mà. Cháu có để ý cái dãy ghế đầu ngõ kia không? Mỗi ngày vài lần, từ bô lão đến nhi đồng của xóm ra đó ngồi chuyện trò, thăm hỏi, tán gẫu, hết chuyện trong nước, quốc tế đến chuyện của từng nhà. Có công dân mới đến là thông tin quan trọng, ai mà chẳng quan tâm, tìm hiểu". Thấy bác nói vậy, vợ tôi có vẻ lo lo, quay sang nhìn tôi. Đoán bắt được nỗi lo mơ hồ ấy, bác gái tiếp lời: "Cháu yên tâm. Ở đây hay chuyện, vui chuyện chứ không "nhiều chuyện", không tọc mạch đâu. Đặc biệt, không bao giờ có chuyện đơm đặt, thêm bớt, kiểu "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông". Tiếng là quê nhưng chỉ giữ những nét đẹp văn hóa của làng xóm, còn cũng văn minh, văn hóa lắm".
Buổi đầu ra mắt ngõ xóm, từ chập tối đến gần khuya mới xong. Nhà nào cũng pha trà, chuyện trò rôm rả. Lúc về, vợ tôi thủ thỉ: "Mọi người ở đây thân thiện, tâm lý thật chồng ạ! Biết em có bầu, mấy chị hỏi han, quan tâm, hướng dẫn tận tình lắm. Có chị còn bảo đợi mấy hôm nữa gà đẻ, chị mang cho chục trứng con so. Chẳng biết là thật hay đãi bôi, nhưng cảm giác thấy gần gũi, thoải mái lắm". Chỉ cần vài ngày sau, thắc mắc của vợ tôi đã có lời đáp. Một buổi tối, khi chuẩn bị ngồi vào bàn ăn thì có tiếng chuông bấm cửa. Vợ tôi nhanh chân lên tiếng và ra mở, lát sau thấy reo lên vì thích thú. Hóa ra, chị hàng xóm cách hôm trước hứa cho trứng gà con so, hôm nay xách lắc lư một túi nilon chục quả trứng còn ấm nóng sang thật. Vợ chồng tôi mời chị vào uống nước, nhưng thấy chủ nhà đang chuẩn bị ăn tối, chị ý tứ từ chối: "Thôi, các em ăn cơm đi, chị đang bận chút việc, hôm nào rảnh anh chị và các cháu sang chơi sau". Bữa tối hôm ấy, vợ chồng tôi cũng ăn ngon hơn thường lệ.
Về ở một thời gian rồi, tôi mới có dịp để ý nhiều hơn đến dãy ghế nơi đầu ngõ hôm trước bác trai hàng xóm giới thiệu. Đúng đó là nơi "trung tâm phát thanh, truyền hình" của cả ngõ thật. Bởi vì, nó không chỉ án ngữ ở vị trí đắc địa mà còn là nơi tụ tập thường xuyên của các cụ già và em nhỏ trong ngõ. Người lạ đến, mọi người đều biết rõ khách của nhà ai. Các trường hợp đi lạc, sẽ được phát hiện và cảnh báo kịp thời. Còn đối tượng xấu, cố tình giả vờ đi tìm nhà, hoặc đi lạc ngõ để tăm tia, trộm cắp chắc chắn sẽ bị phát hiện từ xa và bị "trấn áp" ngay bởi những câu hỏi: "Cháu đến nhà ai? Đây là ngõ cụt cháu ạ! Trong đó không có nhà trọ đâu". Gặp những lời "nhắc khéo" ấy, kẻ xấu dù lì lợm đến đâu cũng đành phải lặng lẽ quay đầu. Chính bởi vì "hàng rào an ninh" từ xa ấy mà từ khi về đây sinh sống đã 5 năm, tôi chưa thấy vụ mất trộm nào xảy ra. Xe máy, xe đạp, ô tô có thể để ngoài cả ngày mà yên tâm, không lo bị "bốc hơi" như nhiều nơi khác.
Một điểm ấn tượng khác của dãy ghế đầu ngõ nữa đó là sự mở lòng, gần gũi. Không phân biệt chủ khách, chẳng câu nệ cũ mới, cứ ra đó, ai cũng có thể giao lưu, trò chuyện, tếu táo, trêu đùa. Khi mới về ở được vài ngày, mẹ tôi ở quê lên chơi. Lúc hai vợ chồng đi làm, chúng tôi đều áy náy vì sợ một mình mẹ ở nhà cả ngày thì buồn chán, lại sớm đòi về. Chiều tối, không ai bảo ai, cả hai vợ chồng đều cố về sớm để mẹ đỡ mong ngóng. Ấy vậy mà, vừa về đến đầu ngõ, tôi đã giật mình khi nhìn thấy mẹ đang ngồi hòa cùng các "bô lão" trò chuyện thân tình như thể đó là "ngõ nhà mình".
Bữa cơm tối, mẹ gần như "độc diễn" cuộc chuyện khi kể cho tôi nghe về những cái tên mà mẹ vừa cập nhật, nét mặt lấp lánh niềm vui, như thể vừa được khám phá ra một cộng đồng mới. "Mẹ ở nhà chán quá, đành ra đầu ngõ chơi, cũng là để nghe ngóng, tìm hiểu tập quán sinh hoạt nơi đây. Vừa thấy mẹ, mọi người đã niềm nở chào hỏi. Ai cũng muốn bắt chuyện, rồi khen vợ chồng con hết lời. Ở đây có đi vắng mấy ngày cũng yên tâm, vì đã có hàng xóm để ý, trông coi giúp. Vợ chồng con phải sống hòa đồng, thân thiết với mọi người nhé, không đi đâu mà thiệt con ạ!".
Tôi hiểu ý nghĩa từ lời nhắc nhở của mẹ nên mỗi khi về quê lên, hoặc đi công tác xa, dài ngày, đều có chút quà để biếu hàng xóm, những nhà sát cạnh, thân thiết. Những ngày lễ, tết, trung thu, hai vợ chồng lại đến mừng tuổi người già, cho quà trẻ nhỏ, gọi là "của ít lòng nhiều". Tiếng là người dân "quê", nhưng mọi người trong xóm cũng tinh tế, văn minh lắm. Thấy vợ chồng tôi chu đáo, tình cảm, họ cũng đáp lại bằng những tấm chân tình, khi thì cho mớ rau vừa hái ngoài vườn, lúc thì túi trái cây chín tới, toàn là "hàng tươi sạch". Tôi hiểu, đó là sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau, chứ không phải kiểu "đáp lại cho phải phép" miễn cưỡng, khách sáo, nên đón nhận những tấm lòng ấy đầy vui vẻ, tự nhiên.
Từ khi sinh cháu thứ 2, dù có mẹ vợ sang ở cùng giúp đỡ, nhưng có lúc, bà vẫn không thể quán xuyến được. Nhiều hôm vợ chồng tôi về muộn, mẹ phải nhờ bác hàng xóm đi đón cháu giúp. Trước khi đi, mẹ chỉ cần gọi cho vợ tôi, để vợ tôi thông báo trước với cô giáo chủ nhiệm lớp. Được cái, bác hàng xóm cũng tốt bụng, dễ gần nên trẻ con cả xóm đều quý. Có những lúc, sân nhà ông chẳng khác khu vui chơi của trường mầm non. Hôm nào bận việc nhà, vợ chồng tôi còn để cháu chơi ở đó đến giờ tắm giặt, ăn uống mới sang đón về. Có lần, vợ tôi về muộn, lúc sang đã thấy bác đang ngồi tỉ mẩn bẻ từng mẩu bánh cho con gái ăn, gương mặt nhân từ, đôn hậu: "Đang chơi nó kêu đói, bác phải tìm mãi may quá còn hộp bánh. Con này háu đói lắm, đợi chút mà không có gì ăn là mặt tiu nghỉu ra ngay"...
Mấy lần, khi đi qua những khu đô thị hiện đại, sầm uất, vợ tôi thăm dò: "Sau này nếu có tiền, vợ chồng mình có nên chuyển ra đây ở không nhỉ?". Rồi, chưa kịp để tôi trả lời, vợ tôi lại tiếp: "Cũng chẳng biết sau này thế nào chồng nhỉ! Nhưng sống ở ngõ này, đang tình cảm, thoải mái, ấm cúng thế, có đến chỗ sang trọng, hiện đại hơn chắc gì đã vui bằng. Quê cũng có nét đẹp riêng, đáng yêu riêng của nó, chồng nhỉ?!?".
Tôi không nói gì, vì đầu đang còn mải nghĩ: Không biết, lát nữa về, có chuyện gì vui để góp với mọi người trong ngõ không đây?!?
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống. Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899 Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây. http://reatimes.vn/ngay-15-3-chinh-thuc-phat-dong-cuoc-thi-noi-toi-song-22486.html |