Đầu tư 240 tỷ đồng làm đường dân sinh...
Trước đó, Hội đồng Nhân dân huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) thông qua Nghị Quyết tán thành với tờ trình của UBND huyện về việc xin bố trí vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1, công trình hệ thống đường giao thông dân sinh kết hợp hỗ trợ phát triển cụm dự án Xuân Thiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 240 tỷ đồng; quy mô dự án gồm 2 tuyến đường. Tuyến số 1: Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh xã Kiên Thọ đi dự án Xuân Thiện tại xã Nguyệt Ấn có chiều dài 9,5km. Tuyến số 5: Xây dựng tuyến đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh xã Quang Trung đi dự án Xuân Thiện tại xã Ngọc Liên dài 7,7km.
Tổng chiều dài tuyến đường 17,2km. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa phận các xã Kiên Thọ, Ba Si, Nguyệt Ấn, Ngọc Liên, Quang Trung, phục vụ cho gần 30.000 nhân khẩu trên địa bàn huyện. Nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác của chủ đầu tư.
UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng, việc đầu tư dự án tại thời điểm này là cần thiết: “Hiện trạng tuyến đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh, xã Kiên Thọ đi dự án Xuân Thiện tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc đã xuống cấp gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, đi lại của nhân dân trong khu vực và vùng lân cận.
Để phục vụ hoạt động giao thông đi lại của nhân dân, đồng thời đảm bảo đầu tư hạ tầng giao thông đến chân hàng rào dự án Tập đoàn Xuân Thiện thì việc nâng cấp cải tạo tuyến đường giao thông này là rất cần thiết”, báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: “Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư thì việc đầu tư hệ thống giao thông dân sinh kết hợp hỗ trợ phát triển cụm dự án Xuân Thiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là cần thiết”.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa lưu ý rằng, việc sử dụng nguồn thuế của Tập đoàn Xuân Thiện nộp vào ngân sách huyện để thực hiện dự án hệ thống đường giao thông đầu tư phát triển kinh tế kết hợp dân sinh với cụm công nghiệp Xuân Thiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa là không phù hợp theo quy định tại Khoản 1, điều 7, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể)…
Có hiểu lầm?
Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng, không có chuyện đầu tư 240 tỷ đồng làm đường giao thông để phục vụ riêng cho doanh nghiệp. Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc nói rõ: “Theo chủ trương đầu tư, tuyến đường trên dài 17,2km sẽ chạy qua 5 xã, chủ yếu phục vụ mục đích dân sinh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, đoạn đường chạy qua cụm dự án Xuân Thiện có chiều dài chỉ hơn 1km. Do đó, chủ trương thực hiện dự án này nhằm mục đích xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện, không phải phục vụ riêng cho doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Sơn, theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh và huyện, chính quyền có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào dự án. Do vậy, việc cụm công nghiệp Xuân Thiện được hưởng lợi một phần từ dự án làm đường dân sinh cũng là điều bình thường.
“Muốn doanh nghiệp lớn bỏ tiền đầu tư, phải có cơ chế chính sách thu hút hỗ trợ hạ tầng đến tận chân tường rào để phục vụ doanh nghiệp. Tương tự vậy, muốn thực hiện tốt dự án thì phải có hạ tầng giao thông kết nối tương xứng. Khoản tiền đầu tư dự kiến bằng khoảng 1% so với tổng vốn đầu tư của dự án. Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư được hưởng lợi một phần từ dự án làm đường thì cũng là chuyện hết sức bình thường và phù hợp chủ trương chung trong việc thu hút đầu tư”, ông Sơn nói.
Về nội dung sử dụng nguồn thuế của Tập đoàn Xuân Thiện nộp vào ngân sách huyện để thực hiện dự án, ông Sơn cho rằng: "Thực chất nguồn vốn đầu tư dự án được lấy từ vốn ngân sách huyện (bao gồm cả nguồn thuế của Tập đoàn Xuân Thiện), không phải dùng riêng nguồn thu của Tập đoàn Xuân Thiện nộp ngân sách để chi vào mục đích làm đường phục vụ dự án.
Mặt khác, đây là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND huyện Ngọc Lặc theo quy định của Luật Đầu tư công và không bắt buộc phải có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc chỉ đạo UBND huyện Ngọc Lặc căn cứ dự kiến nguồn thu ngân sách huyện giai đoạn 2021 - 2025 và nhu cầu thực tế trình Hội đồng Nhân dân huyện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công là phù hợp với quy định”.
Ngày 21/12/2020, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Tập đoàn Xuân Thiện và UBND huyện Ngọc Lặc đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, Dự án khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1 có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ. Sau khi hoàn thành, hàng năm dự án tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lợn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt/năm; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu mua nông sản của bà con tại địa phương và vùng lân cận để làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi; qua đó giúp thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của bà con nông dân. Đưa huyện Ngọc Lặc thành huyện đi đầu của cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời nâng cao chỉ số thu hút đầu tư của Thanh Hóa.
Để sản xuất bền vững, phòng tránh, kiểm soát tốt được dịch bệnh; DA được lựa chọn vị trí tại các thung lũng, cách ly tự nhiên bằng các dãy núi, đồi; nơi vị trí đất có hiệu quả sử dụng thấp, chưa có đường giao thông tiếp cận. Đặc biệt, chuỗi dự án sử dụng công nghệ cao 4.0 của Châu Âu và công nghệ sinh học được áp dụng trong tất cả các dự án của khu liên hợp. Với công nghệ này, chuỗi dự án sẽ tận dụng được các phụ phẩm của tiểu dự án này làm nguyên liệu đầu vào cho tiểu dự án khác, chính vì vậy dự án vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường.
Đây được coi là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất cả nước được đầu tư vào Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại.
Được biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá có 65 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 6.400 tỷ đồng. UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng, trong thu hút đầu tư nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế càng phát triển thì yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lại càng cao...