Aa

Thạch Thất (Hà Nội): Chính quyền buông lỏng quản lý, vi phạm không xử lý còn “phình to“?

Chủ Nhật, 28/11/2021 - 15:02

Hàng loạt vi phạm kéo dài xảy ra tại nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất, thế nhưng chính quyền địa phương dường như chưa thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng đất.

Hàng loạt vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm

Thời gian qua, câu chuyện buông lỏng quản lý sử dụng đất đai, xây dựng ở huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội) vẫn nóng hơn lúc nào hết. Hàng loạt những vi phạm đã được phát hiện, kiểm tra và bị yêu cầu xử lý dứt điểm nhưng vi phạm vẫn tồn tại, thậm chí còn "phình to" hơn. Không hiểu chính quyền huyện Thạch Thất và một số xã có nắm được những bức xúc, tố cáo của người dân để xử lý dứt điểm những vi phạm về đất đai, xây dựng hay không? Và có hay không sự bao che, nhắm mắt làm ngơ để "con voi chui lọt lỗ kim" suốt một thời gian dài? 

Đơn cử, câu chuyện bức xúc của gần 100 hộ dân tại cụm dân cư Hòa Thuận và vùng phụ cận thuộc thôn Quảng Phúc (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) tố việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Thọ, vị trí tại thửa đất 31, tờ bản đồ 01, thôn Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Hữu Thọ do ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (nay là Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất) ký cấp ngày 8/12/2016.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cho hộ ông Kiều Cao Cường và bà Hoàng Thị Lan Anh (tại thôn Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội). Chủ sử dụng đất đã cho xây dựng và đổ bê tông cốt thép ra giữa lòng sông Cò, làm biến dạng dòng chảy gây tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt cho cả vùng. Về việc này, trước đó, UBND huyện Ba Vì đã có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong lòng sông của gia đình ông Kiều Cao Cường. Tuy nhiên, người dân phản ánh, thực tế là việc xử lý của chính quyền huyện Thạch Thất chưa quyết liệt và khắc phục trả nguyên trạng ban đầu của lòng sông Cò.

Tuy nhiên, người dân phản ánh, thực tế là việc xử lý của chính quyền huyện Thạch Thất chưa quyết liệt và khắc phục trả nguyên trạng ban đầu của lòng sông Cò.
Người dân cho rằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân, nhưng ranh giới giữa lòng sông Cò?

Một vi phạm khác về công tác quản lý sử dụng đất ở huyện Thạch Thất phải nhắc đến đó là dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nội bộ đất nông nghiệp từ đất trồng lúa trong vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây trên bờ, trồng nấm và rau” tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất.

Hiện trạng thời gian qua đã được chủ đầu tư ngang nhiên cho xây dựng nhiều hạng mục không nằm trong quy hoạch và biến dự án thành khu sinh thái hoành tráng. Đáng chú ý, nhiều hạng mục tại dự án được xây dựng sai so với quy hoạch được phê duyệt nhưng chính quyền xã Đồng Trúc và cơ quan chức năng huyện Thạch Thất dường như “bất lực” vì không có phương án xử lý dứt điểm.  

Những ngày qua, người dân cũng phản ánh về việc lãnh đạo UBND xã Phú Kim (huyện Thạch Thất, Hà Nội) qua các thời kỳ đã buông lỏng quản lý, khiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, “hô biến” thành khu bể bơi và các hạng mục phụ trợ hoành tráng nhưng không hề bị kiểm tra và xử lý dứt điểm.

Được biết, khu đất nói trên thuộc về hộ ông Cấn Văn Thận (thôn Lai Thúy, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ cấy lúa sang mô hình Cá - Trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Tổng diện tích đất nông nghiệp xin chuyển đổi là 20.206m2.

Bể bơi Phú Kim Thạch Thất sai phạm, vi phạm
Sai phạm tại khu đất rộng 20.206m2 của hộ ông Cấn Văn Thận (thôn Lai Thúy, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhiều năm qua chưa được xử lý triệt để.

Ông Cấn Văn Thận sau đó thành lập Công ty TNHH Thương mại & Thể thao Phú Kim rồi liên danh với Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam xây dựng một tổ hợp Khu bể bơi, dạy bơi và các hạng mục phụ trợ ngay trên phần diện tích 20.206m2 đó. Điều đáng nói ở chỗ, phần đất này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng và việc xây dựng cụm công trình trên hoàn toàn không được cấp phép từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Về sai phạm này, Thanh tra TP. Hà Nội cũng đã ban hành kết luận thanh tra và văn bản đôn đốc xử lý, khắc phục vi phạm nhưng chính quyền địa phương dường như "nhắm mắt làm ngơ" và rất bị động trong công tác xử lý. Sau thời điểm thanh tra, vi phạm phình to hơn với nhiều hạng mục sân bóng đá mini được xây dựng và đưa vào kinh doanh.

Còn tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý đất đai cũng tồn tại nhiều năm qua như trường hợp ông Chu Văn Ân đã xây dựng nhiều công trình vi phạm "hoành tráng" lên đến hàng nghìn mét vuông. Đáng nói là dù hành vi vi phạm đã bị lập biên bản và quyết định xử phạt, nhưng ông Ân không chấp hành. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân đã không áp dụng biện pháp buộc thực hiện khắc phục hậu quả do vi phạm đất đai.

Tại khu vực thung lũng Ngọc Linh, theo ghi nhận, tình trạng san gạt, tạo mặt bằng, xây dựng công trình nhà ở bề thế đang diễn ra rầm rộ và được giới đầu tư bất động sản ví như "Đà Lạt" thu nhỏ giữa lòng Hà Nội. Giá đất tại đây cũng tăng chóng mặt và tỷ lệ thuận với tốc độ xây dựng tại khu vực này.

Vi phạm đất đai tại xã Tiến Xuân
Giới đầu tư bất động sản ví khu Thung Lũng Ngọc Linh như "Đà Lạt" thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.

Chính quyền "mơ hồ" trong công tác quản lý đất đai 

Thời gian qua, nhiều ý kiến người dân phản ánh về việc hoạt động của hệ thống nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc trên địa bàn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Khu vực này được chủ nhà hàng san lấp mặt bằng rộng hàng nghìn mét vuông và xây dựng nhiều hạng mục công trình kiên cố. Người dân địa phương cho biết, hàng ngày nhà hàng tiếp đón hàng trăm lượt khách. 

"Thế là kín đặc hết cả. Một ngày chúng tôi tiếp trung bình 1.200 - 1.300 lượt khách, không thể nào chống đỡ được. Lúc đầu tôi tính khoảng 3 - 5m sẽ bố trí 1 mâm, nhưng sau đông quá không đủ chỗ, khách lại phải ngồi liền nhau”, chủ cửa hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc từng chia sẻ với giới truyền thông. Nếu đúng như vậy, hàng năm nhà hàng trên sẽ có doanh thu rất "khủng". Câu hỏi dư luận đặt ra, việc hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận của nhà hàng lớn như vậy, thì liệu chủ nhà hàng có đóng thuế vào ngân sách Nhà nước hay không?

Lẩu cua đồng vi phạm sai phạm
Nhà hàng Lẩu cua đồng xây dựng nhiều hạng mục công trình kiên cố.

Theo phản ánh, khu vực nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc được xây dựng vượt diện tích đất ở, san lấp mặt bằng, hoạt động kinh doanh trên cả phần đất nông nghiệp và quy hoạch đường giao thông? "Khu vực này trước đây có nhiều đất ruộng, sau đó được san lấp cũng được hơn chục năm rồi", nam bảo vệ tại nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc cho biết.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Thạch Hòa cho biết, chủ cửa hàng cũng như là người quản lý sử dụng đất là ông Ngô Văn Ký và phần diện tích đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khu đất trên có nguồn gốc được giao theo Quyết định 20 (gồm khoảng 50 hộ) của UBND tỉnh Hà Tây vào năm 1994, giao cho người dân đi xây dựng vùng kinh tế nội địa. Sau đó, ông Ngô Văn Ký đã nhận chuyển nhượng của 3 hộ dân (mỗi hộ có 400m2 đất ở) và sử dụng đến nay. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, hiện nay diện tích đất ông Ký đang quản lý, sử dụng chưa được đo đạc hiện trạng sử dụng đất và không rõ ông này sử dụng bao nhiêu mét vuông đất?

Trước phản ánh nhà hàng xây dựng trên phần diện tích đất nông nghiệp, đất quy hoạch giao thông, đại diện UBND xã Thạch Hòa phủ nhận và cho biết "phần diện tích xây dựng trùng diện tích đất ở (khoảng 1.200 mét vuông)? Trong khi, chính quyền xã cũng chưa hề kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng các công trình xây dựng.

Lẩu cua đồng Hòa Lạc vi phạm
Không hiểu công tác quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng trên địa bàn nhất là nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc được quản lý ra sao?

Đại diện UBND xã cũng cho hay, việc hoạt động kinh doanh của nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc chỉ đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Tuy nhiên, về hồ sơ có đủ điều kiện kinh doanh như vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo phòng cháy chữa cháy... nhưng các văn bản giao đất cho các hộ dân đến nay đơn vị này chưa thể cung cấp theo yêu cầu của phóng viên. 

Công tác quản lý hồ sơ tài liệu về việc giao đất của nhiều gia đình, cá nhân khác của chính quyền xã Thạch Hòa cũng rơi vào tình trạng "mơ hồ" như trên. Có thể kể đến công trình vi phạm nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm là Nhà hàng 5 Cửa Ô, tại thôn 6, xã Thạch Hòa. Dù chính quyền xã cho rằng, người dân được Nông trường Quân đội 1A (cũ) giao đất trong đó có 1.200m2 đất ở và 13.800m2 đất trồng cây, nhưng xã không hề có hồ sơ tài liệu để quản lý.

Chính quyền dù đã lập biên bản vi phạm và ban hành các quyết định xử phạt yêu cầu ông Nguyễn Tuấn Nghĩa (chủ Nhà hàng 5 Cửa Ô) tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên ông Nghĩa không tự tháo dỡ. Đáng nhẽ, trước sự "nhờn luật" ấy, chính quyền cần quyết liệt xử lý thì Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Thá đã không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm đất đai dẫn tới công trình xây dựng trên đất nông nghiệp không được xử lý dứt điểm. 

Vậy công tác quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng trên địa bàn được quản lý ra sao, đặc biệt là khu vực nhà hàng Lẩu cua đồng Hòa Lạc hay Nhà hàng 5 Cửa Ô từ nhiều năm qua? Được biết, thời điểm trước đây ông Nguyễn Văn Thá là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa và hiện nay giữ chức vụ Bí thư xã.

Trước hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng tại huyện Thạch Thất, không biết các vị lãnh đạo Chủ tịch UBND Xã, Đội Thanh tra xây dựng huyện Thạch Thất (sau này là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện); Phòng Tài nguyên và Môi trường và cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đã làm hết trách nhiệm hay chưa?

Sau nhiều lần liên hệ nhưng các bộ phận chuyên môn, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất "né tránh" trả lời, cho dù ông Nguyễn Mạnh Hồng (thời điểm là Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất) cũng là người từng ký Quyết định thu hồi 19.800m2 đất công ích của UBND xã Dị Nậu được giao cho một đơn vị làm dự án không đúng thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt vi phạm trong công tác đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện. Những nội dung này sẽ được phân tích chi tiết ở những bài tiếp theo.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Thanh tra TP. Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ các vấn đề phản ánh nêu trên.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top