UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư; nâng cao quản lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; đảm bảo việc thực hiện dự án đầu tư đúng quy định của pháp luật, đúng dự án, quy hoạch được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị được TP. Hà Nội giao chủ trì triển khai Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 37/215 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm để kết luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để các vi phạm.
Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì, tiếp tục vi phạm thì thành phố kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
Thành phố tiếp tục tăng cường, thiết lập kỷ cương trong quản lý dự án đầu tư; quản lý, sử dụng đất đai; chủ động rà soát, kiểm tra, lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, nổi cộm, cố tình chây ì, tiếp tục vi phạm và hạn chế để phát sinh các trường hợp vi phạm mới tại từng địa phương.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đầu tư, đất đai; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định pháp luật đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng của các tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đáng chú ý, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê, xác định các chủ đầu tư đã khắc phục xong các vi phạm, đã thực hiện dự án và xây dựng công trình đề đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. Các dự án còn vi phạm cần có biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm, triệt để, không để phát sinh các vi phạm mới đồng thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và đề xuất xử lý nghiêm các dự án chưa khắc phục vi phạm hoặc vẫn tiếp tục vi phạm đối với 21 dự án mà đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã giám sát trực tiếp; 246/379 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, 25 dự án chậm triển khai khác phát sinh.
Sở tiến hành kiểm tra đối với 4 dự án theo kiến nghị của Đoàn tái giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo, đề xuất UBND thành phố giải quyết, xử lý theo quy định.
Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội khẩn trương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành thu hồi đất trên thực địa đối với 18/38 dự án đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất để giao Trung tâm quản lý, đề xuất phương án sử dụng phù hợp quy hoạch, hoặc, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất giao UBND các quận, huyện, thị xã quản lý, đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định.
Đối với việc quản lý trật tự xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý nghiêm các chủ đầu tư thực hiện xây dựng không đúng giấy phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất thành phố các biện pháp xử lý cụ thể đối với các dự án nhà ở, khu đô thị cụ thể đã chấp thuận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng chưa được nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất hoặc chưa đưa đất vào sử dụng; trong đó có 16/20 dự án đang triển khai song chậm tiến độ theo kế hoạch phê duyệt.
Thành phố cũng chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội khẩn trương đôn đốc thu nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 38/90 dự án chưa hoàn thành; đề xuất biện pháp xử lý mạnh, dứt điểm đối với những dự án nợ đọng kéo dài, dự án nợ với số tiền lớn nhằm đảm bảo công tác quản lý thu theo đúng quy định của pháp luật./.