14 năm chờ mua biệt thự... ảo?
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh được phê duyệt tại Quyết định 8333/QĐ-UB ngày 3-12-2002 của UBND TP Hà Nội. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 4 năm (từ năm 2002 đến năm 2006).
Năm 2003, vợ chồng ông, bà Phạm Văn Uông, Lê Thị Kim Ngân, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) quyết định bán nhà đang ở để mua căn biệt thự số 15 - BT4, diện tích 224m2 tại Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh với số tiền trên 2 tỷ đồng. Những tưởng sau khi hoàn thiện thủ tục, nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư sẽ thi công nhà và bàn giao đúng cam kết.
Nhưng đến nay, khu đất được quy hoạch để xây dựng biệt thự mà gia đình ông Uông mua vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Ông Uông cho biết, đã nhiều lần làm đơn, đề nghị chủ đầu tư làm rõ lý do chậm bàn giao nhà. Trong các văn bản phúc đáp năm 2006, 2009…, chủ đầu tư đều hứa sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây nhà và bàn giao cho người mua, nhưng bao nhiêu lần hứa là bấy nhiêu lần thất hứa.
Không chỉ gia đình ông Uông, nhiều hộ mua biệt thự tại dãy BT4, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, gồm bà Phạm Thị Phượng căn số 08, Đoàn Thị Minh Tâm căn số 06, ông Nguyễn Văn Đức căn số 07B, bà Đặng Thanh Vân căn số 07A… cũng rất bức xúc vì đã chi hàng tỷ đồng từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhà đâu.
Ông Nguyễn Văn Đức bức xúc, hợp đồng mua bán nhà ghi rõ thời gian khởi công dự kiến quý III-2003; trong vòng 5 tháng kể từ ngày khởi công nhà, bên bán phải xây thô xong để bàn giao cho bên mua… Vậy mà đã 14 năm thu tiền của dân, bên bán vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Xem chi tiết tại đây.
Chủ đầu tư Hồng Hà Office Tower bị tố chiếm đoạt hàng tỷ đồng của khách hàng
Đơn tố cáo của các ông Nguyễn Bá Quyền, Trịnh Bích Hiền và bà Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, từ năm 2011, 3 cá nhân này đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Văn phòng. Mục đích là để được thuê căn hộ trong thời gian 50 năm tại dự án Hồng Hà Office Tower tại 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tổng giá trị 3 hợp đồng là 306.858 USD. Trong đó, hợp đồng của ông Nguyễn Bá Quyền là 186.258 USD, hợp đồng của bà Nguyễn Thị Thu Phương là 204.573 USD và hợp đồng của ông Trịnh Bích Hiền là 191.292 USD.
Ông Nguyễn Bá Quyền sau đó đã thực góp 93.129 USD (tương đương 1,94 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Thu Phương thực góp 102.286 USD (tương đương 2,14 tỷ đồng) còn ông Trịnh Bích Hiền đã thực góp 95.645 USD (tương đương 1,99 tỷ đồng).
Tổng số tiền 3 cá nhân đã đóng cho ông Lê Quang Vinh – chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Văn phòng - là 291.060 USD (tương đương 6,08 tỷ đồng).
Theo quy định tại Điều 4 của 3 hợp đồng đã ký kết, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Văn phòng chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư và xây dựng tòa nhà của dự án theo đúng thiết kế, đảm bảo hoàn thành các thủ phục pháp lý cần thiết và khởi công xây dựng tòa nhà trong thời hạn quý IV/2011.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Văn phòng vẫn chưa thực hiện theo đúng điều khoản của hợp đồng, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công xây dựng công trình.
6 tỷ đồng vốn góp của ông Quyền, ông Hiền và bà Phương đã được sử dụng vào việc gì, chủ đầu tư không trả lời được.
Xem chi tiết tại đây.
Cuộc chiến “đất vàng”: Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội
Di dời trụ sở bộ, ngành trên "đất vàng" được các chuyên gia đánh giá là một chủ trương tốt, là mục tiêu rất chính xác khi đạt được hai mục đích.
Thứ nhất là giãn dần dân số nội đô ra ngoại ô. Thực tế hiện nay, mật độ dân số nội đô đăng tăng lên rất nhanh. Hai là, các bộ, ngành khi được di dời thì cơ sở vật chất sẽ đàng hoàng hơn, đúng tầm cỡ của một quốc gia 100 triệu dân.
Nếu như đất của các bộ, ngành di rời bàn giao lại được đem ra đấu giá sẽ là một hình thức xã hội hóa nguồn vốn rất tốt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các trụ sở này đều nằm ở vị trí vàng, nếu đem đấu giá công khai thì khả năng các doanh nghiệp đầu tư mua và xây dựng các tòa cao ốc là điều có thể xảy ra. Và nếu các tòa cao tầng hay trung tâm thương mại được xây dựng thì áp lực giao thông, ùn tắc, áp lực hạ tầng, ngập lụt là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ với Reatimes, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đúng là chủ trương di dời thì không có gì để bàn, mà thực tế đã được đề cập từ năm 1998 và đến nay, một số bộ, ngành đã thực hiện. Nhưng quá trình thực hiện thì còn vướng khá nhiều chuyện mà vấn đề đáng lưu tâm là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào?
Xem chi tiết tại đây.
Làn sóng M&A bất động sản và câu chuyện của những cơ hội: Kỳ 5: Đi tìm ẩn số cuối năm
Xoay quanh bức tranh M&A dự án bất động sản trong 9 tháng năm 2017, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tư vấn, thẩm định giá CBRE Việt Nam nhận định, các thương vụ mua bán và sáp nhập tiếp tục diễn ra sôi động trên thị trường bất động sản. Số lượng các giao dịch tăng khi chỉ trong 9 tháng đầu nằm, con số này đã vượt số lượng giao dịch cả năm 2016.
Tuy nhiên, xét về giá trị của các thương vụ đầu tư, chuyển nhượng trong năm nay, theo bà An không cao bằng mức đỉnh năm 2016 khi tổng giá trị 9 tháng đầu năm 2017 mới chỉ bằng 47% giá trị giao dịch năm 2016 (số liệu theo RCA.).
Tài sản giao dịch đa dạng, tập trung chủ yếu ở các bất động sản thương mại như khách sạn, văn phòng, khu công nghiệp, bán lẻ chiếm 57% tổng giá trị giao dịch, theo sau là các dự án phức hợp (30%) và nhà ở (13%).
Theo đại diện CBRE Việt Nam, M&A bất động sản thời gian qua trở thành xu hướng phổ biến, một phần là do thị trường khởi sắc, thanh khoản tăng và nhu cầu nội tại khả quan. Ngoài ra, khi thị trường phát triển và xuất hiện nhiều tài sản bất động sản hơn trước đây, nhà đầu tư, do đó cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.
“Các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính tốt, nắm bắt được xu hướng này đã đẩy mạnh đầu tư và tìm kiếm các tài sản tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, quỹ đất phát triển dự án đang trở nên hạn chế hơn. Việc mua lại các dự án có quỹ đất sạch, đầy đủ hồ sơ pháp lý, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu được các chi phí và rủi ro trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển dự án, đồng thời cũng thúc đẩy dự án đi vào hoạt động một cách nhanh và hiệu quả hơn”, bà An cho biết.
Xem chi tiết tại đây.
4 cú hích cho thị trường bất động sản Sài Gòn cuối năm
TP.HCM đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng một phần ba quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị, xây dựng đô thị thông minh. Đây là cơ sở và động lực để phát triển thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.
Việt Nam có dân số hơn 93 triệu người đang ở giai đoạn dân số vàng. Trong đó, có gần 60% có độ tuổi dưới 35, có đến khoảng 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% dân số (cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới là 46,64%). Với nền tảng dân số này và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, đô thị quy mô lớn điển hình như TP HCM đang mở ra khả năng kinh doanh bất động sản đa dạng. Xu thế hiện nay là tận dụng lợi thế công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số để làm nền tảng phục vụ cho sự phát triển của bất động sản.
Tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, riêng đối với TP HCM, dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người sẽ đạt 5.000 USD vào năm 2020. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ, góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, và phát triển thị trường bất động sản tại đô thị trên 10 triệu dân này.
Xem chi tiết tại đây.
HSBC: Dầu thô thất thế, du lịch lên ngôi tại Việt Nam
Giai đoạn 2000 - 2010, xuất khẩu dầu thô là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, cùng với các ngành hàng dệt may, giày dép và nông nghiệp. Nhưng vài năm trở lại đây, đóng góp của công nghiệp dầu khí vào GDP Việt Nam đã giảm rõ rệt, trong bối cảnh giá dầu thế giới cũng sa sút mạnh.
May mắn là "đóng một cánh cửa này sẽ mở ra một cánh cửa khác", HSBC nhận định. Việt Nam đang chuyển hướng tìm kiếm những kênh tăng trưởng mới, trong đó, lĩnh vực du lịch với sự phát triển liên tục đã góp phần giúp Việt Nam có nhiều nguồn lực tăng trưởng đa dạng hơn.
Tại cuộc họp bên lề Quốc hội vào cuối tháng trước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, du lịch và những ngành dịch vụ liên quan có thể bù đắp cho sự sụt giảm của dầu thô trong tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, Chính phủ gần đây đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch. Chẳng hạn, năm 2016, Việt Nam bắt đầu áp dụng chương trình miễn thị thực đến năm 2018 cho 5 quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh), cũng như tiếp tục áp dụng quy trình cấp visa đơn giản cho công dân Trung Quốc từ đầu năm nay.
Điều này đã giúp thu hút lượng lớn du khách từ châu Âu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, khi tăng 21% so với năm trước. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng và vượt qua con số 9 triệu du khách vào năm 2018.
Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Xem chi tiết tại đây.