Ngân hàng HSBC vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng tổng thể Khảo sát chuyên gia nước ngoài về nơi sống và làm việc tốt nhất năm 2019 của HSBC Expat.
Theo đó, lần đầu tiên Thụy Sỹ đã vượt lên nắm giữ vị trí số một từ vị trí thứ tám vào năm ngoái. Việt Nam cũng đang thể hiện những thế mạnh của mình khi chuyển từ vị trí thứ 19 trong Bảng xếp hạng năm ngoái lên vị trí thứ 10 trong năm nay.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao sự nhiệt tình đón tiếp của người dân Việt Nam với 58% người được khảo sát cho rằng họ cảm thấy thân thuộc như ở quê nhà chỉ sau vài tháng chuyển đến.
Đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, Việt Nam cũng là quốc gia thứ tư được các chuyên gia nước ngoài dày dạn kinh nghiệm làm nơi sinh sống và làm việc, với 73% những người được khảo sát cho biết họ đã sinh sống ở nước ngoài ít nhất một lần, cao hơn mức trung bình toàn cầu 56%.
Khi mới chuyển đến, 40% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam dự định ở lại dài hơn năm năm nhưng con số này đã tăng lên 60% sau khi họ cảm nhận được những điều mà cuộc sống tại Việt Nam đem lại. Tổng cộng có 57% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam đồng ý chất lượng cuộc sống của họ tại Việt Nam tốt hơn so với nước họ.
Ba lý do hàng đầu tại sao người nước ngoài chuyển đến Việt Nam bao gồm: thăng tiến nghề nghiệp (34%); tìm kiếm thử thách mới (29%), và cải thiện chất lượng cuộc sống (26%). Với tất cả những nguyện vọng này, 39% chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến giúp họ đạt được những tiềm năng của bản thân so với quê nhà. Chỉ số này cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 34%.
Ngoài ra, nhiều người đến Việt Nam có thể học được nhiều kỹ năng mới tại sở làm (59%); được thăng tiến nhanh hơn do chuyển sang nước ngoài làm việc (30%); chuyển sang làm việc ở một lĩnh vực mới (28%) và ngay cả là phát triển kinh doanh mới (26%).
Tuy nhiên, Việt Nam lại nhận được các phản hồi không mấy thuận lợi trong các chỉ số phụ về Chất lượng cuộc sống (đứng thứ 12) và Chăm sóc con cái (đứng thứ 26). Chỉ có 57% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam so với mức trung bình toàn cầu 67% đồng ý rằng họ tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn tại Việt Nam so với quê nhà, bao gồm mọi thứ từ y tế đến văn hóa.
Ngoài ra, chỉ có 28% chuyên gia nước ngoài có con nhỏ đồng ý rằng chất lượng giáo dục mà con cái họ nhận được tại Việt Nam tốt hơn so với quê nhà trong khi mức trung bình toàn cầu là 36%.