Tại báo cáo phân tích thị trường chứng khoán tháng 12, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2021. Theo đó, dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn và vùng 1.500 - 1.550 điểm được xem là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong tháng 12. Biến chủng mới Omicron và đà tăng trưởng nóng của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ được xem là những rủi ro ngắn hạn của thị trường.
Quan sát tổng quan các yếu tố kinh tế vĩ mô tháng 11 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì đà hồi phục tốt từ tháng 10. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng hồi phục mạnh với tổng mức bán lẻ tháng 11 ước đạt 397 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tốc độ giải ngân vốn FDI trong tháng 11 tăng mạnh 39,3% so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng 11,6%. Điểm tích cực hơn nữa, tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp duy trì tình trạng xuất siêu, điều này đã giúp cho lũy kế 11 tháng năm 2021 xuất siêu hơn 0,22 tỷ USD.
Yếu tố lạm phát là điều được quan tâm nhất trong thời điểm hiện nay, với số liệu CPI tháng 11 tăng 2,1% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% được đánh giá là không đáng lo ngại.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu YSVN cho rằng, áp lực gia tăng lạm phát có phần giảm trong thời gian tới và lạm phát cả năm sẽ nằm trong giới hạn 4% của Chính phủ. YSVN cũng tin rằng, các yếu tố trên thị trường tiền tệ như lãi suất và tỷ giá sẽ tiếp tục được duy trì ổn định như hiện nay. Mặc dù rào cản thiếu nhân công cũng như chi phí đầu vào cao vẫn tiếp diễn, nhưng lĩnh vực sản xuất đã hồi phục rất tốt trong tháng 11 vừa qua như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công dù chưa bằng cùng kỳ năm trước, nhưng với việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh đầu tư công, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tăng 14,7% so với tháng trước là một tín hiệu tích cực ở thời điểm cuối năm.
Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron và mức độ ảnh hưởng của chủng này chưa được xác định cụ thể, sẽ là yếu tố cần theo dõi thêm trong thời gian tới và nếu nguy hiểm có thể gây tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong năm sau. "Trong tháng 12, chúng tôi cho rằng các chỉ số kinh tế sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục như 2 tháng vừa qua và động lực vẫn đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư công", báo cáo nêu.
Về thị trường chứng khoán, VN-Index và VN30 có mức tăng trưởng thấp trong tháng 11, trong khi đó, nhóm ngân hàng quay lại đà tăng. Điều lo lắng của thị trường và nhiều nhà đầu tư là khối ngoại bất ngờ gia tăng bán ròng lên 8.908 tỷ đồng trong tháng 11, dẫn đến tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Tuy nhiên, như đã nói, các yếu tố vĩ mô hồi phục trong tháng 11 cho thấy hiệu quả tích cực của nền kinh tế kể từ khi mở cửa trở lại và thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”. Giá hàng hóa bước vào chu kỳ giảm ngắn hạn có thể giúp mức lạm phát hạ nhiệt trong tháng 12, cho nên rủi ro lãi suất cũng giảm dần. Các gói kích cầu cùng với việc đẩy mạnh đầu tư sẽ là động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn.
Đặc biệt khi mức P/E TTM của chỉ số VN-Index là 17,5x (chốt ngày 30/11/2021) - đây là mức định giá còn khá hấp dẫn so với khu vực và thấp hơn 5% so với mức cận trên của mức trung bình 15 năm qua là 18,3x. "Do đó, dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn và vùng 1.500 - 1.550 điểm được xem là vùng kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index trong tháng 12/2021", báo cáo nhấn mạnh.
Hai kịch bản thị trường trong tháng 12 đã được nhóm nghiên cứu đưa ra. Ở kịch bản 1, dòng tiền sẽ hướng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chỉ số VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong vùng 1.500 - 1.550 điểm (xác suất 70%). Rủi ro ở kịch bản này là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng dần cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua vào ở hai nhóm cổ phiếu này. Đồng thời, thị trường sẽ còn tình trạng phân hóa và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và có thể cơ cấu danh mục theo hướng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ và tăng dần tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ở kịch bản 2, chỉ số VN-Index có thể giảm về vùng 1.363 - 1.380 điểm (xác suất 30%). Rủi ro ở đây là dịch bệnh gia tăng khi xuất hiện biến chủng mới. Đồng thời, rủi ro từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, rủi ro margin có thể sẽ là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp lên nhóm cổ phiếu “nóng” và tác động gián tiếp lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. "Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rủi ro này thấp khi dư địa tăng trưởng margin còn nhiều", báo cáo cho hay./.