Thông tin mới đây từ Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 1/2017, trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD, thì vốn vào lĩnh vực BĐS đạt 297,4 triệu USD. Số vốn này chiếm 20,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam tháng đầu năm nay.
Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì nhiều tiềm năng sinh lời. Mặt khác, nhận định của giới chuyên gia cũng cho rằng những nhà đầu tư ngoại khá nhanh nhạy với thị trường Việt Nam.
Bên cạnh việc đầu tư vào phân khúc cao cấp và hạng sang như trước đây, các “đại gia” ngoại còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và NƠXH nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Đánh giá về xu hướng này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi cho rằng đây là một xu hướng tốt vì lợi thế của phân khúc này là bán hết ngay, chưa mở bán đã có người mua, thậm chí chỉ cần chất lượng tốt hơn, người về ở không phải sửa chữa gì thì đảm bảo dự án nào cũng bán hết ngay lập tức. Nếu nhà đầu tư nước ngoài chế ngự được phân khúc nhà ở giá rẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi.
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, hiện nay nhu cầu nhà ở bình dân tại Việt Nam chiếm đến 80%, còn nhu cầu ở phân khúc cao cấp chỉ chiếm 20%. Tôi cũng đã trao đổi với một số chuyên gia Singapore, họ cho rằng nếu đầu tư nhà ở tại Việt Nam, họ sẽ thiên về phân khúc nhà giá rẻ hoặc trung bình chứ không làm nhà giá cao”.
GS. Đặng Hùng Võ cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài “nhắm” vào phân khúc giá rẻ vì cho rằng lợi nhuận sẽ cao hơn. Ở Việt Nam, các căn hộ có giá từ 1 – 1,2 tỷ được cho là nhà thương mại giá rẻ, được ưu đãi về tín dụng nhưng ở nước ngoài, giá đó không phải là rẻ và họ có thể làm được khi đã cân đối lợi nhuận. Trong bài toán đầu tư, các “đại gia” ngoại cũng không nhất thiết cứ phải đầu tư chỉ ở Việt Nam mà còn có thể đầu tư ở những nước khác như Lào, Campuchia, Myanmar… Họ phải lựa chọn trên bàn cân của kinh tế thế giới.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung nhà xã hội ở Hà Nội hiện mới đáp ứng được khoảng 60% - 70% tổng nhu cầu của người mua. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở này trên cả nước khoảng 200.000 căn, riêng tại Hà Nội cần tới khoảng 30.000 căn.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định: “Hiện nay có một số chủ đầu tư lớn cũng bắt đầu tìm hiểu về phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, đây là một thị trường quá lớn. Trong năm 2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam có làm việc với Đại sứ quán Iran thì thấy, đất nước này có những tập đoàn lớn mong muốn đầu tư vào phân khúc nhà ở giá thấp. Do đó, tôi cho rằng năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng để ý đến thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp.
Và tôi tin, nếu các nhà đầu tư nước ngoài làm việc chuyên nghiệp hơn, quản lý tốt hơn, công nghệ tốt hơn thì sản phẩm của họ cũng sẽ rẻ hơn so với thời điểm hiện nay. Đây là một xu hướng tốt, người tiêu dùng có cơ hội mua nhà đặc biệt là cán bộ công nhân viên làm việc tại các KCN”, ông Quang nhận định.