Hầu hết các lo ngại đã phản ánh vào giá cổ phiếu
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2020, trong đó lĩnh vực sản xuất tăng 10%; xuất khẩu tăng 8,5% và tiêu dùng trong nước tăng 8,5%. Lạm phát có thể cao hơn do giá thịt lợn tăng nhưng sẽ vẫn ở mức dưới 3,2%, tạo dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2020.
CTCK VnDirect (VNDS) cho rằng áp lực giảm giá lên tiền đồng là không đáng kể nhờ thặng dư thương mại và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Nhóm doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế, lĩnh vực sản xuất ở khu vực tư nhân đang cất cánh với nhiều dự án lớn đang được triển khai.
TTCK năm 2019 nhìn chung diễn biến không đồng pha với kinh tế vĩ mô. Hai áp lực chính lên TTCK năm qua bao gồm: tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thấp hơn dự báo và sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lợi suất cao đã phần nào thu hút dòng tiền.
Năm 2020, ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 18%, cao hơn so với con số 13,7% của 2019. VNDS cho rằng cần khoảng ít nhất 2 năm nữa, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong MSCI, song tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Index kỳ vọng sẽ tăng lên sau khi Kuwait được nâng hạng, điều này giúp kích hoạt dòng vốn mới từ nước ngoài vào thị trường.
Theo đó, dự báo VN-Index tăng 20,7% so với cuối năm 2019; dựa trên P/E 2020 là 15,3x, tương đương với mức P/E trượt hiện tại. Top ngành đầu tư là bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics.
Theo công ty chứng khoán này, khả năng sẽ có ít rủi ro đối với TTCK, ngoại trừ suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi, dư địa tăng trưởng cho thị trường bao gồm việc nâng hạng thị trường diễn ra sớm hơn dự kiến. Một số thương vụ IPO đáng chú ý như Bamboo Airways, Maritime Bank thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bất động sản vẫn tiếp tục được giới đầu tư chứng khoán kỳ vọng nhiều
Trong báo cáo chiến lược thị trường năm 2020 được công bố, CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng năm 2020, bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường dù vẫn tồn tại nhưng không mạnh bằng năm 2019.
Trên cơ sở đó, kỳ vọng quy mô thị trường chứng khoán tiếp tục có sự phát triển trong năm 2020, dù với tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với năm 2019 nhưng sự tăng trưởng mang tính phân hóa và chọn lọc hơn.
Mức cao nhất trong năm 2020 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 5 - 10% so với đỉnh của năm 2019. Mức này thấp hơn nhiều so với dự báo của VnDirect. Thanh khoản (bao gồm cả giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận trên cả HSX và HNX cũng có sự cải thiện tích cực so với năm 2019, theo đó cả Khối lượng giao dịch trung bình phiên. Giá trị giao dịch trung bình phiên được kỳ vọng tăng 10% so với năm trước.
VCBS cho rằng xu hướng chung các chỉ số trong năm 2020 sẽ có sự tương đồng nhất định với năm 2019. Cụ thể, diễn biến chủ đạo trong năm 2019 của VN-Index là dao động trong biên độ tương đối lớn khoảng 150 điểm. Trong năm 2020, VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một nền giá cao hơn nhưng biên độ dao động cũng sẽ gia tăng và nằm trong khoảng 170-180 điểm, còn HNX-Index sẽ dao động trong vùng 105-110 điểm.
Tâm điểm trong năm 2020 sẽ là sự thay đổi để thích nghi và tồn tại với bối cảnh mới. Cụ thể, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với đặc thù cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực như hiện tại, Việt Nam sẽ nghiêng nhiều hơn về hướng đón nhận những nhóm ngành thâm dụng lao động.
Theo đó, sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động sẽ khiến đà tăng trưởng của các doanh nghiệp phần nào bị hạn chế trong ngắn hạn nhưng cũng đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới và sàng lọc mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng thực chất trong dài hạn.
VCBS vẫn kỳ vọng vào một số nhóm doanh nghiệp với lợi thế đặc thù sẽ có chuyển biến tích cực vượt hơn so với phần còn lại trên thị trường.
Thứ nhất là nhóm những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tiêu biểu là nhóm cảng biển – logistics. Đây là những nhóm ngành phụ trợ cho hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc - nơi hàng hóa xuất khẩu đang là mục tiêu bị đánh thuế từ Mỹ - sang các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam.
Tiếp theo, nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản triển khai dự án xung quanh các đô thị loại 1. Trong bối cảnh sức tiêu thụ ở nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản ở các trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…) đang phần nào chững lại, những chủ đầu tư tập trung khai thác xu hướng đô thị hóa của các thành phố loại 1 và hướng đến phục vụ nhu cầu ở thực sẽ có ưu thế lớn hơn. Thêm vào đó, các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng có xu hướng xây dựng các dự án hỗn hợp nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là nguồn lực tài chính dồi dào với tầm nhìn phát triển dự án bài bản, dài hạn.
Ngoài ra, cũng không thể không kể đến nhóm doanh nghiệp với câu chuyện riêng liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới,…