Aa

2025 là năm của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - Tăng trưởng GDP có thể vượt 8%

Thứ Bảy, 19/07/2025 - 06:00

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá, năm 2025 là năm của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8% hoặc cao hơn. Nếu giữ được nhịp điệu cải cách hiện tại, hoàn toàn có thể bước sang chu kỳ tăng trưởng mới, đột phá và bền vững hơn.

Trao đổi về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa cuối năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra góc nhìn lạc quan. Đồng thời, lý giải bằng những phân tích đa chiều, từ chính sách điều hành vĩ mô đến các động lực chuyển mình mới mẻ sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ông tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó đã xác định năm 2025, GDP phải tăng 8% trở lên.

Tại Hội nghị, Chính phủ đưa ra mục tiêu cụ thể hơn: Tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt khoảng 8,3 - 8,5%, nhằm tạo nền tảng vững chắc để tiến tới mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu và điều hành tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, hiện nay Bộ đang xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2025. Kịch bản 1, GDP 2025 tăng 8%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế quý III cần đạt 8,3% so với cùng kỳ, quý IV cần ở mức 8,5%, cao hơn dự kiến trước đó. Theo kịch bản 2 là GDP năm nay tăng 8,3 - 8,5%, tương ứng tăng trưởng quý III đạt 8,9 - 9,2% và quý IV là 9,1 - 9,5%, cao hơn kịch bản cũ lần lượt 0,6 - 1,1%.

Quan sát số liệu 6 tháng đầu năm, với GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, nền kinh tế đang có đà rất tốt để bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm.

"Nếu nửa cuối năm GDP đạt khoảng 8,4 - 8,5%, thì trung bình cả năm sẽ là trên 8%. Đây là một mức tăng khả thi", ông tin tưởng.

Theo vị chuyên gia, năm 2025 là năm hội tụ đầy đủ của các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Về thiên thời, thế giới tuy còn nhiều biến động nhưng xu hướng chung là tích cực cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang tái định hình và dòng vốn đang dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á.

Về địa lợi, việc tổ chức lại đơn vị hành chính, sáp nhập các tỉnh, thành đã diễn ra trong không khí hòa thuận. “Còn về nhân hòa, người dân và doanh nghiệp đang đồng thuận, kỳ vọng cao vào hiệu quả của cuộc đại cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy hiện nay, cũng như tin tưởng vào các cơ chế phát triển đặc thù cho các địa phương mới”, ông Lạng nói.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, các động lực chính cần được kích hoạt mạnh hơn trong nửa cuối năm. Đó là các động lực đến từ đầu tư công, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và đặc biệt là cải cách thể chế.

Thứ nhất, đầu tư công vốn được xem là “đầu kéo” tăng trưởng truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt hơn 40%, là mức cao hiếm thấy.

“Thông thường giai đoạn này chỉ đạt khoảng 30 - 35%. Năm nay các đại dự án như đường cao tốc, sân bay Long Thành, các tuyến kết nối liên vùng được đẩy nhanh với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Nếu xu thế này được giữ vững, tỷ lệ giải ngân cả năm có thể đạt 95 - 97%, thậm chí chạm ngưỡng 100%, là con số đặc biệt trong nhiều năm trở lại đây”, theo ông Lạng.

Thứ hai, động lực tiêu dùng nội địa đang được hưởng lợi từ chính sách tăng lương, ổn định giá cả và tâm lý tiêu dùng cải thiện. Giá xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu trong tầm kiểm soát tạo điều kiện để sức mua của người dân phục hồi.

Thứ ba, động lực xuất khẩu dù chịu nhiều thách thức từ thị trường quốc tế, nhưng vẫn đang cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Ông Lạng dẫn chứng: “Nếu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 13 - 14% thì GDP có thể tăng khoảng 5%. 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng hơn 16 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng trên 14 %, cho thấy đà tăng tốt”.

Thứ tư, dòng vốn FDI dự báo năm 2025 có thể đạt kỷ lục mới 27 đến 28 tỷ USD vốn thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Động lực cuối cùng và mang tính dài hạn đến từ việc cải cách thể chế, bao gồm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải carbon; phân cấp - phân quyền cho chính quyền địa phương, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý và cơ chế phát triển đặc thù cho một số địa phương.

“Đặc biệt, các cơ chế đặc thù cho TP.HCM hiện đang tiếp tục hoàn thiện và từng bước được triển khai. Nếu được thực thi đầy đủ và kịp thời, sẽ tạo ra sức bật rất mạnh, không những cho thành phố, mà còn lan tỏa động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.

Dư địa tăng trưởng từ các đơn vị hành chính - kinh tế mới sau khi sáp nhập các địa phương cũng là điều đáng quan tâm. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhìn nhận, sau sáp nhập, ngoài việc thay đổi về mặt địa lý hay quản lý hành chính, điều quan trọng là có sự xuất hiện của những vùng phát triển tích hợp, nơi các nguồn lực về đất đai, dân cư, tài nguyên, cảng biển, cửa khẩu… được cộng hưởng một cách hữu cơ. Nghĩa là có sự liên kết phát triển chặt chẽ, chứ không cục bộ, rời rạc như trước đây.

“Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành những đơn vị có sức mạnh tổng hợp, là những nơi kinh tế biển, kinh tế đất liền và kinh tế cửa khẩu cùng hội tụ. Ví dụ, Hưng Yên bây giờ đã có biển, hay Tây Nguyên cũng đã được mở đường để "tiến thẳng ra biển", nghĩa là mô hình phát triển đã mở rộng không gian và gia tăng khả năng kết nối”, ông phân tích.

Từ góc nhìn đó, các đơn vị như TP.HCM mới, Đà Nẵng mới, Lâm Đồng mới, Quảng Ninh, Gia Lai… được xem là những “trụ cột tăng trưởng” mới của từng vùng kinh tế. Không gian phát triển được mở rộng, quy mô dân cư lớn hơn, điều kiện hạ tầng đồng bộ hơn, từ đó dễ thu hút đầu tư lớn, xây dựng các công trình hạ tầng chiến lược và thúc đẩy tiêu dùng.

Tuy nhiên, để các địa phương sau sáp nhập thực sự trở thành động lực mới của nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần có những cải cách sâu rộng về thể chế, nhất là về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý.

“Cơ chế đặc thù sẽ giúp các địa phương phát huy thế mạnh riêng biệt, từ đó tạo ra các cực tăng trưởng mới. Nhưng điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu các địa phương được giao đủ quyền tự chủ, từ quy hoạch phát triển, quản lý đầu tư công đến thu hút đầu tư tư nhân”, ông nhấn mạnh.

Song song với việc được phân quyền, địa phương mới cũng cần khả năng thực thi linh hoạt. Khi địa giới được mở rộng, quy mô kinh tế và quản lý hành chính cũng thay đổi, buộc bộ máy chính quyền địa phương phải thích ứng, năng động hơn, sáng tạo hơn.

“Chính những thay đổi đó sẽ tạo ra “nhiệt lượng mới”, như một chiếc lò xo được nén lâu nay bắt đầu bung ra”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận xét, và ví việc sáp nhập tỉnh không phải là cộng cơ học các đơn vị hành chính lại với nhau, mà đã có sự tính toán để tạo ra những hợp lực, liên kết mới. Và khi các địa phương được quyền tự chủ tài chính nhiều hơn, quản trị minh bạch hơn, liên kết vùng sâu sắc hơn thì đây hoàn toàn có thể trở thành “cú hích” cho tăng trưởng GDP quốc gia trong nhiều năm tới.

Nhưng để đạt tăng trưởng trên 8%, chúng ta cần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy đầu tư công, kiểm soát tốt giá cả và trên hết là cải cách mạnh mẽ thể chế hành chính, tạo ra sự năng động thực chất ở cấp địa phương.

“Tôi đã theo dõi kinh tế Việt Nam suốt hơn 30 năm, và tôi cho rằng năm nay là một năm rất đặc biệt. Cơ hội đang hội tụ, các động lực đang phát huy. Chúng ta cần tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, không chỉ cho năm nay, mà cho cả giai đoạn tăng trưởng dài hạn phía trước. Nếu Việt Nam giữ được nhịp điệu cải cách hiện tại, hoàn toàn có thể bước sang chu kỳ tăng trưởng mới, đột phá và bền vững hơn”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng tin tưởng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top