279 dự án đầu tư vào Phú Quốc
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đến giữa tháng 6/2018 đã thu hút 279 dự án đầu tư với diện tích 10.754 ha vào đảo Phú Quốc.
Trong đó, có 249 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, tổng diện tích hơn 9.000 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 270.500 tỷ đồng, còn lại 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục đăng ký đầu tư.
Hiện, đã có 36 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 14.750 tỷ đồng; 35 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 95.731 tỷ đồng, các dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, cho biết dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng nhưng chưa khởi công xây dựng khoảng 60 dự án.
Để lập lại trật tự ổn định trong hoạt động đầu tư xây dựng và đất đai trên đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và huyện Phú Quốc xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm trên hai lĩnh vực này để chấn chỉnh, răn đe.
Hà Nội: "Bội thực" nhà biệt thự - liền kề ngoại ô, nhà đầu tư dửng dưng
Khi nội đô Hà Nội ngày càng trở nên chật chội, quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm thì ngoại ô nhanh chóng trở thành điểm đến mới của các nhà phát triển bất động sản. Rất nhiều dự án biệt thự, nhà liền kề bắt đầu "sinh sôi nảy nở" trên các khu đất trước đó chỉ toàn hoang vắng.
Huyện Hoài Đức còn được giới môi giới ví như là “thiên đường” của nhà biệt thự, liền kề khi hàng loạt các dự án mọc lên như nấm sau mưa như An Thịnh I, Kim Chung – Di Trạch, Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh… Ngay trên con đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội) đã có tới 4 dự án nhà biệt thự, liền kề.
Đánh giá về lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp đối với phân khúc nhà biệt thự, liền kề ven đô, ông La Văn Lăng, Giám đốc Công ty CP Vietfor Land cho hay, một năm trở lại đây, nhà đầu tư thứ cấp không mặn mà với các dự án thuộc phân khúc này.
Theo ông Lăng phân tích, “Tùy thuộc vào các dự án mà nhà đầu tư thứ cấp đánh giá tỷ suất lợi nhuận khác nhau. Ở những dự án nằm ở trục đường chính, giao thông thuận lợi như dự án nhà biệt thự, liền kề ở khu vực Xuân Phương (Nam Từ Liêm), giá nhà liền kề tăng đột biến, khoảng 65 triệu đồng/m2. Tỷ suất lợi nhuận đạt tới 25 - 50%. Hoặc tương tự dự án thuộc quận Thanh Trì, tỷ suất lợi nhuận dao động từ 10 - 15%. Tuy nhiên, đây là những dự án may mắn vì nằm ở vị trí thuận lợi, đúng thời điểm các con đường đang xây dựng được hoàn thành, nhu cầu mua của dân lớn.
Trong khi đó, một số dự án nhà biệt thự, liền kề không hút người mua. Tính thanh khoản rất chậm, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1 - 2%. Thời gian thanh khoản kéo dài, trung bình 1 - 2 năm”.
Lợi nhuận năm 2018 của Phú Tài “gỡ lại” nhờ đá và gỗ
Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của Công ty Cổ phần Phú Tài (mã PTB) có thể hao tổn tại mảng xe ô tô, nhưng bù lại, mảng đá và gỗ có tiềm năng tăng trưởng.
Trong quý I/2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh ô tô của PTB giảm mạnh 23,4% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung xe nhập khẩu bị khan hiếm. Trong khi tỷ trọng xe ô tô nhập khẩu chiếm khoảng 30% trong doanh số của PTB.
Ngược lại, hai mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao, là đá ốp lát và gỗ, vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt khoảng 20% so với năm trước. Do đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của doanh nghiệp vẫn tăng 23,7% so với năm trước, đạt 88 tỷ đồng.
Về tiềm lực phát triển của PTB, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, doanh thu mảng đá dự báo tăng trưởng 47% trong giai đoạn 2017 - 2019. Dự báo sản lượng đá tiêu thụ năm 2018 có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như năm ngoái, đạt mức 20%.
Ước tính giá bán đá bình quân tăng khoảng 4% theo năm do thay đổi cơ cấu sản phẩm, sản phẩm xuất khẩu được tiêu thụ nhiều hơn. Qua đó, giúp doanh thu sản phẩm đá 2018 dự báo tăng trưởng 25% so với năm trước, đạt 1.542 tỷ đồng.
Bất động sản miền Trung: Đà Nẵng đang là “đầu tàu”
Đà Nẵng đang giữ vai trò “đầu tàu” của thị trường bất động sản miền Trung với hơn 50 dự án đã và đang được triển khai; tuy nhiên cần có giải pháp phù hợp tránh xảy ra tình trạng “bong bóng” tại khu vực này...
Đó là một trong những nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Bất động sản miền Trung - thực trạng và hướng phát triển bền vững" mới được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.
Theo thống kê, đối với phân khúc BĐS và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, miền Trung đã được chọn là điểm dừng chân của hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: VinaCapital, Vingroup, Sungroup, Sovico Holding…. Tính đến cuối năm 2017, Đà Nẵng có khoảng 800 căn biệt thự nghỉ dưỡng và gần 7.700 căn hộ khách sạn (condotel). Ở phân khúc thấp hơn 1 chút, Nha Trang – "kinh đô" condotel với 22.837 condotel và hàng loạt BĐS nghỉ dưỡng lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước. Đáng chú ý, đã xuất hiện hàng loạt dự án đất nền tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế….
Đặc biệt, tại thị trường bất động sản Đà Nẵng thời gian gần đây có sự nở rộ của hàng loạt các dự án từ phân khúc cao cấp đến bình dân, với đa dạng loại hình từ bất động sản nghỉ dưỡng đến đất nền, phong phú về sản phẩm từ Condotel đến officetel hay Shophouse…
Nhà đầu tư đổ xô mua đất dịch vụ Hoài Đức: "Canh bạc" tưởng dễ "ăn" mà "ăn" không dễ!
Kể từ đầu năm 2018 trở lại đây, trào lưu “săn” đất dịch vụ An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã bắt đầu trở nên rầm rộ và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Điều lạ là những mảnh đất này chưa có giấy tờ pháp lý đầy đủ và đặc biệt giá đất rơi ở mức cao gấp 200 - 300% so với cách đây 3 năm nhưng vẫn rất nhiều nhà đầu tư mong muốn sở hữu một lô đất dịch vụ.
Ở xã An Khánh hiện nay, ngoại trừ đất dịch vụ tại thôn Phú Vinh đã được bốc thăm phân lô thì ở các thôn An Thọ, Vân Lũng, Yên Lũng vẫn chưa chính thức có thông tin về thời gian tiến hành bốc thăm phân lô. Nhưng dù nhiều khu đất chưa có sổ đỏ, chưa phân lô, mới chỉ giao dịch trên giấy tờ thỏa thuận nhưng giá đất đã leo thang nhanh chóng.
Trả lời câu hỏi vì sao đất dịch vụ chưa có giấy tờ pháp lý hay chưa xác định được vị trí nhưng vẫn hút nhà đầu tư, ông Lưu Văn Hưng lý giải: “Theo chủ trương của TP. Hà Nội, tất cả khu đất dịch vụ trong huyện Hoài Đức phải hoàn thành giấy tờ cho dân trước ngày 31/09/2018. Họ nhìn thấy chặng đường trước mắt làm sổ đỏ không còn xa nên kỳ vọng sẽ kiếm được nguồn lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, khi đặt lên bàn cân, giá đất dịch vụ và đất thổ cư có sự chênh nhau dù phân khúc đất dịch vụ đã đẩy tăng lên so với thời điểm trước đây khá cao. Nhưng đổi lại, đất dịch vụ sẽ có nhiều vị trí đẹp. Ở trường hợp nếu đất chưa bốc thăm, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nhận được mảnh đất sát mặt đường, có vị trí tốt thì cơ hội kiếm lợi nhuận sẽ rất cao, rơi từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Hoặc ở vị trí bên trong khu đô thị, giá đất có thể hòa vốn hoặc lãi ít. Đây là canh bạc đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư”.