Aa

3 khuynh hướng mới của thị trường BĐS Việt Nam 2017

Thứ Năm, 26/01/2017 - 05:30

Căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng có cơ hội bùng nổ khi nhận được sự quan tâm của đa số khách hàng và đang dần thu hút các “ông lớn” BĐS; Các chủ đầu tư “chạy đua” với tiêu chí xanh; Mô hình “Tiền nước ngoài – Thương hiệu Việt Nam” là 3 khuynh hướng có nhiều khả năng sẽ dẫn dắt thị trường BĐS Việt Nam trong năm tới.

Bùng nổ căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng 

Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay ghi nhận nhu cầu rất lớn của người dân ở các sản phẩm nhà giá rẻ, quy mô vừa và nhỏ. Tại các đô thị như Hà Nội, TP. HCM, nhu cầu của người dân với các căn nhà có giá dưới 1 tỷ đồng rất cao. 

Kết quả một khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM thực hiện cho biết, chỉ riêng trên địa bàn thành phố này giai đoạn 2016 – 2020 đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở giá rẻ. Trong đó, 10.000 trường hợp là cán bộ công chức; 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo và 17.000 lao động trong khu công nghiệp.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam - số lượng người có thu nhập cao, đủ khả năng mua căn hộ cao cấp chỉ chiếm 20%, số 80% còn lại là những người có thu nhập vừa và thấp. Do đó, nhu cầu căn hộ giá rẻ là rất lớn.

KS. Nguyễn Văn Đực – PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành

KS. Nguyễn Văn Đực – PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành

Điều đó chứng tỏ, dù ở bất cứ thời điểm nào, thậm chí ngay cả trong giai đoạn thị trường nhiều biến động thì phân khúc căn hộ có giá bán dưới 1 tỷ đồng cũng khó có thể “chết”. Thậm chí trong tương lai, sản phẩm ở phân khúc này còn có khả năng “bùng nổ” trên thị trường.

Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS bắt đầu chuyển hướng, đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm nhà ở giá trung bình – một thị trường tiềm năng, phù hợp với nhu cầu thực của khách hàng về cả không gian sống lẫn hạ tầng, tiện ích.

Điển hình tại TP. HCM có các dự án như: Dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Ngọc Lãm của Công ty Địa ốc Hoàng Quân; Chung cư Phước Kiển của Hưng Lộc Phát; Nhà ở xã hội Tân Thới Nhất của Thuận Kiều; Khu nhà ở Tiến Hùng của Nam Long; Khu nhà ở phường 13 quận Gò Vấp của Nhà Mơ; Prosper Plaza của Đất Xanh; EHomeS Phú Hữu của Nam Long; Căn hộ Him Lam Phú An của Him Lam…

Tại Hà Nội, hiện cũng có khá nhiều khu nhà ở giá rẻ đã và đang xuất hiện trên thị trường, nhận được sự đánh giá cao từ cư dân như dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức), Gemek Tower (Hoài Đức), Hateco Hoàng Mai, The TWO Residence (Hoàng Mai), The Vesta…

KS. Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

Dự án Thái An là một trong những cái tên tiêu biểu khi nhắc đến các dự án nhà ở cho các hộ gia đình trẻ.

Và mới đây nhất, thông tin “ông lớn” Vingroup chính thức tổng tấn công phân khúc nhà giá thấp tại 7 đô thị lớn với thương hiệu VinCity cũng khiến giới BĐS và khách hàng được phen “sốt sắng”. Theo kế hoạch dự kiến, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity có mức giá trung bình 700 triệu đồng/căn trong vòng 5 năm tới, tạo điều kiện cho đông đảo người tiêu dùng tiếp cận và sở hữu cuộc sống chất lượng và tiện ích tại các khu đô thị do tên tuổi hàng đầu thị trường BĐS này phát triển.

Động thái mới của Vingroup là minh chứng rõ nhất cho sức hút của thị trường nhà ở giá rẻ trong thời gian tới. Trong năm 2017, phân khúc này sẽ mang đến niềm hứng khởi cho thị trường BĐS. 

Khuynh hướng “xanh hóa” chung cư – yếu tố đem đến “giá trị thật” cho BĐS

Có thể thấy, những năm gần đây, nhu cầu sống của người dân đã có sự thay đổi lớn, việc đầu tư BĐS thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố và từng chu kỳ. Nếu trước kia, nhà đầu tư mua dự án chủ yếu để đầu cơ, kiếm lời, thì nay thị trường đã chuyển sang dành cho những người có nhu cầu thực, đặc biệt quan tâm đến môi trường sống và các tiện ích xung quanh. 

Chính vì vậy, sau nhiều năm chạy theo các danh hiệu “kim cương”, “vàng”, “ngọc quý”… thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã “bừng tỉnh” và vội vã đến với “danh hiệu XANH” khi đầu tư xây dựng các khu chung cư.  

Một báo cáo của tổ chức World Green Building Council (WGBC) năm 2016 về xu hướng xanh hóa đô thị trên toàn thế giới (Wolrd Green Building Trends 2016 - Developing Markets Accelerate Global Green Growth) cho thấy, nhiều tập đoàn đầu tư BĐS tại các nước phát triển đang có xu hướng tập trung vào các hình mẫu BĐS XANH, bởi Tính kinh tế về mặt chi phí đầu tư dài hạn; Ảnh hưởng tích cực về mặt danh tiếng và Biên độ tăng giá dự án khá nhanh (19% lên 27% trong vòng 3 năm, từ 2012-2015). 

Các chủ đầu tư đi theo xu hướng “XANH hóa chung cư” bằng nhiều cách, như đăng ký danh hiệu, chứng chỉ Xanh, chọn thiết kế Xanh, vị trí và cảnh quan Xanh…, tạo nên những nét XANH về mặt cảnh quan đô thị, thúc đẩy gia tăng hàm lượng oxy trong không khí để hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho cư dân, đồng thời tạo “đòn bẩy” giúp giá trị tài sản gia tăng lũy tiến theo thời gian. 

Theo đó, những khu đô thị hoàn chỉnh, có cây xanh, trung tâm mua sắm, bệnh viện, trường học,… chắc chắn sẽ đắt người mua, ngay cả khi giá trị căn hộ lớn. Có thể kể đến một số dự án “XANH hóa chung cư” điển hình như: Diamond lotus riverside của Phúc Khang, căn hộ Hà Đô Centrosa Garden, Căn hộ EHome 5 The Bridgeview của Nam Long, dự án căn hộ Riva Park và Viva Riverside của Vietcomreal, dự án Vinhomes Sky Lake của VinGroup, Căn hộ cao cấp The EverRich Infinity của Phát Đạt, căn hộ Citi Soho của Kiến Á … 

Năm 2017, nhiều khả năng tiêu chí “XANH” sẽ trở thành giải pháp tiên quyết để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng tại các dự án. Và “căn hộ XANH” sẽ là xu hướng kiến trúc phát triển tất yếu trong tương lai.

Tiêu chí “XANH” nhiều khả năng sẽ trở thành giải pháp tiên quyết để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng tại các dự án.

Tiêu chí “XANH” nhiều khả năng sẽ trở thành giải pháp tiên quyết để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng tại các dự án.

Khuynh hướng liên kết các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam

Khuynh hướng này được giới đầu tư BĐS đánh giá là một trong những “cú hích” cho thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai. Tiềm lực tài chính của các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp địa ốc trong nước đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Theo đó, trong thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam, đầu tư bằng hình thức liên kết với các công ty trong nước thành công ty 2 quốc tịch “tiền nước ngoài - thương hiệu Việt Nam”, cạnh tranh với các công ty “thuần Việt”. 

Khi nguồn vốn vay từ ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng tăng của doanh nghiệp địa ốc, dòng vốn nước ngoài đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, là cơ hội cho doanh nghiệp nội địa tiếp cận với công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý ưu việt từ nước bạn để phát triển các dự án đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam.

Điển hình nhất phải kể đến sự hợp tác của Creed Group với An Gia và Phát Đạt, hình thành nên dự án River City. Công ty An Gia Investment vừa ra mắt dự án Angia Skyline ở quận 7, TP. HCM. Đây là kết quả sau hơn 2 tháng, quỹ Creed Group (Nhật Bản) ký hợp đồng hợp tác đầu tư 200 triệu USD vào An Gia. Tổng vốn của dự án là 1.000 tỷ đồng, đối tác Nhật góp một nửa.

Hay như Công ty CP Đầu tư Nam Long, đơn vị này đang lên kế hoạch kết hợp cùng nhà đầu tư nước ngoài để phát triển tất cả các sản phẩm của Nam Long Group, trước hết là với một nhà đầu tư Singapore có tầm cỡ lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Một số dẫn chứng khác cho khuynh hướng liên kết các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp địa ốc Việt Nam như dự án Wateria Suites của tập đoàn Maeda Nhật Bản hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức, dự án Dream Home Palace của Tập đoàn The Global Nhật Bản hợp tác với Nhà Mơ…

Từ thực tế này cho thấy, nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào doanh nghiệp địa ốc Việt chứng tỏ họ thấy được sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai. Những doanh nghiệp Việt Nam tạo được thương hiệu, uy tín, có triển vọng phát triển, nắm giữ quỹ đất lớn sẽ được nhà đầu tư ngoại “chọn mặt gửi vàng”.

Việc các nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam sẽ tăng thêm tính minh bạch, sức cạnh tranh, giúp thị trường phát triển bền vững. Người được hưởng lợi sẽ là khách hàng khi lúc này, các sản phẩm sẽ phát triển theo hướng chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, tiến độ cũng như hệ thống tiện ích, hạ tầng đi kèm hoàn chỉnh. 

Song, một khi khuynh hướng này xuất hiện và phát triển, các công ty “thuần Việt” phải có chiến lược, kế sách để tồn tại trong cuộc chiến cạnh tranh ngày càng “khốc liệt”. Các chủ đầu tư trong nước phải thực sự uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có chiến lược bài bản, dự án phải thật sự khác biệt, đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì mới có thể đứng vững.

CAO THÙY LIÊN (Ghi)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top