Phân khúc nhà ở sẽ đóng vai trò “chủ chốt” trên thị trường
Theo ước tính của CBRE Vietnam, sẽ có khoảng hơn 43.800 căn hộ sẽ được bán trong năm nay, cao hơn rất nhiều so với con số 37.419 căn trong năm ngoái, trong đó có đến 40% sẽ được tung ra trên phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Trong đó, sẽ có khoảng 13.000 căn hộ cao cấp và 1.627 căn hộ sang trọng. Phần còn lại thuộc về phân khúc tầm trung và giá rẻ, giá cả được ước tính dao động ở mức 800 đô la Mỹ/m2, tương đương với khoảng 18 triệu đồng/m2.
Trước đó, trong báo cáo năm 2016, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã đưa ra con số ước tính rằng có khoảng 30.000 ngôi nhà đã được đưa ra thị trường TP. HCM. Trong đó, phân khúc tầm trung và giá rẻ đã chiếm tới 79,7%, vì thế đây là 2 phân khúc được coi là quan trọng của thị trường BĐS.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho biết thị trường năm nay có thể chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trên khu vực căn hộ tầm trung và căn hộ cho người thu nhập thấp khi các doanh nghiệp nhận thức được và theo sát hơn với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Ngoài ra, cũng sẽ có một sự điều chỉnh lớn ở các doanh nghiệp nhằm giải quyết vấn đề dư cung tại phân khúc cao cấp, xa hơn là để cân bằng thị trường tránh để thị trường gặp phải cú trượt dốc.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại CBRE Việt Nam, cả các doanh nghiệp trong nước và các liên doanh nước ngoài đang bận rộn “sửa sang” lại hướng đi của các dự án để có thể bắt kịp với xu hướng trên thị trường BĐS. Chẳng hạn như Vingroup, một trong những “ông lớn” trong ngành công nghiệp địa ốc Việt Nam, đang chuẩn bị cho đợt mở bán các dự án căn hộ giá rẻ tại Quận 9 và huyện Bình Chánh (TP. HCM) và xây dựng hàng loạt dự án tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Một số doanh nghiệp xưa nay chỉ tập trung vào những dự án trên phân khúc cao cấp thì nay cũng chếch “mũi thuyền” về phía thị trường nhà ở cho người thu nhập, khu vực được cho là sẽ đóng vai trò “chủ chốt” trên thị trường trong năm 2017. Trong đó thanh khoản tốt chính là nguyên do khiến cho lượng căn hộ giao dịch thành công tăng cao.
Bà Dung dự đoán, khả năng tiêu thụ của thị trường sẽ tăng cao trong giai đoạn 2017 - 2019, với phân khúc tầm trung và giá rẻ sẽ tăng từ mức 40 - 50% trong năm trước lên 60% trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn khi lựa chọn các dự án án, đồng thời cần phải có hành động điều chỉnh hợp lý để bắt kịp những biến động trên thị trường do nguồn cầu thay đổi.
Nói thế không có nghĩa phân khúc cao cấp sẽ bị “bỏ rơi”. Bởi lẽ theo bà Dung: “Quỹ đất sẵn có trong các khu vực trung tâm thành phố dùng cho các dự án cao cấp vẫn còn hạn chế chính là một yếu tố quan trọng giúp thu hút các khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, giá các BĐS cao cấp tại các thành phố của Việt Nam, đặc biệt là TP. HCM vẫn còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực, vì vậy, phân khúc này sẽ tiếp tục hấp dẫn các khách hàng trong nước và cả nước ngoài”.
Đà Nẵng vẫn là “điểm nóng” về BĐS
Theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành tại CBRE Vietnam, Đà Nẵng vẫn đang nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư địa ốc bởi chính quyền thành phố có một “tham vọng” là biến Đà Nẵng thành một Singapore tại Việt Nam thông qua việc triển khai hàng loạt các dự án quy mô ở hai bên bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà…
Ngoài ra, ông Marc cũng nhấn mạnh rằng các cơn "sốt đất" tại Đà Nẵng là có thật, tuy nhiên các nhà đầu tư cần phải hiểu quy hoạch tại từng khu vực, đồng thời đa dạng hóa các danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro cho mình thay vì hùa theo tâm lý đám đông.
CBRE nhận định rằng, condotel sẽ là thị trường hấp dẫn nhất tại Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 2.800 căn được mở bán trong quý III/2016, cao hơn 2 lần so với quý II/2016 và gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy trong 9 tháng đầu năm 2016 tổng nguồn cung phân khúc condotel tại thành phố Đà Nẵng đã chạm mức 5.700 căn.
Ông Marc nhận định với sự gia tăng số lượng khách du lịch trên cả nước nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng, thị trường BĐS tại "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" sẽ được hưởng lợi rất nhiều nhờ ưu thế của một thành phố trẻ năng động và hiện đại.
Đầu tư BĐS du lịch và nghỉ dưỡng – “ trông giỏ mà bỏ thóc”
Theo trang CafeF, với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, giới chuyên gia tin rằng 2017 và những năm tới BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục đà đi lên, thu hút được dòng tiền đầu tư.
Dòng tiền ngắn hạn sẽ tiếp tục đổ vào kênh đầu tư này khi mà gửi tiết kiệm chưa có dấu hiệu tăng, thị trường chứng khoán thì bấp bênh và không phải ai cũng có thể đầu tư, còn vàng lại chưa được quan tâm nhiều. Trong khi đó, cam kết lợi nhuận ở BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục là một cuộc đua khi ngày càng được nâng lên cao hơn, thậm chí có lúc lên tới mức 14%.
Tuy nhiên, đúng như kinh nghiệm "xương máu" của các nhà đầu tư “lợi nhuận cao thì rủi ro nhiều”, trong câu chuyện đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng đã được nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo. Nhà đầu tư cần “trông giỏ, bỏ thóc” bởi không phải dự án nào chủ đầu tư cũng tính toán tới lợi ích hài hoà giữa người bán và người mua.
Hiện tượng chủ đầu tư coi cam kết lợi nhuận như một công cụ huy động tài chính từ người dân ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt cho vay BĐS từ tháng 10/2016.
Thực tế thị trường cho thấy, khách hàng chỉ có thể an tâm khi đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính mạnh và sản phẩm đa dạng, giá hợp lý và có chương trình cam kết lợi nhuận hằng năm và chương trình chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn.