Aa

3 phương án nào được xem xét để xử lý dự án?

Thứ Sáu, 22/02/2019 - 01:12

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là Dự án). Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án “đình đám” này. Điều dư luận đang quan tâm là sau khi có kết luận thanh tra, Dự án “đắp chiếu” cả chục năm trên sẽ được xử lý như thế nào?

Trước đó, ngày 14/02/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 167/KL-TTCP về kết luận thanh tra Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ngày 20/2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với kết luận thanh tra Dự án của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và yêu cầu các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao TTCP công bố kết luận thanh tra theo đúng quy định. Thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, chiều ngày 20/2, TTCP đã công khai kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.

Theo kết luận thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án xử lý đối với Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (gọi tắt là Đề án) theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg, Đề án trên đã được triển khai để xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (trong đó có Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên) .

thì ưu tiên chọn Phương án 3 (Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO)

Theo Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, thì ưu tiên chọn phương án 3 (tức Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO). (Ảnh: Hà Cường)

Theo Đề án, có 3 phương án được xem xét để xử lý các tồn tại, yếu kém của Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trong đó, phương án 1 là bán Dự án. Nội dung cụ thể: Tư vấn thẩm định lại giá trị của Dự án và tính toán lại tổng mức đầu tư phù hợp; Tiến hành các thủ tục cần thiết để tách riêng dự án để thành lập Công ty cổ phần sản xuất phôi thép mới và chào bán cổ phần ra thị trường cho các nhà đầu tư mới, để đảm bảo tiếp tục triển khai hoàn thành dự án; Tiến hành thẩm định xác định giá trị của dự án và tính toán tổng mức đầu tư; Đàm phán với các ngân hàng cho vay vốn.

Điều kiện để thực hiện phương án 1, các ngân hàng chấp nhận rủi ro mất một phần số vốn đã cho vay; Thời gian thực hiện có nguy cơ kéo dài, do vậy Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên phải chấp nhận chi phí lãi vay, qua đó tiếp tục làm đội vốn Dự án, giảm hiệu quả đầu tư; Chấp nhận một số khó khăn trong quản lý khai thác sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung, trong điều kiện với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật có 2 chủ thể quản lý, tương đối phức tạp.

Phương án 2 là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án. Nội dung cụ thể, TISCO tiến hành xây dựng phương án huy động vốn cho Dự án góp thông qua phát hành trái phiếu hoặc tăng vốn điều lệ.

Phương án 3 là thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu TISCO. Nội dung của phương án 3, sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC đã thoái phần vốn góp 1.000 tỷ đồng (tương đương 35,2% vốn điều lệ của TISCO) của Nhà nước ra khỏi TISCO, công việc tiếp theo là tiếp tục thoái phần vốn Nhà nước còn lại (là phần vốn góp của VNS) xuống dưới 30%.

Theo nội dung Đề án, trong 3 phương án được xem xét để xử lý các tồn tại, yếu kém của Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên, thì ưu tiên chọn phương án 3 (Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO). Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công thì sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án 1 (bán dự án), hoặc phương án 2 (kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án).

Đề án cũng nêu rõ các công việc cần triển khai để thực hiện phương án chọn. Cụ thể, chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Dự án; Thoái phần vốn Nhà nước còn lại tại TISCO (42,1% cổ phần sở hữu của VNS) xuống dưới 30%, trong đó, cần tập trung hoàn thành việc xác định giá trị Dự án và xây dựng phương án thoái vốn; Tiếp tục triển khai thực hiện việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại khác của Dự án đã được Ban Chỉ đạo của Chính phủ (theo Quyết định thành lập số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ) chỉ đạo.

Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2017 đến nay dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, việc thoái phần vốn Nhà nước còn lại tại TISCO dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trước đó, Thủ tướng đã có Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019, về đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó yêu cầu phải chuyển giao Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNSteel về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước 31/3.

Ngày 25/1, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/ 9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc chuyển giao các doanh nghiệp, dự án theo Quyết định này về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (trong đó có Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên – PV) trong tháng 2/2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top