Hai dự án trăm tỷ “lọt tay” Phương Thùy Thủ Đô thế nào?
Như Reatimes đã phản ánh, thời gian qua, tại tỉnh Thái Nguyên, thực trạng sử dụng đất không đúng mục đích, quảng cáo phân lô bán nền trái phép xảy ra tại một số địa phương. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra tại nhiều khu vực dự án có chức năng thương mại dịch vụ, bên trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đơn cử, tại hai dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Điềm Thụy (vị trí tại Lô TT1, Khu công nghiệp Điềm Thụy, thuộc xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình và xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) và dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (thuộc Khu công nghiệp Sông Công 2, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đều do Công ty TNHH Phương Thùy Thủ Đô (Công ty Phương Thùy Thủ Đô) làm chủ đầu tư, trong suốt một thời gian dài có nhiều thông tin quảng cáo bán đất nền.
Tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cấp cho chủ đầu tư - Công ty Phương Thùy Thủ Đô - đã nêu rõ mục tiêu như sau: Xây dựng và cho thuê văn phòng, nhà ký túc cho công nhân, cửa hàng, nhà hàng khách sạn; kinh doanh khách sạn và nhà ở cho chuyên gia; dịch vụ tiện ích cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, Công ty Phương Thùy Thủ Đô được cho là đã ký Hợp đồng chuyển nhượng đất và thu tiền của các khách hàng. Nội dung hợp đồng thể hiện, đất bìa đỏ 50 năm trả tiền 1 lần từ ngày giao đất và khách hàng được xây dựng theo ý muốn, kinh doanh tất cả dịch vụ mà pháp luật không cấm.
Mặc dù xây dựng hoàn thành nhiều hạng mục công trình, tuy nhiên đến cuối tháng 1/2021, Sở Xây dựng Thái Nguyên mới tiến hành kiểm tra, lập biên bản, đồng thời ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phương Thùy Thủ Đô, về hành vi xây dựng Trung tâm dịch vụ tiện ích Sông Công 2 và Trung tâm dịch vụ tiện ích Điềm Thụy không có giấy phép xây dựng. Mức xử phạt tổng cộng là 80 triệu đồng.
Dư luận đặt dấu hỏi, vì sao Công ty Phương Thùy Thủ Đô lại được phê duyệt 2 dự án có tổng mức đầu tư là 150 tỷ đồng và thực hiện dự án bất chấp quy định pháp luật như vậy? Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Phương Thùy Thủ Đô được thành lập vào ngày 25/4/2016 (tại xóm Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ban đầu, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 9 tỷ đồng và người đại diện pháp luật, Giám đốc công ty là ông Nguyễn Đình Tuấn (SN 1982, tại xã Đồng Du, huyện Bình Lục, Hà Nam).
Tuy nhiên, đến ngày 13/9/2017, ông Nguyễn Đình Nguyên (SN 1960, trú tại phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) đã thay thế ông Tuấn làm chủ doanh nghiệp trên và là người đại diện pháp luật công ty. Lúc này vốn điều lệ của công ty cũng tăng lên 20 tỷ đồng. Đây cũng có thể coi là bước “chuẩn bị” để xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án tại các khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
Theo tìm hiểu, ông Phan Mạnh Cường thời điểm là Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên là người đã ký phê duyệt, giao hai dự án cho Công ty Phương Thùy Thủ Đô. Cụ thể, ngày 2/10/2019, ông Phan Mạnh Cường đã ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Phương Thùy Thủ Đô (giấy chứng nhận lần đầu cấp ngày 25/6/2018) thực hiện dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Điềm Thụy. Tổng vốn đầu tư của dự án là 90 tỷ đồng, trong đó vốn góp (bằng tiền mặt) của Công ty Phương Thùy Thủ Đô để thực hiện dự án là 40 tỷ đồng.
Hơn 1 tháng sau (tức ngày 6/11/2019), ông Phan Mạnh Cường tiếp tục ký phê duyệt dự án Trung tâm dịch vụ tiện ích Sông Công 2 cho Công ty Phương Thùy Thủ Đô và Công ty Hoàng Nam. Tổng vốn đầu tư dự án là 60 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Phương Thùy Thủ Đô góp 35 tỷ đồng (tương đương 58,33%) bằng tiền mặt.
Mặc dù được Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho phép làm chủ đầu tư hai dự án có tổng mức đầu tư lên đến 150 tỷ đồng, thế nhưng trong quá trình triển khai, Công ty Phương Thùy Thủ Đô lại thực hiện trái các quy định đối với nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, công ty này còn vi phạm pháp luật về xây dựng và có dấu hiệu việc bán đất nền, thu tiền trái phép của nhà đầu tư? Về việc này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo và cơ quan Công an tỉnh cũng vào cuộc xác minh, làm rõ.
Ông Phan Mạnh Cường bị đề nghị thi hành kỷ luật
Mới đây ngày 20/8, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKT) đã họp kỳ họp thứ 7 do ông Hoàng Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì.
Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, thảo luận và thông qua kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2010 - 2015; ông Phan Mạnh Cường, Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố Sông Công, nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên kiêm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên).
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên nhận thấy: Đối với Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, để đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng.
Đối với ông Phan Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên khóa I, II, Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố Sông Công nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên kiêm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp giai đoạn 2013 - 2019, ông Cường chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên; cá nhân ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ; tham mưu, đề xuất làm trái các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, trong đầu tư xây dựng.
Vi phạm của Đảng ủy và ông Phan Mạnh Cường đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên.
Xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. UBKT Tỉnh ủy đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên và ông Phan Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp Thái Nguyên khóa I, II, Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố Sông Công nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên kiêm Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp giai đoạn 2013 - 2019.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn từ ngày 1/1/2010 đến ngày 31/12/2018). Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại Dự án xây dựng Khu công nghiệp Điềm Thụy (Khu A và Khu B), Khu công nghiệp Sông Công II, Dự án cụm công nghiệp An Khánh 1…
Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên; có hình thức xử lý phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cần chỉ đạo xử lý và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan!
Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis phân tích, đối chiếu các quy định pháp luật, căn cứ theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai nêu rõ: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có các hoạt động xây dựng khi chưa có giấy phép hoặc xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch khu công nghiệp, thì cũng cần các cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
“UBND tỉnh Thái Nguyên (người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và các sở ngành liên quan rà soát và có biện pháp xử lý đối với các dự án trong khu công nghiệp không tuân thủ theo quy định pháp luật, đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan”, luật sư Lương Thành Đạt khẳng định.