Cái tên Phan Thị Vàng Anh tôi biết rất sớm. Ấy là mấy câu thơ trẻ con mang dấu ấn thần đồng:
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang cái gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con.”
Đã vài bốn chục năm nhưng mấy câu thơ ấy vẫn nằm nguyên trong trí não có lẽ của không chỉ riêng tôi. Phan Thị Vàng Anh sinh năm 1968, nổi tiếng sớm với bài thơ trẻ con “Mèo con đi học” năm mới chỉ 7 tuổi. Nhưng thật sự thì cái vụ nổi tiếng mang tính thần đồng này chẳng có ý nghĩa gì với giới sáng tác và đời sống văn chương. Đất nước đã có không ít thần đồng chìm nghỉm sau sự xuất hiện ban đầu hệt như hiện tượng sao băng thoáng qua trong chốc lát. Phải đến năm 1993, tên tuổi của Phan Thị Vàng Anh mới bừng lên bằng tập truyện ngắn “Khi người ta trẻ” lừng danh.
“Khi người ta trẻ” là tập hợp những truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh in rải rác trên các báo gây ra những ấn tượng mạnh mẽ được dư luận nhiệt liệt tán thưởng. Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh xinh xẻo, ngắn gọn, cô đúc, nhưng biên độ mở rất rộng với nhiều vấn đề xã hội được nén trong cái vỏ tâm lý sắc ngọt của một ngòi bút tinh tế và đầy nữ tính. Tất nhiên tôi cũng là một trong số người hâm mộ nữ tác giả thành danh rất sớm này.
Sự hâm mộ của tôi sớm được đền đáp khi ngay trong năm 1993, tôi được gặp Phan Thị Vàng Anh trong Hội nghị những người viết văn Trẻ Hà Nội lần thứ nhất ở Tây Hồ (Hà Nội) mà Vàng Anh là đại biểu chính thức. Đây là một hội nghị viết văn rất bề thế của Hà Nội được tổ chức lần đầu với tiêu chí mời cả những người viết văn trẻ tiêu biểu trong cả nước.
Phan Thị Vàng Anh xuất hiện ở Hội nghị trong sự chào đón ngưỡng mộ của không chỉ những người viết văn trẻ mà còn của cả các nhà văn đã thành danh. Bấy giờ, tôi hơn Vàng Anh đến một con giáp, nghĩa là hơn hẳn 12 tuổi, nhưng hay đánh đu với cánh trẻ nên dễ bắt quen. Có được điều này là vì tính tình Phan Thị Vàng Anh tương đối dễ chịu. Sau thì tôi biết Vàng Anh là người sống chuẩn mực biết hòa đồng nhưng không phải ai cũng có thể làm thân vì tính nguyên tắc rất cao của một nhà văn không thích ồn ào phô trương. Điểm này có lẽ tôi là người may mắn.
Trong lần hội nghị ấy có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi tài năng văn chương trẻ đang nổi như cồn này. Số là buổi tối sau khi cơm nước xong, mấy anh em tôi dạo chơi bên hồ Tây, thấy có bến và thuyền neo, bèn nổi hứng nhảy lên một chiếc thuyền bơi ra giữa hồ. Việc chèo thuyền ra hồ là bình thường nhưng hôm ấy bất ưng thời tiết xảy ra chuyện. Không thể tưởng tượng là chúng tôi hứng trọn một trận bão bèo.
Bão bèo, chúng tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Hồ Tây có không ít bèo tản mát, tối đó gió thổi mạnh và từng mảng lớn bèo khắp hồ ào ạt ập về quây chặt con thuyền của chúng tôi, dồn vào một góc. Trong rừng bèo giữa đêm tối hồ Tây, con thuyền thật mỏng manh và hiểm nguy kề cận. Nếu thuyền đắm thì đúng là một tai họa lớn.
Chúng tôi loay hoay gạt bèo, hướng mũi thuyền vào bờ, nhưng càng lúc bèo càng dạt về dày đặc. Đã manh nha sự hoảng hốt. Lúc đó chưa có điện thoại di động nên chúng tôi hò hét kêu cứu và dùng bật lửa đốt bất cứ thứ gì có thể đốt được để tạo tín hiệu cấp cứu. Việc rồi cũng suôn sẻ khi ca nô cứu hộ kịp ra đưa con thuyền lạc trong bão bèo vào bờ.
Nhắc đến kỷ niệm này là vì tôi muốn nhấn đến vai trò thủ lĩnh của cô gái trẻ mới 25 tuổi khi đó. Phan Thị Vàng Anh là người cực bình tĩnh, phân công từng người từng việc khi con thuyền lâm nạn. Vai trò thủ lĩnh biểu hiện rất rõ ở Phan Thị Vàng Anh. Thủ lĩnh không có nghĩa là thuần túy lãnh đạo mà là một tính cách quyết liệt, làm đến nơi đến chốn đến tận cùng bằng một sự thẳng băng không khoan nhượng kể cả lĩnh vực sáng tác hay trong đời sống.
Năm 1993, Phan Thị Vàng Anh đoạt Giải Hội nhà văn Việt Nam bằng tập truyện “Khi người ta trẻ” mở đường cho một loạt tác phẩm liên tiếp ra đời. Hầu như chỉ trong rất ít thời gian, cô đã làm tròn sứ mạng nhà văn của mình bằng những tập truyện ngắn, tản văn và thậm chí là thơ, tập "Gửi VB", 2006. Nếu như “Khi người ta trẻ” được dịch và xuất bản ở Pháp thì “Gửi VB” lại khiến người yêu thơ kinh ngạc. Hội nhà văn Hà Nội vốn khe khắt cũng quyết định trao giải thưởng cho một tác giả thơ không phải người Hà Nội.
Phan Thị Vàng Anh vào Hội nhà văn Việt Nam, chỉ vài năm sau khi ra mắt tác phẩm đầu tay và nhanh chóng có đủ uy tín để được bầu vào Ban Chấp hành Hội khóa 7 (2005 - 2010). Khi được phân công làm Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Phan Thị Vàng Anh đã tỏ rõ năng lực thủ lĩnh cũng như hiệu quả công việc trước những ủy viên như tôi hay nhà thơ Trần Quang Quý cùng một số nhà văn khác, tinh những người có cá tính rất mạnh.
Ban Nhà văn Trẻ khóa 7 hoạt động rất hiệu quả cả trong lĩnh vực chuyên môn cũng như hội hè đình đám mà tiêu biểu là Hội thơ Trẻ hàng năm. Tôi có 5 năm làm việc suốt trong nhiệm kỳ cùng Phan Thị Vàng Anh nên hiểu rất rõ bản tính của cô. Đó là một nhà văn toàn tâm toàn ý cho những gì mình làm, công tâm tuyệt đối và chẳng có chút xíu gì tư lợi chen vào.
Chả thế mà suốt nhiệm kỳ, dù có không ít nhờ vả nhưng cái thằng tôi tịnh chưa một lần dám mở miệng ngỏ lời với Phan Thị Vàng Anh về bất cứ trường hợp nào muốn xin vào Hội. Ở Vàng Anh, đừng nói có chuyện hời hợt. Có thể đùa cợt bông lơn vui vẻ nhưng công việc phải đâu ra đấy. Dạo đó Phan Thị Vàng Anh có thuê hay mượn một căn hộ tập thể ở khu Thành Công, Hà Nội. Cô lấy đó làm nơi tụ họp mỗi khi có việc của ban Nhà văn Trẻ. Họp hành, phân công rõ ràng mạch lạc cho từng thành viên. Xin thưa nếu đã nhận việc thì người đó bất kể là ai dẫu khó khăn thế nào cũng phải hoàn thành.
Không chỉ riêng với Ban Nhà văn Trẻ, ngay cả trong Ban chấp hành Hội, Phan Thị Vàng Anh cũng tỏ rõ bản lĩnh trước những vấn đề Hội phải giải quyết. Nhiều nhà văn tên tuổi lớp trước cũng phải vì nể bản tính và phong cách của Vàng Anh. Có thể do tính cách không nhân nhượng, quyết liệt và không hợp thời thế này mà Phan Thị Vàng Anh chỉ làm một khóa, cô đã tự nguyện rút lui ngay ở kỳ đại hội kế tiếp. Thật đáng trân trọng.
Không ồn ào, thích ẩn lặng, Phan Thị Vàng Anh dù ở cương vị nào cũng giữ nguyên tắc tối đa với tiêu chí hết lòng vì công việc. Một tính cách có thể bị ai đó coi là cực đoan, nóng nảy và lạnh lùng, lý tính. Nhưng hoàn toàn không phải. Gần Vàng Anh tôi biết đó là một con người tình cảm, luôn vì người khác mà chấp nhận thua thiệt. Có lần, khi là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, thấy tôi mê mải làm phim, cô động viên tôi viết một cuốn sách. Nhà văn phải có sách anh ạ. Có lẽ chưa cuốn sách xuất bản nào của tôi xưa nay lại được một biên tập viên chăm sóc kỹ lưỡng đến như vậy, từ khâu biên tập bản thảo đến sách biếu và nhuận bút.
Trong sáng tác cũng vậy, Phan Thị Vàng Anh cẩn trọng từng con chữ đến những vấn đề dù nhỏ cô đề cập. Một lần Vàng Anh hỏi tôi, cave là như thế nào, em muốn biết. Cực chẳng đã, tôi dẫn cô vào một quán karaoke và gọi mấy tiếp viên. Buồn cười, cả chủ lẫn khách cứ ngác ngơ trước cặp mắt soi xét của nữ nhà văn để sau đó thân phận của những cô gái này được Vàng Anh miêu tả bằng sự độ lượng cảm thông rất người.
Chục năm trở lại đây tôi không có dịp gặp Phan Thị Vàng Anh. Ngay cả trên Facebook cô cũng ít xuất hiện dù Vàng Anh quản lý một trang mạng khá hot. Nghe nói Vàng Anh vẫn ở Viên Tĩnh Viên, là ngôi nhà vườn của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường, thân sinh của cô. Phan Thị Vàng Anh ở đấy với mẹ và con trai.
Hình như cô không còn trong biên chế của bất cứ tổ chức nào mà là người sáng tác tự do. Tốt thôi, học Y khoa nhưng không hành nghề bác sĩ thì viết văn không trong biên chế cũng là một lẽ thuận với tự nhiên của nữ nhà văn cá tính này. Nói thêm, Phan Thị Vàng Anh rất không thích ai nói, ai viết về mình. Những việc cô làm về văn chương và sống trong cuộc đời luôn lặng lẽ trôi đi trong âm thầm, ẩn lặng. Điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được như vậy.
Gần đây nhất tôi lại bắt gặp những tản văn với giọng điệu thủ thỉ không lẫn vào đâu được của Phan Thị Vàng Anh hệt như ngày nào đọc “Nhân trường hợp chị Thỏ bông” dưới bút danh Thảo Hảo. Thủ thỉ, khiêm nhường, giản dị nhưng đầy sắc sảo, trí tuệ và cực nhân văn, đề cập những vấn đề cuộc sống lớn, nhỏ. Đó là những gì tôi biết về Phan Thị Vàng Anh của ngày hôm nay, một nhà văn ẩn lặng nhưng đong đầy cả một sự nghiệp lẫn nhân cách văn chương.
Có lẽ nhà văn đích thực phải là như thế chăng?/.