Quãng hơn ba chục năm trước, tôi đang ở phòng làm việc ở phố Cửa Bắc trong trụ sở cơ quan Truyền tải điện, thì có tiếng gõ cửa. Vị khách không báo trước xưng danh là thư ký tòa soạn một tờ báo, muốn đặt tôi viết một truyện ngắn về thiếu nhi. Dạo đó, tôi mới viết và đang rất sung sức khi ào ạt tung ra những truyện ngắn được chú ý. Dù vậy thì đây mới là lần đầu tiên có người đến trực tiếp đến đặt truyện. Khỏi nói, tôi sung sướng thế nào. Người đó là nhà thơ Trần Quang Đạo.
Tôi thăng hoa, viết một mạch trong đêm truyện ngắn nghiêng về bi kịch “Cái chết của thiên thần” nói về sự vây hãm của thế giới vật chất đối với cuộc sống tù túng tinh thần bị tước đoạt hết tự do của những đứa trẻ con nhà khá giả, bị nuôi nhốt như chim lồng. Và rồi một lần, nhìn đám trẻ con ngoài phố chơi diều ở vỉa hè, đứa trẻ trong biệt thự nỗ lực đưa con diều lạc vào khuôn viên nhà mình trả lại đám trẻ, đã bị chính điện bảo vệ tường rào nhà mình giật chết. Tôi rất ưng ý với truyện ngắn này và cũng vẫn là Trần Quang Đạo y hẹn đến cơ quan của tôi nhận bản thảo truyện ngắn viết tay. Tôi mong đợi đứa con của mình lên mặt báo. Nhưng bất chấp sự sốt ruột của tôi, không bao giờ truyện ngắn đó xuất hiện.
Rồi tôi gặp lại Trần Quang Đạo ở một hội thảo văn chương. Tôi hỏi về truyện ngắn đó. Trần Quang Đạo lúng túng, rồi nói ra sự thật, anh đưa truyện ngắn cho một người có trách nhiệm và người này đã sơ suất đánh mất bản thảo. Một tai nạn hy hữu và nhớ đời. Chả có cách nào lấy lại, vì bản thảo viết tay tôi gửi đi là bản duy nhất, chưa kịp copy. Tôi có ý trách Trần Quang Đạo nhưng rồi cũng chẳng giận lâu được vì Đạo chơi thân với tinh những người bạn viết tôi thân quen. Nói một cách giang hồ, là toàn những “đầu mấu” đánh đu với nhau từ văn veo chữ nghĩa đến sinh hoạt thường nhật, trong đó rượu chè bù khú là chủ đạo. Tôi thành bạn của Trần Quang Đạo theo một cái cách chẳng giống ai. Đến tận bây giờ, thi thoảng tôi vẫn nhắc lại tai nạn năm nào và Trần Quang Đạo luôn cười rất hiền lành nhận lỗi.
Bạn bè văn chương, tôi nghĩ, là cái duyên gặp nhau mà thành. Trần Quang Đạo làm thơ, lại công tác ở tờ báo “Nhi Đồng” nên cũng không có nhiều dịp gặp gỡ với những người viết văn xuôi như tôi. Các nhà thơ tôi quen, trong mắt tôi luôn là những người khác biệt. Họ lập dị từ tính cách đến quan niệm văn chương. Ở họ, đa phần có cái gì đó như sự bất bình thường. Nói điều này các nhà thơ bạn tôi đừng tự ái, sự bất bình thường kia luôn gây ra những phiền toái không đáng có. Nó làm nặng nề ngay cả những cuộc gặp gỡ.
Trần Quang Đạo cũng không vượt ngoài nhìn nhận của tôi. Mỗi khi có cuộc nào đó, Đạo luôn là người gây ra sự ồn ào. Cứ rượu vào là Trần Quang Đạo cầm điện thoại gọi hết người này đến người khác. Có lần, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nổi khùng mắng Đạo, chú nốc đã vào rồi gọi anh đến để nhìn chai không, bát rếch à. Người khác lâm vào hoàn cảnh ấy chắc sẽ rất khó xử sự cho êm đẹp, nhưng Đạo biết cách. Ấy là anh ôm lấy Nguyễn Trọng Tạo, miệng cất cao một giai điệu rất mượt của chính nhà thơ đàn anh. Giai điệu chưa kết thúc thì Nguyễn Trọng Tạo đã mỉm miệng cười. Một cái kết đẹp cho tất cả.
Trần Quang Đạo là như thế. Bạn bè khó ai có thể giận một con người thật và hồn nhiên đến như vậy. Đạo nốc rượu vô hồi kỳ trận và song hành giữa rượu luôn là âm nhạc. Cầm kỳ thi họa có lẽ chỉ dành cho những nhà thơ đích thực, chứ cánh văn xuôi thì còn lâu, đừng mơ. Đúng là tôi chơi với các nhà văn chưa thấy ai biết hát, nửa câu cũng không.
Tài văn như Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh ai ai cũng biết, nhưng những khi bốc lên Trung Trung Đỉnh cũng chỉ thi thố nhảy múa còn Bảo Ninh thì mân mê xoay xoay chiếc ly hà hít rượu chứ tuyệt nhiên chả thấy mở miệng ò ử. Cái hay của Đạo là giọng hát mượt mà và chơi đàn ghi ta rất nhuyễn. Trần Quang Đạo làm thơ và tự phổ nhạc cho thơ của mình.
Chỉ là phổ để hát chơi chứ không ý thức sáng tác nhạc. Mỗi lần như thế, khi say sưa, bạn bè nghe Đạo hát những câu về thế thái nhân tình, về con tim ủy mị và những lai láng tình cảm, đều lặng nghe thấu cảm. Riêng tôi, thần kinh yếu, hay chảy nước mắt đồng lõa chia sẻ.
Trần Quang Đạo làm thơ khá nhiều. Tôi thẩm thơ kém nên ít dám bình luận thơ của bạn bè, nhưng một lần chứng kiến Đạo làm thơ, tôi đã tận cùng tâm phục khẩu phục. Ấy là lần tôi và Trần Quang Đạo là thành viên của đoàn nhà văn Việt Nam sang làm việc và thăm đất nước Hàn Quốc. Tha thẩn ở khu giới tuyến giữa hai miền Nam - Bắc, cách nhau một dòng sông, tôi chỉ lưu giữ những ảnh hình giới tuyến được trưng bày như một triển lãm chiến trận chứ tuyệt nhiên không có cảm nhận gì khác.
Bất chợt, Trần Quang Đạo vẫy tay chỉ cho tôi xem một con chim nhỏ vừa bắt được con sâu ngậm trong mỏ và nó cất cánh bay ra giữa dòng sông. Nó là con chim bố mẹ mang mồi về cho con đấy, tổ của nó ở bờ bên kia. Trần Quang Đạo thầm thì một cách xúc động. Cái tứ thơ không hề từ trên trời rơi xuống mà có được từ hình thành cảm xúc quá trình và tài quan sát rất tinh tế nhạy cảm chỉ có ở các nhà thơ. Bài thơ vụt ra đời. Tối ấy tôi nghe Trần Quang Đạo đọc mà thổn thức. Một bài thơ quá hay về chiến tranh, chia lìa. Con chim bờ Bắc sang bờ Nam kiếm mồi rồi trở về tổ ấm của mình. Chao ôi là hay, là ý nghĩa. Một thi phẩm tuyệt vời khiến tôi kính trọng bạn mình.
Trần Quang Đạo quê gốc ở Quảng Bình, xuất thân là lính, học đại học Sư phạm Văn rồi bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ văn học. Người miền Trung lam làm, chịu khó và rất tần tảo kiên trì trong việc lập thân, dựng nghiệp. Không biết bằng cách nào, Đạo mua được mấy gian tập thể nho nhỏ gộp vào để xây dựng được ngôi nhà ở trong phố cũ Tô Tịch. Một hôm Trần Quang Đạo mò đến nhà tôi bảo, này ông từng làm ở Truyền tải điện, mấy căn tập thể tôi mua là nhà của cơ quan ông.
Quả thế, tôi vận dụng hết mọi mối quan hệ để giúp bạn hóa giá làm giấy tờ cho ngôi nhà mới. Việc không thành khiến tôi áy náy mất một dạo và thầm trách những bạn cũ của mình không giúp được Đạo. Sau này thì tôi hiểu mình đã trách nhầm. Việc hóa giá nhà hóa ra rất phức tạp và nó được vận hành bởi cả một hệ thống hoàn hảo khép kín rất không tiện nói.
Không như những người khác nhảy việc liên tục, Trần Quang Đạo làm một lèo ở báo “Nhi Đồng”, cuối cùng là gần chục năm giữ cương vị Tổng Biên tập báo. Tôi chả viết được gì ở tờ báo này nhưng có những kỷ niệm rất vui, ấy là Đạo mang ảnh các con gái tôi lúc nhỏ làm bìa báo. Một sự “tư túi” rất đáng yêu. Các con tôi có ảnh trên bìa báo, rất vui sướng, giữ mãi làm kỷ niệm.
Trần Quang Đạo sinh năm 1957. Đạo nghỉ hưu ở vị thế Tổng Biên tập báo “Nhi Đồng”. Làm lãnh đạo nhưng Trần Quang Đạo luôn ý thức tâm thế nhà thơ. Đạo sáng tác nhiều và đều tay. Hai năm sau nghỉ hưu (2017), Trần Quang Đạo sáng tác liên tục và có những đổi mới thi pháp đáng kể. Gần chục tập thơ, nhiều giải thưởng thơ và cả văn xuôi, gồm tiểu thuyết và truyện dài thiếu nhi đoạt giải cao của Nhà xuất bản Kim Đồng, chưa kể Đạo còn vẽ tranh, làm nhạc. Có thể nói, Trần Quang Đạo là một nghệ sĩ đích thực với một hành trình văn chương đáng nể.
Bẵng một dạo gần đây thấy vắng bóng Trần Quang Đạo ở các cuộc tụ tập văn chương và sinh hoạt đời thường. Nghe nói, Đạo có vấn đề về sức khỏe. Rồi một hôm nghe tin Đạo vào bệnh viện mổ khối u ác tính trực tràng. Thật là một tin choáng váng. Tôi vội vã cùng bạn bè vào thăm Trần Quang Đạo ở bệnh viện. Đạo nằm đấy, xanh xao nhưng miệng vẫn mỉm cười. Một nụ cười lạc quan chỉ có ở những người biết mệnh mình. Trần Quang Đạo thông báo lành vết mổ sẽ điều trị hóa chất. Lại là một thử thách lớn của đời người Đạo bắt buộc phải vượt qua.
Hôm rồi mới nhất gặp Trần Quang Đạo ở một tiệc rượu bạn bè giữa hai lần hóa trị. Đó là vì Đạo nhớ bạn tìm đến. Không còn một Trần Quang Đạo ào ạt như xưa nữa. Thay vào đó là một Trần Quang Đạo điềm tĩnh, nhẩn nha chút rượu vang. Và Đạo vẫn ôm đàn hát những giai điệu quen thuộc. Kết thúc cuộc gặp, Trần Quang Đạo tặng tôi tập thơ mới nhất. Tôi hỏi một câu vô duyên, tuyển tập à? Đạo mỉm cười, thơ mới hoàn toàn. Một tập thơ hoành tráng do Đạo tự vẽ bìa, minh họa.
Tôi cầm tập thơ dày có tựa đề “Bay trong mơ”, tự nhiên nước mắt rân rấn khi nghĩ đến cánh chim hôm nào ở giới tuyến Hàn Quốc. Cánh chim thơ Trần Quang Đạo sẽ còn bay cao bay xa dù bầu trời mây gió bày ra muôn vàn thử thách nhọc nhằn.
Gắng lên bạn ơi, Trần Quang Đạo!/.