Đầu xuân tôi cùng với một người bạn lên chơi Bắc Hà.
Bắc Hà là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lao Cai. Chúng tôi lên Bắc Hà chỉ là theo lời một người bạn trên này nhắn, lên nhanh kẻo... chả còn gì mà xem!
May, cũng còn khối thứ xem. Và nhiều thứ đã mất đi rồi. Ví dụ như cái tên, “Cao nguyên trắng” nay hầu như không còn nữa. Vùng đất cao nguyên này vốn là thủ phủ của mận. Mùa xuân về cả một vùng đồi núi trắng xóa, trắng tinh khôi, trắng đến nao lòng sắc hoa của mận. Dịp ấy du khách mà được đi dưới tán hoa mận sẽ ngẩn ngơ như đi trong cõi thiên thai, không thực...
Nay ở trung tâm thị trấn Bắc Hà vốn xưa là những vườn mận cổ thì họ đã phá đi ráo, xây vào đó một cái hoa viên hồ nước trồng cây tả pí lù như mọi vườn hoa dưới xuôi. Tôi và ông bạn cứ ngồi tiếc mãi, sao họ không biết giữ và trồng những cây mận cổ để làm điểm nhấn cảnh quan cho thị trấn nhỉ? Chúng tôi đã đi sâu vào Lũng Phìn, Hoàng Thu Phố... cũng chả còn đồi mận, rừng mận như xưa. Chỉ có thỉnh thoảng bắt gặp đôi ba cây mận lẻ loi bên vườn nhà ai, hoa vẫn nở trắng đơn côi... Cao nguyên trắng, thực sự đã mất danh!
Nhưng chợ phiên miền núi điển hình Bắc Hà thì còn.
Chợ họp vào chủ nhật. Cả thị trấn hình như biến thành một cái chợ khổng lồ. Không kể cái nhà lồng chợ bày bán nhiều thứ như các ngôi chợ mọi nơi làm gì. Cái đặc sắc của chợ Bắc Hà là ở ngoài bãi kia. Gần ngay bến xe là một khoảng đất rộng dành làm nơi mua bán trâu. Từng đàn trâu được bà con người dân tôc lùa về. Những gã lái trâu kinh có, mán có, H'Mông có... bắt đầu trổ tài khua môi múa mép. Thì các cụ ta đã chẳng ca dao, “thật thà cũng thể lái trâu...” mà! Nhưng mà trâu bán ở đây thực sự ấn tượng: Những con trâu đực to cao lừng lững, bộ sừng trứ danh mập mạp cong vút nhọn hoắt... Ông bạn đi cùng với tôi bảo, chắc dân Đồ Sơn, Hải Phòng phải lên đây tậu trâu về nuôi thì mới chiến hăng thế chứ?
Xế bên là nơi bán lợn cắp nách. Bán chó con, những con chó giống của người Hmong đẹp và khôn nổi tiếng. Tiếc là gà nhiều và không còn tục bán theo con: 50 ngàn đồng một con to bé như nhau, ai mua trước chọn con to, ai mua sau con nhỏ, cũng vẫn 50 ngàn đồng! Giá còn cái tục hay ho này thì hai chúng tôi sẽ thử làm chuyến buôn gà về xuôi, có khi kiếm to!
Thú vị hơn cả là đến khu bày bán hàng rau củ quả sản vật miền núi. Thơm lừng mùi thảo quả, sa nhân, tam thất. Vừa lượn lờ vừa ngắm những cô nàng Hmong váy áo xúng xính má đỏ bồ quân đứng bán hàng là một cái thú không nên bỏ qua khi tới chợ phiên Bắc Hà. Thổ cẩm, nông cụ cũng có khu riêng. Lâu không ngắm cái cày nương trâu bò kéo cũng thấy hay hay...
Đến chợ phiên Bắc Hà, đi cả buổi mỏi chân rồi mà không ghé vào hàng thắng cố làm một bát đầy nóng hổi nghi ngút khói với chai rượu ngô thơm lừng thì đúng là chưa tới Bắc Hà! Dứt khoát phải là thắng cố chợ Bắc Hà. Khi lên đường tôi và anh bạn đã bảo nhau thế. Thế nhưng khi ngồi trong hàng thắng cố có tính chất “dân tộc” nhất của chợ Bắc Hà, trước bát thắng cố được bà chủ người dân tộc gì không rõ vừa múc ra đang bốc hơi mù mịt thì chúng tôi phải sử dụng hết cả lòng can đảm của sự khám phá và chí quyết tâm chinh phục cảm giác lạ mới chén được. Nhưng rồi sau vài chầu rượu bọn tôi thấy cũng... không có gì là ghê gớm như lời đồn thổi của mấy tay vốn người rất kinh!
Có đi lên Bắc Hà, lên Sa Pa, Đà Lạt... để thấy rằng "sự nghiệp" tàn phá thiên nhiên, cảnh quan môi trường của chúng ta về cơ bản đã hoàn thành! Chỗ nào cũng nhà ống mặt tiền, bê tông cốt thép, mái tôn xanh đỏ, vách kính sáng lòe. Hầu như không nơi nào còn đặc thù riêng biệt đã từng làm nên cái độc đáo của nơi đó nữa. Đó là một thực tế buồn và là hệ quả của việc phát triển nóng...
Những chợ phiên Bắc Hà với tiếng sáo H'Mông réo rắt vẫn còn khá lôi cuốn bởi còn nhiều nét nguyên sơ bản địa. Nhưng hình như tốc độ mai một cũng đang khá nhanh. Hình như biết thế nên dịp này rất nhiều đoàn khách ta có, Tây có đang đổ xô về khám phá thưởng thức không khí chợ phiên vùng cao Bắc Hà. Nếu ai chưa từng đến thì cũng nên đến một lần cho biết, bởi nay mai cái không khí vô cùng đặc biệt của phiên chợ này mất đi thì chẳng phải là một điều tiếc nuối lắm sao...