Nhiều người cho rằng, văn hóa Việt căn cốt là văn hóa làng xã.
Nghe có vẻ không sang lắm. Thế nhưng ngẫm kỹ thì hình như đúng. Cho tới gần đây, chỉ cách khoảng vài chục năm, nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Nông dân vi bản. Làng xóm là đơn vị hành chính thấp nhất, nhưng lại là cơ bản nhất làm lên diện mạo xã hội đương đại Việt Nam. Có người phản bác nói, cả nước đã hình thành không biết bao nhiêu thị trấn, thị xã, thành phố từ khi người Pháp còn ở đây mà lại bảo làng xã là diện mạo thế là nghĩa sao?
Chả sao cả. Thực nó là thế. Ngay cả các đô thị lớn của đất nước như Hà Nội hay Sài Gòn thì cái chất làng xã thật ra nó vẫn rất đậm đặc: biểu hiện rõ nhất là cái sự tham gia giao thông và xây dựng nhà cửa của dân ta. Ra đường hầu như mạnh ai nấy đi, luật lệ rất ít được tôn trọng. Đúng cái kiểu nông dân đường làng ta, ta cứ đi. Đi đường phố, đường quốc lộ mà cứ như đi đường làng! Hễ vắng bóng nhà chức trách là chả ai tuân luật. Mà có phải theo luật thì cũng mang tính chất đối phó nhiều hơn là cái sự tự giác thực hiện vì sự an toàn tính mạng của bản thân. Điều đó lý giải tại sao tai nạn giao thông đang là vấn nạn khủng khiếp của nước ta. Còn xây dựng thì, chỉ cần nhìn vào các con phố, đô thị xây độ hơn chục năm trở về trước là thấy rõ cái chất làng xã nông dân của những chủ nhân ngôi nhà phố kia: khấp khểnh, khập khiễng, lòe loẹt... Đến nỗi hồi ấy nhiều người đã ca thán, Hà Nội Sài Gòn, thực ra là mấy cái làng lớn mà thôi! Có nhiều nhà nghiên cứu kết luận, cái văn hóa làng xã, nông dân nông thôn nó ăn sâu, ngấm vào máu của người Việt thành thâm căn cố đế mất rồi. Rất khó cải tạo!
Thế văn hóa làng xã nó là những gì mà ngấm sâu đến vậy?
Để trả lời câu này có lẽ cần một công trình đồ sộ của các ngài giáo sư văn hóa (xịn!) mới có thể giải đáp cặn kẽ được. Trong một bài nhỏ mà có tham vọng như kia thì thật hão! Cơ mà ta cũng có thể hiểu khái quát, nó gồm văn hóa vật thể như: các công trình kiến trúc làm nên diện mạo của một ngôi làng như đình, chùa, miếu mạo, kiến trúc nhà ở, cổng làng cổng ngõ. Rồi đường sá, cây đa bến nước sân đình... Còn phần văn hóa phi vật thể nó vô cùng phong phú: Từ lời ăn tiếng nói, đến cách đối nhân xử thế, cho đến các làn điệu dân ca hò vè, phong tục tập quán... Rất nhiều thứ.
Văn hóa làng xã Việt tập trung và thể hiện đậm đặc ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ - Tức là trong cái không gian sinh tồn lâu đời nhất của dân tộc Việt.
Thế nhưng, không biết nên buồn hay vui, mà cái không gian văn hóa làng xã xưa ở miền Bắc nước ta đến giờ phút này, có thể nói là hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Người viết bài này vốn quê ở một làng Kinh Bắc. Khi có một đoàn làm phim tài liệu về ngỏ ý quay cảnh làng quê Kinh Bắc - Bắc Bộ điển hình cho một bộ phim chân dung thì tìm mãi cũng chẳng được một ngôi làng nào của tỉnh Bắc Ninh còn giữ được hồn cốt của làng Việt xưa. Sự nghiệp “phá làng” của chúng ta hình như đã xong! Thế nhưng sự nghiệp “đô thị hóa” lại chưa đâu vào đâu. Thế nên dẫn đến bây giờ rất, rất nhiều ngôi làng trở nên, làng không còn là làng, mà phố thì lại chưa ra phố. Dở dang. Hồi ấy, may làm sao có làng Nôm dưới Văn Lâm, Hưng Yên cũng thuộc trấn Kinh Bắc xưa còn giữ lại được khá nhiều nét của làng cổ. Và đoàn làm phim mới hoàn thành được công việc về “Người kể chuyện đất Kinh Bắc”! Rồi rất nhiều đoàn, nhiều người đã về làng Nôm để tham quan một ngôi làng điển hình duy nhất còn lại của Kinh Bắc - Bắc Bộ xưa. Thế nhưng, với tốc độ xây dựng và đô thị nhanh như hiện nay, rất có thể ngôi làng Nôm thanh bình kia sẽ “biến mất” trong tương lai gần! Điều đó mà xảy ra thật thì tiếc nuối lắm thay! Rất nhiều bạn bè tôi sau khi tham quan làng Nôm và cả vùng Kinh Bắc đã nói thế với tôi.
Viết đến đây tôi bỗng chợt nhớ đến một nơi lưu giữ được rất nhiều những di sản vật thể của văn hóa làng xã Việt: Thành Chương Việt Phủ!
Tôi đã đến nơi đây nhiều lần. Và cũng đã đưa, giới thiệu nhiều đoàn khách tới tham quan. Lần nào đến tôi cũng gần như mê man mụ mị trong cái không gian mà ông họa sĩ tài ba này tạo nên: Những ngôi nhà nông thôn xưa điển hình của mọi tầng lớp trong làng quê. Những di sản vật thể rất đặc thù làng xã Bắc Bộ như ông bình vôi, con chó đá, con cóc, con nghê, cầu ao, bến nước, cối đá, cối xay thóc... Không chỉ riêng tôi mê man nơi đây. Rất nhiều đoàn khách quốc tế cũng mê nơi này, lấy đây làm địa chỉ tham quan và tìm hiểu văn hóa làng xã Việt. Thành Chương Việt Phủ đã thành như một bảo tàng văn hóa Việt độc đáo và duy nhất trên toàn quốc.
Đến nhiều lần tôi đứng trên tháp cao ngắm và thầm tiếc. Giá mà có một khu đất rộng hơn vài lần, có nguồn lực tài chính mạnh hơn để ông họa sĩ tài ba quái kiệt này có thể tái hiện được hoàn chỉnh cái không gian văn hóa làng xã xưa thì hay biết mấy...
Thế mà gần đây, tôi nghe thấy ì xèo dư luận có người đòi đập Việt Phủ Thành Chương! Tôi thì chưa tìm hiểu kỹ cơ sở pháp lý của khu này. Nghe nói đã được cấp sổ đỏ từ lâu. Nếu có việc đập phá thì... tôi không tưởng tượng nổi!
Bởi tôi vẫn luôn tin rằng, nước Việt sở dĩ còn tồn tại như một quốc gia độc lập. Dân tộc Việt còn tồn tại chính danh trên mảnh đất của cha ông mình để lại từ ngàn năm mà không bị đồng hóa chính là do chúng ta có một cái bản sắc văn hóa cực kỳ độc đáo đặc sắc riêng biệt: Đó chính là cái văn hóa làng xã!
Giờ đây trong cuộc sống của thời đại mới, văn hóa làng xã có thể không còn như xưa. Làng quê sẽ phát triển theo hướng cuộc sống văn minh. Và đời sống văn hóa cũng sẽ biến đổi như đời sống vật chất. Thế nhưng dòng chảy văn hóa làng xã, cái sợi chỉ xuyên suốt của văn hóa Việt thì sẽ vẫn âm thầm xuyên suốt từ ngàn xưa cho đến mai sau. Nếu nước Việt này vẫn còn! Thế cho nên tôi kính trọng họa sĩ Thành Chương và cái phủ của ông. Ông đã thực sự lưu giữ hồn cốt văn hóa Việt trong công trình của mình. Ai đó muốn đập phá nốt một nơi lưu giữ di sản làng quê Việt, tôi xin mạn phép cụ Nguyễn Du nảy một Kiều để nhắn:
“Ngàn năm còn có chút này
Không cầm cho vững lại giày cho tan”!