Những ngân hàng đầu tiên vào cuộc
Ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu để hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần).
Trên thực tế đã có một số ngân hàng công bố sớm các giải pháp đầu tiên hỗ trợ khắc phục thiệt hại, ngay sau văn bản chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào ngày 4/2.
Chẳng hạn, ngay trong tối 4/2, đại diện VPBank cho biết sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Đối tượng được giảm là các khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và tác động của dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc.
Theo đó, những ngành nghề cũng được chỉ rõ sẽ chịu tác động lớn trong dịp này như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống, đại lý du lịch, các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang).
Trong chiều ngày 6/2, Ngân hàng Kiên Long cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, có thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc trên toàn quốc. Đồng thời, trong khoảng thời gian giảm lãi suất từ ngày 1/2/2020 đến 30/4/2020, ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, HDBank thì lại tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị, vật tư y tế, với chính sách tài trợ trọn gói (bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, phát hành L/C) dựa trên hợp đồng đầu ra với các bệnh viện, Sở Y tế, trung tâm y tế. Ngoài ra, hạn mức vay tín chấp được tăng lên 10 tỷ đồng, tăng hạn mức bảo lãnh ở nhiều loại tài sản khác nhau, đồng thời cộng thêm các ưu đãi về giảm phí giao dịch.
Còn đại diện TPBank cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các phương án hỗ trợ có thể là tiếp tục cho vay khi khách hàng cần vốn, hỗ trợ sản xuất, hoặc với những khách hàng gặp gián đoạn, khó khăn trong khâu vận chuyển, logistic, xem xét không tính lãi phạt, giảm lãi hay gia hạn nợ.
Trên thực tế, đây mới chỉ là đợt đầu tiên các ngân hàng công bố những gói giải pháp hỗ trợ bởi diễn biến dịch hiện nay còn khá phức tạp. “Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp”, đại diện VPBank cho biết.
Trao đổi với PV, nhiều đại diện truyền thông của các nhà băng cho biết ngân hàng đang xem xét xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ khác nhau, dự kiến có thể công bố trong thời gian tới.
Áp lực GDP và nCoV lên các nhà băng
Tại cuộc họp báo thường kỳ chính phủ mới đây, hai kịch bản tăng trưởng được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp diễn biến khác nhau. Chẳng hạn như nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý 1/2020 thì ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), nhưng kéo dài sang quý 2 thì tăng trưởng GDP có thể đạt 5,81% (thấp hơn 0,89 điểm phần trăm).
Tất nhiên đây chỉ là những con số ước tính, còn thực tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến của dịch như khả năng khống chế hay có thuốc điều trị, và phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành kinh tế của chính phủ.
Trên thực tế, từ khi bùng phát dịch viêm phổi cấp do nCoV ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hoạt động kinh tế như du lịch, buôn bán giao thương gần như tê liệt, ngay cả các hoạt động thường nhật của người dân cũng bị xáo trộn đáng kể.
Điều đáng chú ý là dù đối mặt với nhiều thách thức như vậy, nhưng Chính phủ mới đây không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà yêu cầu các cơ quan quản lý phải “phản ứng nhanh” về kinh tế, tăng cường sản xuất để bù đắp sự giảm sút do dịch bệnh.
Vì vậy, áp lực của các nhà băng là rất lớn, không chỉ trong việc giảm thiểu thiệt hại của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh phòng, chống dịch, mà còn phải làm sao để hỗ trợ và duy trì tăng trưởng.
Một trong những thách thức lớn là nợ xấu sẽ tăng lên trong bối cảnh các hoạt động kinh tế giảm sút. Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cơ quan quản lý không chỉ tính đến các phương án hỗ trợ như cân nhắc giảm lãi suất cho các lĩnh vực tác động mạnh, mà cần phải có phương án ứng xử với các nợ xấu tiềm ẩn trong một số lĩnh vực sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Đáng chú ý trong đợt công bố các giải pháp hỗ trợ đầu tiên, những ngân hàng tham gia hỗ trợ dường như vẫn còn chút nào đó e dè nợ xấu. Chẳng hạn, đối tượng hỗ trợ của VPBank được nêu lên phải có lịch sử tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với VPBank trong thời gian qua. Nhiều nhà băng khác cũng chọn cách tương tự.
Trên thực tế, trong quá khứ cũng đã từng có những trường hợp trục lợi từ các gói hỗ trợ của nhà băng. Vì vậy trong dịp này, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
Phương án “đồng hành” cùng dịch bệnh nCoV cũng đặt các nhà băng vào thách thức lớn hơn khi năm 2020 là mốc thời điểm mà các tổ chức tín dụng phải hoàn tất tăng vốn, cải thiện nhiều hoạt động quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hoạt động bắt buộc.
Hiện tại, nguồn vốn kinh doanh và thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào, nên các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra yêu cầu.
Thêm nữa, trong cuộc “so găng” căng thẳng giữa GDP và nCoV, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng cũng đã khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, thông tin từ NHNN cho biết.
Theo ông Lực, với mặt bằng lãi suất hiện nay được đánh giá là tương đối ổn và chưa phải là điểm nghẽn. Thêm nữa, các phương án hỗ trợ, kích thích nền kinh tế cũng phải xem xét thận trọng vì giảm lãi suất gây áp lực lên lạm phát, mà lạm phát trong năm nay thì áp lực còn lớn hơn năm ngoái. “Trước mắt nên tập trung xử lý những rào cản hiện nay như môi trường kinh doanh hay giải ngân đầu tư công”, ông Lực bình luận.