Aa

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Mâu thuẫn với luật thuế hiện hành

Thứ Ba, 11/12/2018 - 06:01

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp và ý kiến phân tích của chuyên gia, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Không phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh 

Đầu tháng 5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế có hiệu lực và được kỳ vọng hạn chế tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có liên kết về sở hữu, quản trị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà ngay doanh nghiệp trong nước cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng.

Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM): “Hiện, quy định về thu nhập doanh nghiệp cho phép các công ty được khấu trừ toàn bộ chi phí hợp lý, hợp lệ. Như vậy, việc khống chế trần tỷ lệ lãi vay ở mức 20% mâu thuẫn với luật thuế hiện hành nên cần phải có sự chỉnh sửa cho phù hợp”.

Chia sẻ với Reatimes, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng, khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh minh họa.

Bày tỏ về vấn đề này, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama nhận định: "Nếu để tránh áp dụng quy định về mức trần Chi phí lãi vay, tránh không có các giao dịch liên kết, Lilama sẽ phải giao việc cho các nhà thầu phụ bên ngoài. Thực tế hiện nay Việt Nam có ít doanh nghiệp ngoài Lilama đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các dự án xây lắp có quy mô vừa và lớn. Điều này sẽ làm cho Lilama giảm năng lực cạnh tranh, không định hướng được chiến lược phát triển, một số Công ty sẽ giảm việc làm và dẫn tới nguy cơ phá sản".

Mới đây, Cty CP Thương mại CITICOM đã gửi kiến nghị tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý, bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ do nguồn vốn chủ sở hữu lớn thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 - 80%. Vì vậy, CITICOM cho rằng: “Quy định này sẽ khiến đa số doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất”.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Cụ thể, tập đoàn này hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó các giao dịch liên kết chính và lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán điện và giao dịch “cho vay lại”.

Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu đầu điện tăng cao khiến việc đầu tư dự án điện mới của EVN rất lớn. Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp không đủ đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên EVN và các thành viên vẫn phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2025.

“Nếu tính theo Nghị định 20, tình hình tài chính của EVN và các tổng công ty phát điện là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện của Chính phủ. Theo đó, EVN Genco 1 phải nộp thêm 339 tỷ đồng, EVN Genco 3 phải nộp thêm 216 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp”, EVN tính toán. 

Ngoài ra, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh... cũng đã lần lượt gửi văn bản về Bộ Tài chính nói về sự vướng mắc, phức tạp khi thực hiện Nghị định 120.

“Vinacomin và các đơn vị chưa thực hiện được việc kê khai giao dịch liên kết theo hướng dẫn Nghị định 20”, tập đoàn này cho hay. Các doanh nghiệp đều đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn, sửa đổi Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cùng chung nhận định như trên: “Doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20/2017/NĐ-CP chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”.

Nỗi lo "thuế chồng thuế"

Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế, Công ty Deloitte Việt Nam, việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 được tham chiếu đến chương trình hành động số 4 của Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong tập đoàn với mục đích tránh thuế.

Mục tiêu ban đầu như vậy, nhưng trên thực tế, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay đang tác động lớn đến các tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn. Đơn cử như để thực hiện các dự án cần tiếp cận nguồn vốn lớn nhưng các công ty thành viên của các tập đoàn, tổng công ty trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.

Do đó, phải thực hiện huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, các công ty thành viên. Hơn nữa, tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.

Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế. 

Ngoài ra, với các doanh nghiệp bất động sản, hoạt động kinh doanh theo chu kỳ gồm giai đoạn đầu tư, phát triển sản phẩm và bán hàng. Giai đoạn đầu tư ban đầu chi phí rất lớn trong khi chưa phát sinh doanh thu. Do đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Bình luận về thực tế trên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Với nhiều năm hoạt động tài chính tại Mỹ, tôi nhận thấy không có việc áp trần chi phí lãi vay cho doanh nghiệp tại quốc gia này cũng như nhiều đất nước phát triển. Nếu một doanh nghiệp nào đó có dấu hiệu đẩy chi phí vay để trốn thuế, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và sau đó là tiến hành điều tra. “Nghị định 20 nhắm vào doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống thất thu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nội không có công ty liên kết bên ngoài sẽ không phù hợp và đặc biệt có thể gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ - con trong nước. Sẽ có một nhóm doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm nặng nề cho những doanh nghiệp khác trốn thuế", TS. Hiếu phân tích.

Ở góc nhìn tích cực hơn, bà Hương Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) đã đưa ra đề nghị: Nghị định 20 có thể điều chỉnh theo hướng bù trừ thu nhập và chi phí lãi vay, lãi suất biến động, tỷ lệ nhóm; xem xét đặc thù cho các doanh nghiệp mới hoạt động/đầu tư mở rộng; xem xét tính đặc thù của tập đoàn là tổng công ty, mô hình hoạt động công ty mẹ - con... Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức khống chế cần phải được khảo sát và nghiên cứu thêm để phù hợp điều kiện cũng như các quy định khác tại Việt Nam./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top