Của những người bị bệnh tim mạch!
Bởi cho đến giờ phút này, y học thế giới vẫn công nhận đây là một loại thuốc tốt nhất, dễ sử dụng, hiệu quả cực cao trong việc đề phòng các chứng đột quỵ, tắc mạch não, nhồi máu cơ tim của các bệnh nhân có tiền sử bệnh về tim mạch. Và quan trọng, nó lại rất rẻ tiền, dễ sử dụng, dễ mua.
Nhưng trước tiên ta nên hiểu một chút khái quát về hệ tim mạch của mình đã chứ nhỉ?
Hệ tim mạch đơn giản là gồm có tim và mạch máu. Tim co bóp tạo động lực đẩy máu lưu thông trong hệ mạch mang dưỡng chất đi nuôi các bộ phận trong cơ thể. Trong máu thì có ba thành phần chính cần quan tâm: Hồng cầu chuyên chở ô xi, bạch cầu là đội quân phòng vệ đi săn lùng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh cho người và tiểu cầu, có nhiệm vụ đi bịt ngay các lỗ dò, các sứt sát, rách hở mà trong quá trình hoạt động sống phát sinh, để cầm máu.
Nguyên thủy, hệ mạch máu của chúng ta là một hệ thống các đường ống đặc biệt, trơn láng mềm mại để cho máu lưu thông dễ dàng trong đó. Thế nhưng qua năm tháng cuộc đời, hệ thống ấy dần lão hóa đi, thỉnh thoảng có những chỗ không còn mềm mại trơn láng như xưa.
Máu và các dưỡng chất lưu thông trong đó có một chất béo gọi là cholesterol - mỡ máu, liền bám vào thành mạch máu chỗ đó, kiểu như ống nước của nhà chúng ta dùng lâu ngày bị bám cặn. Vì thế làm thành mạch gồ ghề nên tiểu cầu đi qua chỗ đó bị va đập, vỡ ra, và cơ chế đông máu được phát động. Chỗ mạch đó sẽ dần hình thành ra một cục máu đông. Đến lúc nào đó, cục máu đông ấy bít hoàn toàn lòng mạch máu tại điểm đó.
Nếu cục máu đông hình thành ở hệ động mạch vành nuôi tim: bạn sẽ có ngay một cơn nhồi máu cơ tim cấp, nhẹ thì đau đớn khủng khiếp và vào ngay phòng cấp cứu để cho thầy thuốc xử lý. Nặng thì... đi gặp chúa mà không kịp trối trăng!
Còn nếu cục máu đông hình thành trong mạch máu não: chỉ ở một mao mạch nhỏ, bạn có thể thấy những cơn đau đầu nhẹ thoáng qua, nhớ nhớ quên quên, hoặc méo miệng nói nhịu.
Còn nếu xảy ra ở các mạch to thì hậu quả khôn lường: liệt chi, liệt nửa người, liệt toàn thân, sống thực vật, đột tử... Cái hệ mạch của chúng ta xem ra thật rắc rối con mẹ hàng tơ phải không các bạn?
Giờ ta sẽ quay sang tìm hiểu xem, cái chất Aspirin kia như thế nào mà y giới ngợi ca tín nhiệm vậy.
Từ xa xưa, người châu Âu (Đức, Pháp...) đã biết sử dụng nước sắc của cây liễu gai để chữa các bệnh sốt, đau xương khớp. Đến thế kỷ thứ 19, với sự phát triển của khoa học, họ đã phát hiện ra trong cây liễu gai hoạt chất chữa bệnh là một a xít hữu cơ có tên là: Acid Salicylic.
Nhưng uống Acid Salicylic tinh chế để chữa bệnh thì rất kích ứng niêm mạc toàn bộ đường tiêu hóa. Mà uống nước sắc cây liễu gai thì cồng kềnh và không kiểm soát được liều lượng. Các nhà hóa học lập tức mầy mò nghiên cứu như thông lệ, họ từ những hợp chất gốc như vậy bắt đầu phát triển ra những hợp chất mới. Hy vọng nó vẫn giữ nguyên được tác dụng chữa bệnh mà dễ uống.
Năm 1897, Felix Hoffmann là người đang làm việc trong phòng thí nghiệm của hãng dược phẩm Bayer (Đức) đã tìm ra chất Aspirin bằng cách cho Acid Salicylic phản ứng với Aldehyd Acetic (chất này có thể hiểu là giấm ăn cô đặc!). Chất này dễ uống hơn hẳn và giữ nguyên tác dụng chữa bệnh vì vào đến dạ dày nó phân hủy rất nhanh ra hai thứ: Acid Salicylic và Acid Acetic. Acid Salicylic ngấm vào máu qua hệ tiêu hóa và phát huy tác dụng chữa bệnh của nó.
Chất Aspirin ra đời và làm nên sự thịnh vượng của một đế chế dược phẩm khổng lồ cho đến ngày nay: Hãng dược phẩm Bayer. Hãng này là chủ của một đội bóng đá lâu đời và khá nổi tiếng của nước Đức: Bayer Leverkuxen!
Tất nhiên đến nay, chẳng ai còn đi sản xuất Acid Salicylic và Aspirin từ cây liễu gai làm gì. Vừa lâu vừa giá thành cao. Bây giờ người ta tổng hợp hóa học trong các nhà máy hóa dược khổng lồ, với chất gốc đầu tiên là một thứ phụ phẩm “đổ đi” của công nghiệp hóa dầu: benzen! Thế nên giá thành aspirin hiện nay rất thấp và hầu như nước nào cũng có thể sản xuất được.
Aspirin có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau chống viêm, chống tập kết tiểu cầu. Hồi mới ra đời, nó là thuốc chống cảm cúm giảm đau hàng đầu. Sau này từ Aspirin, người ta tổng hợp ra vô vàn các loại thuốc tương tự, như Paracetamon chẳng hạn...
Thế nhưng Aspirin có một tác dụng phụ đó là nó gây kích ứng dạ dày mạnh. Thậm chí có thể gây thủng, chảy máu dạ dày với những bệnh nhân đang bị loét. Bởi khi vào trong dạ dày, ruột, Aspirin nhanh chóng phân hủy thành Acid Salicylic; người viết bài này khi còn sinh viên dược đã nhiều lần đi thực tập trên phòng thí nghiệm với Acid Salicylic, soi trên kính hiển vi trông không khác gì đống mảnh thủy tinh vỡ, bảo sao không cứa thủng dạ dày!
Nhưng giờ đây có rất nhiều dẫn xuất từ Aspirin có tác dụng cho các bệnh cần hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm mà lại không kích ứng dạ dày nên người ta ít dùng Aspirin cho mục đích đó nữa. Thế nhưng tác dụng đánh tan cục máu đông trong lòng mạch thì vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng vấn đề đặt ra là cần phải khắc phục sự tác động trực tiếp của Aspirin lên thành niêm mạc dạ dày.
Mọi người đều biết độ pH là chỉ độ a xít, ba zơ. Thang độ đo pH chia từ 1 đến 14. pH thấp thì là môi trường a xít cao. pH cao thì là môi trường kiềm. Còn môi trường trung tính (nước tinh khiết) pH bằng 7.
Dạ dày của chúng ta là môi trường a xít mạnh (từ 1-3), ruột thì pH là khoảng bằng 8. Các thức ăn, thuốc uống thường bị nghiền nhỏ, đánh tan ở dạ dày, do co bóp và do a xít dịch vị, Aspirin cũng không là ngoại lệ. Vậy thì để cho viên Aspirin không tan trong dạ dày tạo Acid Salicylic tác động trực tiếp đến niêm mạc, các nhà dược học bèn sáng chế ra một cái màng bao viên thuốc không tan trong môi trường a xít mà chỉ tan trong môi trường kiềm: Viên thuốc Aspirin pH8 ra đời. Thuốc chỉ tan trong môi trường pH bằng 8!
Uống (nhớ là nuốt chửng) viên thuốc này vào, ở môi trường dạ dày, thuốc sẽ không tan mà khi xuống đến ruột non thuốc mới tan để ngấm vào máu, thế là triệt tiêu được vấn đề tác động đến thành dạ dày.
Còn vấn đề phòng chống nguy cơ tập kết tiểu cầu trong hệ mạch hàng ngày của những người có nguy cơ cao thì sao? Liều nào có tác dụng và sử dụng hàng ngày để không gây tác dụng phụ? Qua nghiên cứu người ta đã đưa ra được liều tối ưu đó là 81mg cho một người trong một ngày: Đủ để đánh tan các cục máu mỡ đông mới hình thành trong lòng mạch. Cái chất Acid Salicylic kia lúc này đóng vai như một cái chổi quét trong hệ mạch của người ta! (liều trị cảm cúm, giảm đau xương khớp thường từ 500mg cho một lần, ngày khoảng 2-3 lần!).
Và thế là biệt dược Aspirin pH8 hàm lượng 81mg một viên ra đời và phổ biến trên toàn thế giới. Aspirin pH8 81mg nay là thuốc bán không cần đơn bác sĩ, thậm chí có thể bán luôn trong siêu thị với những lọ đóng hàng ngàn viên một để tiện cho những người có tiền sử bệnh tim mạch, nguy cơ cao với đột quỵ, nhồi máu... mua về uống phòng hàng ngày. Mỗi ngày đều đặn nuốt chửng một viên là các bạn có thể yên tâm sống khỏe mạnh yêu đời.
Còn tiện đây xin nhắc lại, nếu không phòng chống trước mà để xảy ra nhồi máu, đột quỵ thì việc xử lý sẽ cực kỳ phức tạp và cực tốn kém với tiên lượng không cao. Và phải là tại các bệnh viện chuyên khoa cao cấp. Mọi loại thuốc kiểu như “An Cung Ngưu Hoàng Hoàn” hầu như không có tác dụng gì trong những trường hợp cấp cứu. Còn để phòng, nó cũng có tác dụng cỡ tương đương 1 viên Aspirin pH8 81mg!
Nhưng các bạn hãy so sánh giá: Aspirin pH8 81mg giá độ 200 đồng Việt Nam một viên, còn “An Cung...” độ 2 triệu đồng một viên! Bạn nào có tiền để uống mỗi ngày một viên thuốc giá 2 triệu đồng kia cho cả phần đời còn lại? Và nữa, chưa kể các chất không kiểm soát được trong loại thuốc này, nó sẽ gây ra cho cơ thể bạn thêm chứng bệnh gì thì chỉ có chúa biết! Bạn hãy so sánh và lựa chọn!
Để kết bài này xin nhắc lại lần nữa là, cho đến giờ phút này sau hàng trăm năm sử dụng, y học thế giới vẫn kết luận Aspirin là thứ thuốc hiệu quả nhất để phòng các chứng huyết khối trong hệ mạch máu dẫn đến đột quỵ, tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Với giá thành rẻ và dễ sử dụng (viên Aspirin pH8 hàm lượng 81mg chỉ nhỏ như hạt gạo, rất dễ nuốt!), tại sao những bạn có nguy cơ cao đã được thầy thuốc khám chữa kết luận rồi không biết sử dụng hàng ngày để nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống của mình nhỉ?