Hồi tôi đang ở bộ đội, năm 1984.
Cả đơn vị nuôi tăng gia được một con lợn ngót tạ. Thủ trưởng nhân dịp gì đấy hạ lệnh mổ thịt cho lính tráng làm bữa ấm chân răng. Vui lắm...
Nhưng ôi thôi, mổ ra, lợn gạo! Những cái nang sán trắng như hạt gạo, đụng lưỡi dao vào nảy tanh tách... Thế là bác sĩ chủ nhiệm quân y ra lệnh đào hố, rắc vôi bột, chôn sâu lèn đất kỹ! Lính tráng tiếc ngom ngóp mà cũng đành đứng nuốt nước bọt khan. Cả vài tháng chưa được miếng tươi nào vào miệng nhưng vẫn tuân lệnh trên chôn kỹ, chứ bố ai dám ăn cái thứ rồi nó thành con sán dây dài cả mét kia vào mồm?
Kể lại chuyện này để các bạn thấy vụ việc vừa xảy ra ở Thuận Thành quê tôi: Có những kẻ đang tâm đem thịt lợn gạo, thịt gà thối về nấu cho trẻ mầm non ăn! Tội lỗi của lũ này đúng là trời không dung, đất không tha. Còn với hiện tình, công an nói đang điều tra. Thôi cũng đành đợi công quyền kết luận xem sao chứ còn biết làm gì bây giờ? Nhân khi chờ đợi nói thêm với các bạn vài chuyện về giun, sán!
Giun sán là bệnh cực kỳ phổ biến ở nước ta và các nước Đông Nam Á, do điều kiện khí hậu, môi trường sống và tập quán vệ sinh ăn uống.
Sán là loài trùng ký sinh trong cơ thể người, vậy nó từ đâu vào người ta?
Có nhiều nguồn lây bệnh: Nó xuất phát từ lợn (ăn phải thịt lợn gạo, ăn tiết canh, nem chạo). Từ vật nuôi như chó, mèo. Từ cá: ăn gỏi! Từ ăn rau sống, đặc biệt là giống rau thủy sinh như: ngổ! Ngoài ra có một nguồn lây nhiễm rất nhiều người không để ý tới đó là... bụi từ không khí: phân chó mèo, người... nhiễm trứng giun sán phóng uế ngoài môi trường, khô đi, thành bụi phát tán vào không khí. Những cái trứng giun sán bé ti kia cũng thành bụi bay lơ lửng cùng gió, ta hít phải, xong!
Bởi thế cho nên ông giáo sư y học nào đó nói, cái tỷ lệ nhiễm giun sán trên dưới 10% của người Việt là bình thường, có lẽ đúng! Nhớ chuyện xưa nhiều người đã kể, nước mình hồi ấy có khi ai cũng không giun thì sán, đến nỗi đi sang nước ngoài học tập, làm việc là họ phải tập trung ráo lại, cho đi tẩy giun sán đã!
Giun cũng là giống ký sinh trùng, phổ biến hơn, dễ nhiễm hơn sán.
Thế nhưng nhiễm sán thì nguy hiểm hơn. Bởi có thể nó theo máu lên làm tổ trên não kia. Tuy không chết người nhưng có thể gây ra những cơn động kinh co giật... Còn với giun, thường nó chỉ làm con người ta gầy yếu xanh xao, trẻ em thì bụng ỏng đít vòn vì bị bọn giun chúng phục sẵn trong ruột non mà cướp lấy thức ăn vốn dành nuôi cơ thể.
Thỉnh thoảng có một tên giun nào đó ăn no rửng mỡ nổi máu giang hồ, ra khỏi ruột non ấm áp và sẵn thức ăn, ngoe nguẩy đi chơi. Rúc đầu lên tận chỗ túi mật toàn đắng cay, khiến cho khổ chủ ta lên cơn đau choáng chổng mông chổng tĩ lên trời mà kêu la... thế thôi! Còn giun nhiều quá đến mức trẻ em bị tắc ruột xưa là có, nay hiếm rồi!
Bởi thật may, bây giờ đã có nhiều loại thuốc trị giun sán hiệu quả cao, dễ sử dụng và ít tác dụng phụ. Với giun, chỉ một liều duy nhất Mebendazol, Albendazol là bọn giun tóc, giun móc, giun kim bé ti cho đến giun đũa dài ngoằng bị tống ra khỏi cơ thể chúng ta ráo! Không trừ một con nào. Những loại thuốc trên khi ta uống vào nó tan ra đi theo ống tiêu hóa, giun cư ngụ trong ruột non chén phải chết quay lơ, bị tống ra ngoài theo phân. Thuốc đó hầu như không ngấm vào máu qua thành ruột nên cơ thể người không bị bất cứ phản ứng khó chịu nào.
Các nhà y học căn cứ vào con đường bệnh sinh của giun và điều kiện vệ sinh, thói quen ăn uống của dân ta thường khuyên, với người Việt Nam, kể từ trẻ hai tuổi trở lên, cứ định kỳ sáu tháng uống một liều thuốc tẩy giun là tốt nhất! Mà cũng chả tốn kém là bao, một liều cũng chỉ hết khoảng 5000 VNĐ! Vấn đề là có nhớ hay không mà thôi...
Với con sán ngoan cố kia thì phức tạp hơn chút. Thế nhưng cũng đã có thuốc đặc trị: Niclosamid, Praziquantel là những biệt dược đặc trị sán. Cũng chỉ cần một liều Praziquantel chẳng hạn là sán nào cũng tiêu! Với bọn ấu trùng chưa thành hình mà đã kịp chu du theo máu rồi lên cư ngụ mãi trong não cũng vẫn bị xử lý gọn bằng thuốc như thường, có điều là cần khám xét và phác đồ điều trị cẩn thận hơn.
Vậy nên giun sán nay coi là bệnh thông thường, không có gì phải cuống cà kê lên cả. Có thuốc đặc trị. Và có cả các biện pháp phòng bệnh, rất hiệu quả đơn giản ai cũng có thể thực hiện được:
- Ăn chín uống sôi: tất cả các loại trứng, ấu trùng giun sán đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi của nước!
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh: các thể loại trứng giun sán li ti chẳng may bám vào tay chúng ta sẽ bị chất tẩy rửa (xà phòng) cuốn trôi!
- Với các loại thú cưng nuôi trong nhà như chó mèo, phải thực hiện chế độ vệ sinh như với người thì mới được cho ở chung phòng. Còn không, mời chúng ra... cũi!
- Những món ăn cần tuyệt đối từ bỏ: tiết canh lợn, thủ phạm của không những bệnh giun sán mà còn là thủ phạm của những bệnh nhiễm trùng máu cực kỳ nguy hiểm! Rất hạn chế ăn rau sống. Nếu có ăn phải ăn từ nguồn rau sạch đảm bảo (tốt nhất là của nhà tự trồng) và phải được rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy: để cho trôi trứng giun sán nếu có!
- Vệ sinh môi trường: không để phân rác phóng uế bừa bãi ngoài trời!
Thật ra câu chuyện về thịt lợn gạo, về con giun con sán vừa rồi cũng không có gì đáng phải ầm ĩ như đã! Chẳng qua là do nhiều ông chuyên môn chả có cứ xông ra chém gió hoắng cả lên. Còn mấy ông có chuyên môn thì lại cậy ta đây khoa học, nói cứ như chọc vào tai, vào mắt bà con đang trong cơn bức xúc, nên càng sôi sục!
Đằng thẳng ra, việc xử lý rất đơn giản: Cứ điều tra cả cái ổ nhóm Công ty Hương Thành bất lương kia, những kẻ cung cấp thực phẩm bẩn cho trẻ em kia mà nã, là ra hết cả tổ con chuồn chuồn. Có thế thôi.
Cơ mà thẳng thế thì nhỡ lại lộ ra một số... một số... “giun sán”, đang bâu quanh ăn chặn bữa cơm của các cháu mầm non thì sao? Thế nên mới thành ra cứ loanh quanh chuyện giun sán!