Aa

Ba bà công chúa triều Trần

Chủ Nhật, 26/07/2020 - 08:00

Dưới con mắt của khoa học lịch sử, dưới cái nhìn cận nhân tình và biện chứng khách quan, có thể nói, đó chính là những bà công chúa, những phụ nữ Việt vĩ đại đã góp công sức, trái tim, khối óc cho non sông nước Việt.

Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, với 12 đời vua. Theo thông lệ của Nhà nước phong kiến xưa, các ông vua sẽ có “tam cung lục viện” chứa vô vàn các thê thiếp, cung tần mỹ nữ dưới sự cai quản của một bà hoàng hậu, người vợ chính thức của vua, nhằm duy trì nòi giống.

Thế cho nên, sẽ có rất nhiều hoàng tử công chúa được sinh ra. Chắc trong suốt 175 năm của triều đại với các đấng quân vương họ Trần nổi tiếng phong tình, cũng đã sinh ra rất nhiều công chúa lá ngọc cành vàng. Nhưng đa số họ không để lại tên tuổi gì, mà chỉ có ba bà công chúa nổi tiếng nhất, số phận cuộc đời họ cho đến nay vẫn khiến hậu thế băn khoăn, tranh cãi, đó là: Thiên Cực công chúa, An Tư công chúa và Huyền Trân công chúa.

Thiên Cực công chúa là con của Thái tổ Trần Lý. Bà có tên khai sinh là Ngừ (tên một loài cá), trong sử ghi là Trần Nhị Nương. Bà kết hôn với thái tử Lý Hạo Sảm, sau này là Lý Huệ Tông và sinh được hai cô công chúa là Chiêu Thánh và Chiêu Hoàng. Bà là hoàng hậu của Lý Huệ Tông. Sau khi Huệ Tông chết, bà “bị” giáng xuống là Thiên Cực công chúa rồi gả cho Trần Thủ Độ, lúc đó đang nắm binh quyền trong triều. 

Huyền Trân Công chúa (Ảnh minh họa)

Cùng với người chồng sau này, bà đã đạo diễn một cuộc cách mạng cung đình êm thấm, thông qua cuộc hôn nhân giữa con gái Chiêu Hoàng của mình với cháu trai Trần Cảnh. Và, cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý - nhà Trần đã xảy ra êm thấm mà không phải đao binh máu đổ. Sau này bà còn có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất nên được phong là Linh Từ quốc mẫu. Thiên Cực công chúa mất năm 1259, hiện cả nước có nhiều nơi thờ bà. Tại Hưng Hà, Thái Bình nay vẫn có đình Ngừ thờ tự cả hai vợ chồng Linh Từ quốc mẫu Trần Nhị Nương (bà chúa Ngừ) và chồng là Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ.

An Tư công chúa có số phận thật ra đến nay chưa rõ ràng. Không rõ là cuộc đời bà có được hạnh phúc an yên như cái tên mà cha bà, Đức vua Trần Thái Tông đặt cho không hay phải ba chìm bảy nổi ở phương trời xa nào cũng không rõ. Bởi cho đến nay, tài liệu về bà rất ít. Cũng rất ít sử sách nói đến tên bà. 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép, vào năm 1285, khi Thoát Hoan công phá kinh thành Thăng Long, vua quan nhà Trần phải bỏ thành chạy về phía biển. Thoát Hoan dẫn quân truy kích dữ lắm. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đem em gái mình là An Tư công chúa cùng lễ vật sang trại giặc để “thư giãn nạn nước”. Sử Việt chỉ ghi có thế, tuyệt không nhắc đến bà nữa. Gần đây nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có đọc rồi dịch Nguyên Sử từ tiếng Trung Quốc ra, kết hợp với các ghi chép khác, đã đưa ra kết luận: An Tư công chúa đã lấy Thoát Hoan làm chồng và theo về bên kia biên giới sinh sống. 

Thậm chí, có sách nói bà sinh được hai con trai kia. Như vậy cũng lý giải cho việc tại sao sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên nhà Trần định công ban thưởng khắp các vương hầu, tướng sĩ nhưng đã tuyệt không nhắc đến tên bà. Và thậm chí cho đến nay cũng không có một đền thờ miếu mạo nào thờ bà công chúa đã vì nước quên thân kia. Đó chẳng phải là một sự bất công sao?

Nhưng bi thảm hơn cả là số phận của Huyền Trân công chúa. Bà là con gái của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân năm 1306 với món hồi môn khổng lồ là vùng đất hai châu Ô - Lý (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay). 

Chỉ một năm sau, chồng bà là quốc vương Chế Mân đã băng hà nhưng cũng đã kịp sinh hạ cùng bà một hoàng tử là Chế Đa Đa. Cách xử thế không theo chuẩn mực ngoại giao khi đó của triều Trần đã khiến cho việc bà trở về quê đẻ là nguyên nhân của cuộc chiến chinh không dứt giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Mấy lần quân Chiêm đã tấn công vào tận kinh thành Thăng Long khiến vua tôi nhà Trần phải chạy sang hành cung Đông Ngàn lánh nạn. Và có lẽ triều Trần đã bắt đầu suy vi từ những cuộc chiến này rồi dẫn đến mất quyền về tay nhà Hồ năm 1400. 

Bà Huyền Trân công chúa sau khi trở về Đại Việt đã xuất gia đi tu và sống cuộc đời ẩn dật ở những ngôi chùa hẻo lánh cách xa cung đình. Nhưng những câu chuyện về chuyến vượt biển cùng tướng quân Trần Khắc Chung từ Chiêm Thành về Đại Việt, kéo dài cả năm trời lênh đênh trên biển, cho đến nay dân gian vẫn còn thêu dệt, rì rầm bàn tán…

Như vậy, trong lịch sử vương triều kéo dài 175 năm của nhà Trần, một trong những triều đại phong kiến vẻ vang nhất của nước Việt, có ba bà công chúa đã ghi lại dấu ấn đậm nét của mình. 

An Tư Công chúa (Ảnh minh họa)

Bà Thiên Cực - Linh Từ Quốc Mẫu gắn với việc mở triều. Bà An Tư công chúa với kế mỹ nhân, góp phần cực kỳ quan trọng đánh bại chiến lược tốc chiến tốc thắng của quân Nguyên Mông khi ấy, để rồi sau đó bọn họ phải thất bại thảm hại rút chạy về nước. Bà Huyền Trân công chúa với huyền thoại mở mang đất đai bờ cõi cho vương triều. 

Dù chính sử hay dã sử còn có nhiều cách đánh giá khác nhau về ba bà công chúa huyền thoại này. Thế nhưng, ngày nay, dưới con mắt của khoa học lịch sử, dưới cái nhìn cận nhân tình và biện chứng khách quan, chúng ta có thể nói, đó chính là những bà công chúa, những phụ nữ Việt vĩ đại đã góp công sức, thân thể, trái tim, khối óc mình cho non sông nước Việt. Tri ân và tưởng nhớ đến các bà, ấy có lẽ là việc nên làm của lớp hậu sinh! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top