Aa

Ba kích có tác dụng gì?

Chủ Nhật, 22/11/2020 - 08:00

Cây ba kích còn có tên gọi là cây ruột gà, bởi rễ củ của nó có hình dáng màu sắc giống như ruột của con gà. Tên khoa học của cây ba kích là: Morinda officinalis. Họ cà phê: Rubiaceae.

Ba kích thuộc loài thực vật thân leo, sống lâu năm, lá hình thuôn, thân bao phủ một lớp lông mềm. Xưa mọc hoang rất nhiều ở các vùng núi các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đặc biệt nhiều ở dưới các tán rừng già quanh dãy núi Yên Tử thuộc đất hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang. Nhưng cho đến ngày nay, ba kích thiên nhiên hầu như đã biến mất, mà chỉ còn ba kích trồng tại đồi núi nơi đây theo phương pháp bán tự nhiên.

Bộ phận dùng của ba kích là rễ củ (rễ phình to thành củ). Bên ngoài có màu vàng nhẹ hoặc trắng đục, bên trong màu vàng ngà hoặc màu tím. Ba kích thường được thu vào mùa thu, đông. Củ ba kích đào lên, loại bỏ đất cát, phơi sấy khô, cắt đoạn. Khi dùng tách bỏ phần lõi củ là gỗ rồi có thể đem sao tẩm chế biến tùy theo mục đích sử dụng.

Theo y văn cổ truyền thì ba kích có vị cay ngọt, hơi ấm. Tác dụng là cường gân cốt, an ngũ tạng, bổ trung ích khí, bổ thận âm. Dùng chủ trị cho các chứng bệnh như: liệt dương, di tinh, mộng tinh, thận hư, phong thấp… Liều dùng phổ biến từ 6 gram đến 12 gram mỗi ngày, có thể sắc nước uống, ngâm rượu hay cao đan hoàn tán đều tốt.

Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu khá kỹ về loại dược liệu này. Qua thực nghiệm người ta thấy ba kích có tác dụng tương tự như sâm Triều Tiên: Nó tăng cường sự dẻo dai và tăng sức đề kháng rõ rệt cho cơ thể. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp, tăng khả năng làm việc của trí não. Đặc biệt, nó có tác dụng tăng lực, tăng khả năng giao hợp của đàn ông khá rõ rệt. Tuy nhiên, cũng qua nghiên cứu chuyên sâu, người ta không tìm thấy tác dụng tăng sản xuất hormon testosterone cho nam giới, chất quyết định khả năng tình dục của mỗi quý ông. Như vậy tác dụng của ba kích là nhất thời chứ không phải là một biện pháp cải thiện căn bản, từ gốc của vấn đề.

Trong dân gian từ xưa đến nay, đặc biệt là trong các bài thuốc bí truyền của đồng bào dân tộc vùng xung quanh dãy núi Yên Tử mà tác giả bài này đã từng ở, từng đi điền dã. Vị thuốc ba kích luôn được sử dụng như là một vị “quân”- vị chủ chốt, trong các bài “bổ thận tráng dương”, tăng cường sinh lực đàn ông, tăng khả năng giao hợp. 

Ba kích tím vùng Quảng Ninh

Thường thì ở vùng đó đồng bào ngâm với rượu uống chứ ít khi dùng thuốc sắc. Thậm chí là đi rừng, họ nhìn thấy dây ba kích, đào luôn, rồi có thể nhai nuốt luôn một khúc, có tác dụng tốt trong việc chống lại mệt mỏi, tăng cường sức lực. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đến nay ba kích thiên nhiên hầu như đã tuyệt chủng. Mà ba kích theo nguyên tắc cũng giống như loài sâm, càng sống lâu năm, các hoạt chất sinh học có tác dụng bổ càng nhiều càng tốt. Nhưng bây giờ trên thị trường chỉ còn có ba kích do trồng cấy, nên tác dụng khá hạn chế. 

Như các bạn đã biết tại Hàn Quốc, người ta có rất nhiều vùng thâm canh trồng sâm với quy trình thu hái chặt chẽ: sâm trồng từ 6 năm trở lên mới được phép bán như là một vị thuốc, còn dưới 6 năm chỉ được phép bán như rau. Để các bạn dễ hình dung giá trị của dược liều quý hiếm ngoài thiên nhiên với dược liệu nuôi trồng nhân tạo ta biết thế này: Chỉ 1 củ sâm nặng vài chục gram có tuổi đời trên 100 năm đào được trên núi cao Hàn Quốc có giá bán tới hơn 1 triệu đô la Mỹ, còn giá 1 ki lô gam sâm Hàn Quốc loại làm thuốc 6 năm trồng cũng chỉ có giá vài trăm đô la Mỹ mà thôi!

Tại vùng Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… của Quảng Ninh hiện có khá nhiều cơ sở trồng giống ba kích ruột tím đặc trưng của vùng này. Có điều hình như ngành dược chưa có một quy trình chuẩn cho việc thu hái chế biến ba kích thì phải, đặc biệt là vấn đề thời gian nuôi trồng. Đa số hiện nay họ trồng ba kích trong khoảng 3 năm là đã thu hoạch, đem bán tưng bừng ngoài thị trường. Nếu đem so với những củ ba kích sống lâu năm trong rừng già, xưa kia chúng tôi thu mua được của đồng bào dân tộc thì quả là một trời một vực! Có lẽ ngành dược nên quan tâm đến việc này…

Nhân đây xin nhắc lại ý kiến về một câu chuyện ồn ào trên báo chí và mạng xã hội suốt tuần qua: có một quý ông khai, sau khi uống rượu ba kích về dương vật cương cứng suốt 30 giờ không xỉu đi cho, phải đến bệnh viện cấp cứu! Đó thực sự là chuyện nhảm nhí! 

Với tư cách của một dược sĩ đã từng biết rõ tác dụng của ba kích từ mấy chục năm nay, tôi xin khẳng định là ba kích dù có là loại đã sống trăm năm trong rừng già cũng không có tác dụng “thần kỳ” như thế. Chắc chắn quý ông kia đã lạm dụng thuốc cường dương tân dược dạng viagra quá liều nên mới dẫn đến tình trạng vậy. Còn các quý ngài khác, nếu chưa từng uống rượu ba kích thì cũng không nhất thiết cố sống cố chết để khuân về nhà một bình làm gì. Bởi thực tế nó cũng thường thôi, đó là lời khuyên của dược sĩ! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top